Xót xa đời xiếc kungfu

26/09/2017 - 06:58

PNO - So với nhiều bộ môn nghệ thuật khác, có lẽ diễn viên xiếc kungfu là những người phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, thử thách nhất, chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Không ai biết hiện ở TP.HCM có bao nhiêu diễn viên xiếc kungfu, chỉ biết họ có mặt khắp nơi - từ quán nhậu lề đường đến các đám tiệc, hội chợ, khu vui chơi… So với nhiều bộ môn nghệ thuật khác, có lẽ diễn viên xiếc kungfu là những người phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, thử thách nhất, chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Xot xa doi xiec kungfu

Phía sau những tiết mục khiến khán giả phải kinh ngạc, thán phục là những phận người gian nan với nghề xiếc kungfu

Xiếc Kungfu - Nghề tự học

Xiếc kungfu thường gắn với võ thuật. Các nghệ sĩ, diễn viên thường được xem như những võ sư “võ công thượng thừa, nội công thâm hậu”. Thực tế không hẳn vậy. Một diễn viên có nền tảng võ thuật sẽ có nhiều lợi thế, nhưng không phải diễn viên xiếc kungfu nào cũng giỏi võ.

“Xiếc kungfu là một quá trình luyện tập kết hợp với vận nội công để tăng sức chịu đựng khi thực hiện những tiết mục biểu diễn vượt quá khả năng thông thường của con người” - nghệ sĩ Minh Tân - người khởi xướng trường phái xiếc kungfu ở TP.HCM - chia sẻ.

Từ vài tiết mục cơ bản như nuốt kiếm, nuốt rắn, công phá gạch, phun lửa… các nghệ sĩ xiếc kungfu đã tự tìm tòi để cho ra đời những tiết mục mới với mức độ thử thách ngày càng cao. Nhiều tiết mục thậm chí có thể làm người yếu tim ngất xỉu khi xem như: nuốt kim, nuốt banh sắt, dùng lưỡi chặn cánh quạt điện đang quay, dùng khoan điện khoan vào bụng, mũi

Dù là loại hình nghệ thuật có độ nguy hiểm rất cao, theo nghệ sĩ Minh Tân, tỷ lệ các diễn viên đến với xiếc kungfu qua con đường tự tập hoặc học lỏm cao hơn nhiều so với số được hướng dẫn bài bản. Số khác, sau khi học nghề vài tháng với những người có kinh nghiệm, khi có thể diễn được các tiết mục đơn giản, thường nghỉ ngang để đi kiếm tiền và sau đó tự tập những tiết mục khó hơn.

Xot xa doi xiec kungfu
Đâm kiếm vào họng

Ngoài đam mê đến kỳ lạ với các trò nguy hiểm, đa phần những người theo đuổi xiếc kungfu còn có một điểm chung: gia cảnh khó khăn. Lòng can đảm và sức chịu đựng là “tài sản” duy nhất họ có để mưu sinh. Dẫu biết tai nạn luôn chực chờ, nhiều diễn viên xiếc kungfu vẫn hướng người thân theo nghề.

Như trường hợp diễn viên Bảo Long. Theo nghề xiếc kungfu của gia đình vợ, khi cuộc sống ổn định, anh dắt anh trai Huỳnh Long - vốn không thể nuôi nổi vợ con bằng nghề “thợ đụng” - theo mình kiếm sống. Từng vài lần nhập viện vì tai nạn, Huỳnh Long vẫn truyền nghề cho con trai Kỳ Anh khi con mới hơn 10 tuổi.

Trong số học trò của nghệ sĩ Minh Tân có cả con gái, con trai ông. Trước khi đồng ý “nhận rể”, ông cũng yêu cầu người yêu của con gái (khi đó đang là thành viên một nhóm nhảy) phải học nghề xiếc kungfu.

Cát-sê cao nhất của một diễn viên xiếc kungfu hiện chỉ ở mức một triệu đồng (nếu biểu diễn ở các đám tiệc, thù lao sẽ tùy “túi tiền” gia chủ). Đương nhiên không nhiều người đạt được mức này. Mức thù lao phổ biến dao động từ 500 - 700 ngàn đồng. Cá biệt có những show diễn chỉ từ 350 - 400 ngàn đồng cho một nhóm diễn viên ba người. Dù vậy, với nhiều diễn viên, được bầu show kêu đi diễn, được trả cát-sê đã là may mắn.

Xot xa doi xiec kungfu
Một màn tập luyện của diễn viên xiếc kungfu

Hiện có một lực lượng lớn diễn viên xiếc kungfu chỉ diễn ở các quán nhậu, nhà hàng, quán bar… và hưởng tiền thưởng của khán giả. Chưa kể, ở một số nơi, để được vào biểu diễn, diễn viên phải chấp nhận “ăn chia” tiền thưởng của mình với tỷ lệ có lúc lên đến 50-50.

"Bán mạng" mưu sinh

Dù cát-sê thấp, do cạnh tranh, yêu cầu của các bầu show vẫn liên tục “tăng đô”. Để được bầu show tiếp tục để mắt, các diễn viên xiếc kungfu phải liên tục đưa ra những tiết mục nguy hiểm với độ rùng rợn cao hơn. Xót xa là, nếu chẳng may gặp tai nạn trong lúc tập luyện hay biểu diễn, diễn viên xiếc kungfu phải âm thầm chịu đựng và tự chữa trị. Nếu để bầu show biết, rất có khả năng họ sẽ không được mời diễn để tránh liên lụy.

Chưa bao giờ xiếc kungfu lại cạnh tranh gay gắt như bây giờ. Các tụ điểm biểu diễn nghệ thuật đang “teo tóp”, nhưng số diễn viên xiếc kungfu biểu diễn đơn lẻ hoặc theo nhóm lại đang gia tăng. Tập luyện cực khổ, thường trực đối mặt với nguy hiểm, nhưng thù lao của các diễn viên lại rẻ mạt đến không tưởng.

Những vết thương khắp cơ thể do đóng đinh, móc các móc sắt để khiêng, kéo vật nặng… rồi cũng sẽ lành. Nhưng trước đó chúng luôn gây đau đớn. Việc vận nội công cùng những tiếng vỗ tay, reo hò của khán giả chỉ giúp diễn viên không cảm thấy đau đớn khi đang biểu diễn. Khi tiết mục kết thúc, khán giả ra về, diễn viên còn lại với nỗi đau của da thịt và cám cảnh cho cái nghiệp đeo mang. Rồi vì mưu sinh, họ phải nén đau để tiếp tục ra sân khấu.

Xot xa doi xiec kungfu
Dùng cổ bẻ cong thanh sắt

“Bị thương ngoài da không bao giờ chết. Chỉ sợ những vết thương bên trong” - nghệ sĩ Minh Tân nói. Tai nạn xảy ra nhiều nhất với diễn viên xiếc kungfu là vết thương ở vùng cổ, họng do đâm kiếm vì đây là tiết mục phổ biến nhất. Dù có luyện tập bài bản, đúng kỹ thuật thì tai nạn vẫn có thể xảy ra do bất cẩn hoặc khi diễn viên có vấn đề về sức khỏe trong lúc biểu diễn.

Có những tai nạn trở thành nỗi ám ảnh của các diễn viên xiếc kungfu. Diễn viên H. chết khi đang tập ăn bóng đèn. Diễn viên B.C. bị thủng thanh quản, phải may 22 mũi và sau đó hôn mê suốt một tuần sau tiết mục nuốt kiếm đế chậu. Tai nạn của diễn viên T.M. xảy ra ở khu du lịch Cồn Phụng. Do mũi khoan lắp bị lệch, khi T.M. dùng khoan điện khoan vào mũi, máu anh tuôn đỏ cả áo nhưng không thể ngưng diễn vì đây là tiết mục mở màn. T.M. phải dùng giấy tự cầm máu, tiếp tục diễn cho hết các tiết mục của mình rồi lặng lẽ đi trị thương mà không dám mở lời với bầu show.

Với những người lệ thuộc vào bầu show, ngay cả việc kể lại tai nạn đã xảy ra từ rất lâu, họ cũng không dám.

Thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống nên nỗi sợ lớn nhất của các diễn viên xiếc kungfu là vào bệnh viện. Đa phần họ tự tìm cách trị thương, uống thuốc giảm đau, kháng sinh để tránh viêm nhiễm. Chỉ khi không thể gượng nổi, họ mới phải vào bệnh viện.

Xot xa doi xiec kungfu
Xiếc kungfu là nghề lấy cơ thể chịu đòn

Chưa bao giờ nhận mình có khả năng đặc biệt với sức chịu đựng đáng kinh ngạc, các diễn viên xiếc kungfu thường nửa đùa nửa thật gọi công việc của mình là nghề “bán mạng” kiếm tiền. Để có tiền lợp lại mái nhà dột và đi lại đường dây điện đã cũ mục cho vợ con, diễn viên Huỳnh Long phải ky cóp suốt mấy năm và chỉ thực hiện được ước mơ khi được tặng một số tiền trong chương trình Người bí ẩn. Khi anh ngã bệnh, người thân phải kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn bè và các Mạnh Thường Quân.

Những trường hợp như Huỳnh Long không hiếm trong làng xiếc kungfu. Ngay như nghệ sĩ Minh Tân - người đã có 40 năm theo nghề và là “sư phụ” của trên dưới 100 diễn viên xiếc kungfu cả nước, “khối gia sản” của ông bây giờ chỉ là ngôi nhà trên mảnh đất chừng 60m2, nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, xen kẽ giữa đất ruộng và nhà dân ở huyện Cần Giuộc - Long An.

Không dám mơ sân khấu đẹp, có đủ phương tiện kỹ thuật hỗ trợ; các diễn viên xiếc kungfu chỉ ước mình đừng bị thất nghiệp trong những tháng mùa mưa, ước không bị bầu show ép giá, ước người lớn đừng vội đẩy trẻ con vào cuộc mưu sinh bằng những màn xiếc kungfu… Những ước mơ đơn giản nhưng sao nghe cứ nao lòng. 

Xot xa doi xiec kungfu
 
Câu chuyện của Q. (quê Bình Thuận) là bài học được những người theo nghề xiếc lâu năm dùng để “răn” các diễn viên trẻ. Bị thương trong một lần biểu diễn đâm kiếm, Q. được đưa đi cấp cứu. Ngay sau khi được cấp cứu, Q. vội vàng về quê vì sợ gánh nặng viện phí nếu phải điều trị ở TP.HCM. Chỉ khi vết thương trở nặng, Q. mới quay trở lại thành phố. Sau ba lần phẫu thuật, Q. đành bỏ nghề xiếc, đi hát rong, bán kẹo kéo ở Vũng Tàu. Nhiều đồng nghiệp cho rằng Q. vẫn còn may vì chưa mất khả năng nói.


Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI