Xót xa cho cô gái tuổi đôi mươi mắc căn bệnh hiểm nghèo

05/09/2023 - 06:27

PNO - 19 tuổi, ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời nhưng Võ Thị Ngọc Thảo (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) bị mắc căn bệnh không thể chữa khỏi.

Mong lớn nhanh để đi làm phụ mẹ nuôi em

Chị Võ Hoàng Lệ Phi - mẹ Thảo - kể, từ nhỏ Thảo đã ước mình nhanh lớn để đi làm phụ mẹ lo cho gia đình. 

Học xong cấp III, Thảo chọn học trung cấp nghề với mong muốn sớm có việc làm. Được 1 cơ sở sản xuất bánh ngọt nhận vào làm với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng, Thảo cảm thấy vui vì mẹ sẽ bớt vất vả, bà ngoại có tiền mua thuốc, 2 đứa em được đi học lại.

Bác sĩ Hoàng Quốc Nam đang kiểm tra bệnh của Thảo
Bác sĩ Hoàng Quốc Nam đang kiểm tra bệnh của Thảo

Thế nhưng, niềm vui chỉ mới ghé qua thì nỗi buồn đã tới. Thảo bị nóng sốt, phát ban, mỏi mệt. Sau 2 ngày, Thảo không còn nhận thức được, không biết mình là ai. Vội vã đưa con vào bệnh viện, chị Phi nghe bác sĩ nói con bị lao màng não, viêm não, bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Gom hết số tiền dành dụm, chị Phi xin nghỉ làm để theo chăm sóc con. Sau 5 ngày điều trị, Thảo dần tỉnh lại. Em được xuất viện về nhà, nhưng sau đó lại tiếp tục sốt cao, nổi ban, nổi mụn nước khắp người, nên phải quay vào bệnh viện.

Chị Phi cho biết, Thảo hết bị lao màng não thì lại đến viêm não, suy gan, phổi... Đi nhiều bệnh viện nhưng bệnh không hết, cơn sốt vẫn lặp đi lặp lại. Cho đến khi vào Bệnh viện Thống Nhất, nằm hơn 1 tháng, qua nhiều khoa và làm đủ các xét nghiệm thì bác sĩ phát hiện cháu bị bệnh lupus ban đỏ. Nghe mẹ kể, Thảo bật khóc: “Mẹ quá cực khổ. Bà ngoại bị sỏi thận, nhiễm trùng máu vừa đỡ đã phải xin về để em có tiền vào bệnh viện. 2 đứa em cũng phải nghỉ học rồi. Em muốn hết bệnh để đi làm trở lại”. Căn phòng trở nên im lặng, chỉ còn tiếng nấc của cô gái trẻ.

Nhìn con, chị Phi vội vã lau nước mắt. “Bác sĩ nói đã biết bệnh của con rồi, nếu con cố gắng con sẽ mau khỏe thôi. Ai cũng thương con nên con phải mạnh mẽ lên” - chị động viên con gái.

Không điều trị, khả năng tử vong cao 

Đón nhận phần cơm từ cô điều dưỡng, chị Phi kiên nhẫn dỗ dành con ăn. Chị nói, những ngày qua, nhờ có sự quan tâm của các điều dưỡng, bác sĩ mà chị nhẹ bớt các khoản chi phí. Thế nhưng, chị chưa dám hy vọng, bởi từ khi Thảo bệnh, tiền dành dụm không còn, tiền vay mượn đã hơn 25 triệu đồng và khả năng sẽ tăng thêm. “Nhiều năm nay, từ khi tôi và chồng chia tay, ai kêu gì tôi làm nấy để có thu nhập. Mấy năm trước, bà ngoại các cháu thường xuyên phải nằm viện, tôi xin may gia công để linh động thời gian chăm bà. Tiền thuốc cho ngoại, tiền học, tiền trang trải của cả gia đình đều trông chờ vào 7-8 triệu đồng tiền lương may gia công của tôi.

Nhưng hơn tháng nay tôi phải bỏ việc để theo Thảo nên cả nhà không có thu nhập. Mấy đứa nhỏ ở nhà với bà ngoại, ai cho gì ăn nấy. Thấy vậy, Thảo nóng lòng, cứ đòi về nhà để giảm chi phí. Nhưng tôi sợ lắm, những lần trước, con đỡ bệnh là xin về, rồi cháu lại đau nặng hơn. Lần này, cháu may mắn thoát khỏi cửa tử nên dù thế nào tôi cũng không để con nguy hiểm lần nữa” - chị Phi xúc động.

Trên giường bệnh tuy lúc nhớ lúc quên, nhưng Thảo vẫn luôn mong về nhà, đi làm phụ mẹ
Trên giường bệnh tuy lúc nhớ lúc quên, nhưng Thảo vẫn luôn mong về nhà, đi làm phụ mẹ

Bác sĩ Hoàng Quốc Nam - phụ trách Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, lupus ban đỏ là bệnh tự miễn, có nghĩa là cơ thể tự sản xuất ra kháng thể chống lại chính mình. Bệnh chưa rõ nguyên nhân, không thể điều trị triệt để. Mỗi khi bùng phát, bệnh có triệu chứng đa dạng, ở nhiều cơ quan. Vì vậy, khi bệnh nhân khởi phát bệnh, thường phải khám ở nhiều chuyên khoa mới có thể tìm ra bệnh.

“Trường hợp của cháu Thảo gặp nhiều tổn thương về da, khớp, thận, nhiễm trùng máu, không có triệu chứng đặc thù nhưng bệnh tiến triển nhanh nên bác sĩ buộc phải điều trị triệu chứng, kiểm soát sức khỏe của người bệnh trước, nếu không, khả năng tử vong rất cao. Chính vì vậy, sau hơn 1 tháng, trải qua quá trình điều trị nhiều chuyên khoa mới chẩn đoán chính xác được bệnh. Trong các tổn thương do lupus ban đỏ gây ra, tổn thương não gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nhất. Thảo bị rối loạn chức năng nhận thức, loạn thần, còn gọi là “sương mù lupus”. Đây là biến chứng khá hiếm gặp, hiện tại khoa học vẫn chưa giải thích chính xác” - bác sĩ Nam giải thích.

Đến nay, mặc dù tình trạng bệnh đang có chuyển biến tốt, dần kiểm soát được lupus ban đỏ, Thảo có thể lấy lại nhận thức, ăn uống, tiếp xúc tốt, nhưng em phải dùng thuốc cả đời để ngăn ngừa bệnh tái phát. Quan trọng nhất là bệnh nhân phải theo dõi thường xuyên, khám định kỳ và sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

“Thể trạng của Thảo vốn đã yếu, khi xuất viện em phải dùng thuốc lâu dài. Mỗi tháng tiền thuốc điều trị khoảng vài triệu đồng. Đây sẽ là gánh nặng đối với gia đình. Lo lắng, căng thẳng cũng có thể làm bệnh nặng hơn, càng rơi vào khó khăn” - bác sĩ Nam nói. 

Báo Phụ nữ TPHCM rất mong nhận được sự giúp đỡ của quý độc giả giúp em Võ Thị Ngọc Thảo có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, bước tiếp chặng đường phía trước. Mọi đóng góp giúp em Thảo chữa bệnh, xin gửi trực tiếp đến Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3; qua đường bưu điện hoặc tài khoản từ thiện: Báo Phụ nữ TPHCM, số 18010000676768, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Kỳ Hòa. Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay gia đình em Thảo.

Quý độc giả cũng có thể liên hệ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Thống Nhất TPHCM để hỗ trợ Thảo.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI