Xót xa bé trai bị cắt bỏ gần hết 10 ngón tay

16/03/2017 - 10:03

PNO - Ba mẹ ly dị khi bé mới vài tháng tuổi, lúc còn chưa biết gọi tên cha. Không 'bàn tay' nào chăm sóc con hơn 'bàn tay' của cha mẹ. Để rồi... những trò nghịch của tuổi thơ, khiến bé mất gần 10 ngón tay..

Khoảng 9h sáng ngày 7/3/2017, trong lúc bà ngoại đi khám bệnh, bé T.T.P (5 tuổi, quê Kiên Giang) ở nhà chơi với ông ngoại. Khi ông có việc đi ra phía ngoài, bé P. lén dùng sợi dây chì để nghịch ổ điện. Ngay lập tức, bé bị điện giật dính chặt về phía ổ cắm.

Ông ngoại bé ở phía ngoài gọi hoài không thấy bé trả lời nên vào nhà tìm thì bé đã ngất xỉu. Ông chạy đến đỡ cháu mình thì cũng bị điện giật. May mắn, ông bị giật văng ra ngoài nên có thể ngắt được cầu dao điện và ôm cháu mình chạy ra ngoài tri hô.

Hàng xóm cùng ông đưa bé P. đến một bệnh viện ở tỉnh Kiên Giang cấp cứu. Nhận thấy tình trạng của bé quá nặng, bệnh viện chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM để bé tiếp tục chữa trị.

Xot xa be trai bi cat bo gan het 10 ngon tay

Theo TS.BS Diệp Quế Trinh, bác sĩ Khoa Phỏng – Tạo hình của Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé P. nhập viện trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt phải, 2 tay. Bé bị phỏng cấp độ 3, 4, vết thương khuyết sâu, đốt cháy đến gân và xương, vết thương có dấu hiệu bị nhiễm trùng, sốc nặng.

Các bác sĩ tại đây phải truyền nước, kháng sinh, lọc da hoại tử và xử lý nhiễm trùng ngay cho bé.TS.BS Diệp Quế Trinh kiểm tra vết thương cho bé P. trước khi làm phẫu thuật loại ngón tay hoại tử

Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe của bé P. đã ổn định. Tuy nhiên, 2 bàn tay của bé phải làm phẫu thuật cắt bỏ ngón vì 10 ngón tay đã hoại tử gần hết. 

Bác sĩ Trinh cho biết: “Bé bị phỏng nặng nhưng may mắn là tim, thận đã ổn định. Vì điện gây cháy hết gân, cơ nên 2 bàn tay của bé không còn vận động được. Bên phần mặt phải bị phỏng nặng, gây di chứng biến dạng gương mặt sau này. Điều chúng tôi lo ngại là phần phỏng điện gần mắt, nên có thể mắt cháu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sau khi bé lành bệnh, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra mắt và giúp bé tập vật ký trị liệu để tránh co rút, biến dạng vùng phỏng”.

Bác sĩ Trinh cho biết thêm, thời gian tới bé P. phải nằm viện điều trị hơn 1 tháng, trải qua ít nhất 3 cuộc phẫu thuật để cắt lọc các vùng mô hoại tử, phẫu thuật loại bỏ phần ngón tay, ghép da… Sau đó, bé phải mất thêm nhiều thời gian để phục hồi vận động, điều trị tâm lý và ghép da thẩm mỹ…

Theo bà Lê Thị Mừng (56 tuổi, bà ngoại của bé P.), khi bé được vài tháng tuổi thì ba mẹ bé ly dị. Từ đó, bé ở với ông bà ngoại. Ông ngoại bé lại mắc bệnh tim nên phải sử dụng thuốc điều trị hàng tháng, chỉ ở nhà phụ giữ cháu.

Bà Mừng bị đau thần kinh tọa lâu năm, không làm việc nặng được. Bà và mẹ của P. không có việc làm ổn định, ai thuê gì thì cả hai thay phiên nhau đi làm.Hôm nay (16/3/2017), bé P. phải làm phẫu thuật loại ngón tay, tay phải chỉ giữ lại được ngón trỏ, bàn tay trái phải loại ngón út và áp út

Mới đây, mẹ của bé P. gửi bé cho ông bà ngoại để đi làm công nhân cho một xưởng gỗ ở Bình Dương, với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Về phần bà Mừng, bà ở lại quê ai kêu đi làm gì bà cũng làm, thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày.

Khi bé P. gặp tai nạn, trong nhà không có tiền dự trữ, hàng xóm thương tình gom góp cho bà cháu được hơn 1 triệu đồng đi TP.HCM chữa trị. Bà Mừng chạy đi vay thêm được 5 triệu để chuyển viện cho cháu. Tuy bé P. có bảo hiểm y tế nhưng bé phải nằm viện lâu dài. Số tiền bà con ruột thịt, hàng xóm gom góp chia sẻ gần như cạn kiệt.

Bà Mừng rưng rưng: "Bây giờ, tôi cố gắng xin cơm từ thiện, tiết kiệm tiền mà vẫn luôn thiếu hụt. Các bác sĩ tại khoa thương tình cũng cho tôi một ít để tạm trang trải nhưng vẫn không đủ. Cháu ngoại thì nằm trong phòng bệnh, ông ngoại nó thì ở nhà không ai lo. Tôi gần như đã bế tắc rồi".

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI