Xôn xao con đò chợ Đệm

19/05/2021 - 23:16

PNO - Từ khi không còn bến đò dọc, các thương thuyền khác cũng thưa dần rồi biến mất. Nơi năm nào trên bến dưới ghe tấp nập, nay chỉ còn là ngã ba sông yên tĩnh.

Hồi ấy, làng xóm trải dọc hai bên bờ kênh Xáng, cứ chừng 20 mét có một ngôi nhà, đều tăm tắp. Hầu như gia đình nào cũng đào một con mương ngắn dẫn nước từ kênh vào sát nhà để có chỗ neo đậu xuồng ghe. Cầu khỉ theo đó mọc lên dày đặc.

Khắp vùng chỉ có giao thông đường thủy. Mọi người muốn đi chợ hoặc vào nội thành Sài Gòn thì xuống đò xuôi dòng ra chợ Đệm, đón thêm chuyến xe lên Chợ Lớn. Cách hai tiếng đồng hồ có một chuyến đò dọc đi và về.

Để tiết kiệm tiền, tôi thường đi bộ đến trường. Những ngày mưa, đường đê trơn trượt, má dặn con gái nên đi đò cho an toàn. Học sinh đi một đoạn ngắn hơn nửa tuyến và là trẻ em nên giá vé chỉ bằng một phần ba vé người lớn. Vì vậy chủ đò không muốn ghé đón. Tụi học trò phải men theo con đê, xem có ai chờ đò thì đi kèm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dừa nước xanh mướt hai bên bờ kênh, che hết tầm nhìn. Sợ người lái đò lướt nhanh không kịp thấy, hành khách thường quăng một cục đất ra giữa dòng để báo hiệu và bắc loa tay gọi lớn.

Suốt những năm tháng tuổi thơ, tiếng máy dầu của tàu đò là âm thanh quen thuộc trong tôi. Nghe tiếng máy tàu hãm dần trước nhà, tôi biết má đi chợ về, bà nội đến chơi hoặc có khách viếng thăm.

Những ngày học buổi sáng, tôi phải dậy sớm để đón chuyến đò sớm nhất vốn rời bến từ khi mặt trời chưa lên. Con đò gỗ màu xanh da trời có mắt mũi đỏ son ướt át lướt trên sông trắng còn bồng bềnh sương trong khi mặt trời đỏ rực đang nhô lên xa xa.

Phụ nữ và trẻ em ngồi ngay ngắn ở hai dãy băng ghế gỗ trong lòng đò. Cánh đàn ông thường leo tuốt lên nóc hoặc ngồi sau mui để hóng gió và tiện hút thuốc mà không phiền người khác. Trên mũi đò là gà vịt, rau củ, trái cây và hằng hà sa số những món hàng bà con đem ra chợ bán. 

Vì thường xuyên đi đò nên tôi quen hầu hết mọi người trong vùng. Đây cũng là trạm “thông tin quần chúng”, nơi bà con loan truyền chuyện đầu trên xóm dưới. Nhà ai sắp cưới hỏi, ma chay, bệnh tật, mất trộm… đều được bàn luận rôm rả.

Cũng từ những chuyến đò thân quen mà nhiều trai gái nên đôi. Tàu đò được trang trí các dây hoa giấy đỏ, khách khứa hai họ chật khoang, dù cầu vồng lúp xúp trên nóc. Cô dâu chú rể đứng bên nhau hạnh phúc ở mũi trong khi con đò rẽ nước lao đi. Lũ nhóc chúng tôi hào hứng reo hò và chạy đuổi theo trên bờ, chẳng ai dạy mà đứa nào cũng thuộc lòng và hát rống lên: “Cô dâu chú rể, làm bể bình bông, đổ thừa con nít…”.

Thôn xóm ngày một đông dân cư. Lớp trẻ chúng tôi lớn lên không còn nhiều người sống với nông nghiệp. Nhu cầu di chuyển nhanh để kịp giờ làm ở các công ty khiến những chuyến đò dọc trở thành lạc hậu. Mọi người đồng lòng lấp các con mương nhỏ, xây cầu nối các kênh lớn. Có con đường thông thoáng, xe đạp, xe máy bắt đầu nhộn nhịp.

Bị ế ẩm, các chuyến đò thưa dần. Khi xe hơi có thể chạy được qua xóm cũng là lúc các con đò hoàn thành sứ mệnh.
Thỉnh thoảng, ở các dịp tụ họp, mọi người vẫn nhắc nhớ chuyện xưa, trong đó có hình bóng những chiếc tàu đò mấy chục năm qua lại trên dòng kênh trước nhà. Đó là quãng thời gian dài sống chậm và sống rất khó khăn.

Bây giờ, mọi thứ nhanh chóng tiện lợi hơn nhưng dường như tình làng nghĩa xóm đã phai dần hoặc biến đổi theo một xu hướng khác.

Tôi không nghĩ nhiều đến điều đó, cứ để sự phát triển thuận theo tự nhiên. Chỉ là hôm nay xem bộ phim truyền hình về miền sông nước khiến tôi nhớ hình bóng con đò thân thương. Thanh âm máy tàu và tiếng sóng rẽ nước của nó hiện lên trong tim như một bản nhạc đầy cảm xúc.

Thỉnh thoảng lái xe ngang bến tàu năm xưa ở chợ Đệm, tôi dừng lại ngắm nghía. Từ khi không còn bến đò dọc, các thương thuyền khác cũng thưa dần rồi biến mất. Nơi năm nào trên bến dưới ghe tấp nập, nay chỉ còn là ngã ba sông yên tĩnh. Ngày cũ đã xa. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI