Nhiều phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Đồng Tháp (xã Đồng Tháp, H.Đan Phượng, Hà Nội) bất ngờ nhận được tin nhắn của ban đại diện cha mẹ học sinh với nội dung như sau:
“Thay mặt ban phụ huynh tôi xin thông báo cuộc họp chiều qua như sau: Nhà trường xã hội hóa làm đường vườn hoa từ dãy nhà cũ để xe của các cô giáo, từ nhà thể chất đến đầu lớp 1a.
Mục đích là cho các con vui chơi và đi lại đỡ nắng nóng tạo môi trường sạch đẹp làm bằng khung sắt dài 120m tổng chi phí hết khoảng 144 triệu đồng, còn phần trang trí hoa nhà trường sẽ ủng hộ. Vậy chia đều các lớp mỗi con ủng hộ 170 nghìn đồng. Cô giáo chủ nhiệm cũng trao đổi và mong nhận được sự ủng hộ của phụ huynh.
Số tiền đóng góp làm vòm hoa trên nếu phụ huynh đồng ý sẽ trích từ tiền tiếng Anh học người nước ngoài của những tháng dịch bệnh COVID-19 không học còn thừa”.
|
Tin nhắn của đại diện cha mẹ học sinh gửi cho các phụ huynh của một lớp 3 tại trường Tiểu học Đồng Tháp |
Ngay sau khi nhận được tin nhắn này từ ban đại diện cha mẹ học sinh, chị N.T.A có con đang học lớp 3 cho biết: “Con đường hoa chỉ phục vụ cho đoạn đường dài 120m đi từ lớp học ra cổng mà mất 144 triệu đồng là không cần thiết. Trong khi đó, việc tu sửa cơ sở vật chất của nhà trường hiện đã có kế hoạch ngân sách nhà nước. Việc đột ngột huy động tiền từ phụ huynh là không đúng. Nếu nhà trường không giải thích rõ tôi từ chối đóng khoản tiền này”.
Chị A. còn cho biết việc ban đại điện cha mẹ học sinh đứng lên thu tiền để xây dựng cơ sở vật chất hay xã hội hóa cũng sai so với Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Nhiều phụ huynh có con đang học lớp 2 cũng cho biết họ nhận được tin nhắn tương tự về việc mỗi học sinh đóng góp tối thiểu 170.000 đồng xây dựng con đường hoa dài120m trong trường học.
|
Trường Tiểu học Đồng Tháp |
Liên quan đến vấn đề này, cô Đậu Thị Thanh Hoan – Hiệu trưởng Tiểu học Đồng Tháp cho hay: “Về việc làm giàn hoa trong sân trường, nhà trường mong muốn phụ huynh làm tặng các con. Đó là mong muốn của nhà trường còn ban đại diện cha mẹ học sinh bàn luận, đóng góp tiền thế nào, có làm hay không thì không liên quan đến chúng tôi. Bởi lẽ, phụ huynh làm tặng hay không là quyền của họ.
Tôi nhắc lại là ở đây nhà trường mong muốn phụ huynh tặng các con chứ không phải xã hội hóa. Thực tế là mùa hè nắng, thương các con, nếu phụ huynh tặng mái lợp nhà trường cũng mua hoa mất chục triệu để trang trí thêm… không tặng cũng không sao”.
Hiệu trưởng thì khẳng định việc làm con đường hoa được sự đồng ý tự nguyện của các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, khi trao đổi với các bậc phụ huynh học sinh thì nhiều người cho rằng, nhiều khi họ không dám phản đối vì ngại con em mình còn đang theo học tại trường.
Câu chuyện vận động không phải là mới, mà năm học nào cũng tái diễn. Năm học 2020-2021, để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục tuân thủ đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Bộ cũng yêu cầu Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi.
Tuy nhiên, theo phụ huynh, chuyện này vẫn tái diễn với nhiều mức độ khác nhau. Hiện nay, các trường không đứng ra thu các khoản tiền như: Xây dựng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, khen thưởng thầy cô giáo, phí chăm sóc ngoài giờ... mà Ban đại diện cha mẹ học sinh thường thay mặt đứng ra vận động.
Dù theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, các khoản tiền nói trên Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không được phép thu. Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều khi trở thành “cánh tay nối dài” của nhà trường. Nếu khi phát hiện, thì chỉ cần xử lý theo cách trả lại tiền phụ huynh, không liên quan đến lãnh đạo nhà trường.
Liên quan đến các khoản cha mẹ học sinh được phép thu, ông Thái Văn Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, tại Điều 10, Thông tư 55 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD&ĐT nêu rõ:
"Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường".
Như vậy, các khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện ủng hộ, không được phép tính bình quân chia đầu người để thu tiền.
"Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyệt đối không được thu các khoản tiền không phục vụ cho hoạt động của hội phụ huynh. Nơi nào thu là nơi đó sai ", ông Thành nói.
Đại Minh