Xôn xao chợ tết

26/01/2025 - 11:00

PNO - Tôi vẫn hoài nhớ về cái chợ tết thời thơ ấu, theo tôi mãi trong ký ức với những sắc màu rực rỡ...

Người dân xứ lục tỉnh Nam kỳ rất quen thuộc với kiểu chợ quê xưa, gọi là chợ chồm hổm. Thời bây giờ, ở quê đã có sạp ngồi bán khang trang nhưng không ít người vẫn ngồi xổm dưới đất, trải miếng bạt nhỏ, hay kê cái ghế để bán hàng. Buôn bán ở chợ đông đúc, dù lạ dù quen nhưng giàu tình nghĩa như người trong xóm. Lúc nhỏ, tôi nôn được đi chợ tết, bởi thời điểm ấy, hàng hóa nhiều vô kể được trưng bày bắt mắt, nhiều sắc màu. Nếu như chợ hằng ngày đơn thuần thịt cá và những nhu yếu phẩm thì chợ tết bày bán thêm các loại trang trí nhà cửa, hoa cảnh, hàng hóa... thu hút người mua.

Chợ Tết đầy màu sắc rực rỡ. (ảnh Shutterstock)
Chợ tết đầy màu sắc rực rỡ - Ảnh: Shutterstock

Đứa trẻ vùng quê nghèo như tôi mê nhất chợ tết. Dù được đi cùng mẹ chẳng để mua sắm cho mình mà hầu mong được “mãn nhãn”: nhìn người ta buôn bán, nhìn cách người ta trưng bày bánh kẹo nhiều hoa văn vô cùng đẹp mắt. Đặc biệt nhất vẫn là niềm háo hức được mẹ sắm cho bộ đồ mới mặc rộng thùng thình, kiểu “con nít mau lớn lắm nên mua để trừ hao”, được “tậu” một đôi dép còn thơm mùi nhựa cứ mân mê trên tay, không dám để xuống sợ đi nhiều sẽ hư. Thậm chí nôn đợi sáng mùng Một tết mặc quần áo mới mà bồi hồi “có ai đã thấy đồ mới chưa?” cùng đôi dép tựa như hàng xịn xò rồi cứ ngắm nghía xuống chân xao xuyến khi ai đó khen dép đẹp.

Chợ tết quê là những câu chào hỏi xã giao vội vàng. Nếu như ngày thường, mẹ tôi gặp hàng xóm hay bà con thân quen đi chợ sẽ đứng lại nói dăm ba câu chuyện. Có khi cha tôi đùa: “Mua hết cái chợ sao về trễ vậy?” thì mẹ xuề xòa: “Gặp thím Tư nói chuyện chút đó mà”. Nhưng đến ngày tết, đúng từ người ta hay dùng “gấp tết”, cứ chào hỏi cho xong “Thím chợ hả?”, “Mua sắm được gì chưa?”, “Dưa hấu nay bao nhiêu 1kg?”. Hay “Con đã mua đủ thịt chưa?, Lá gói bánh tét đã đủ chưa qua nhà tui cho mớ, Năm nay, chùm ruột trái sai và lớn vầy làm mứt đã hen”… Tiếng gọi nhau í ới từ chỗ này sang chỗ kia nhưng rồi quài quả đi mà không bận tâm đến chuyện đã hỏi và người nghe có trả lời hay không.

Chợ tết cứ thế ồn ào từ hàng thịt cho đến rau củ quả. Những ụ dưa chất cao ngất, những ụ bắp cải tươi xanh kèm theo những trái khổ qua đắt như tôm tươi. Bởi ngày tết của người miền Nam thế nào cũng có món canh khổ qua dồn thịt để cầu mong cho khổ nghèo năm cũ qua đi, mong một năm mới bình an.

Những đứa con nít như tôi, có đứa lẽo đẽo xách giỏ theo mẹ, chen giữa dòng người tấp nập để phụ khiêng mớ đồ mua được. Có đứa đứng ở đầu chợ giữ xe đạp mà tha hồ ngắm nghía người ta mua sắm, ngắm bộ đồ chơi người ta trưng bày mà thèm thuồng. Có đứa nhà có điều kiện một chút đã được mặc những bộ đồ mới đi chợ, gọi là đi chơi chợ tết. Có đứa lụi cụi phụ cha mẹ bán mớ bông vạn thọ, cành mai nhà trồng được để kiếm thêm ít tiền. Người đen nhẻm, tóc vàng hoe giữa cái nắng chói của mặt trời mùa xuân.

Phiên chợ Tết bày bán các loại nông sản từ vườn nhà (ảnh: Shutterstock)
Phiên chợ tết bày bán các loại nông sản từ vườn nhà - Ảnh: Shutterstock

Chợ tết náo nhiệt, nhưng tôi yêu những thanh âm ấy, gợi một cảm giác cuộc sống phát triển và ngày càng đi lên. Tôi yêu những tiếng trả giá mà khi lên Sài Gòn ít được nghe vì ai cũng vào siêu thị sang trọng, mua cho tiện, giá niêm yết sẵn. Tôi yêu mớ rau xanh mướt, có khi cũng cằn cỗi, xấu xí nhưng ngon sạch hệt như tấm lòng đôn hậu của người bán. Đôi khi người bán giằng co giá cả vài ba ngàn đồng nhưng sau đó sẽ cân dư vài trăm gram hay cho thêm mớ rau nêm, trái ớt, cọng hành là điều thường thấy ở chợ quê.

Ngày tết, dù chợ có đắt đỏ, giá cả leo thang theo phí vận chuyển nhưng cái tình vẫn đong đầy ở mỗi gian hàng. Bởi phần đông họ từ trong vườn ra, bán những thứ mình trồng được và theo kiểu chia sẻ cho nhau, tặng nhau những món quà nhỏ, trao tình cho tết sum vầy.

Vũ Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI