|
Ảnh minh họa |
Thấy hoa mùi già là thấy Tết
Người Hà Nội những năm gần đây có thú chưng hoa đào trên bàn thờ từ rằm tháng Chạp. Có sắc thắm của đào, có bưởi thơm vàng óng là đã có không khí tết rồi.
Tết bắt đầu nổi vị từ sau rằm tháng Chạp. Tôi ngửi thấy mùi của sự vội vã trên những con đường, trong các công sở, trên từng mặt người. Và cả trong lòng mình. "Yêu tháng Chạp không biết bao nhiêu nhưng yêu nhất là những ngày giáp tết, thời tiết sao mà đĩ thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế".
Vũ Bằng tuyệt siêu khi miêu tả cái xốn xang của đất trời ùa sang lòng người trong những ngày sau cuối của năm. Cũng khó có ai tinh hơn ông trong cảm nhận cái mưa xuân bay nhè nhẹ như hôn vào môi vào má người ta, thay thế cho cái mưa phùn đem buốt lạnh thấm vào da thịt.
Tết đã về gần sát lắm rồi đây…
Chợ hoa tết được thông báo mở từ sau hôm rằm, mà hàng chục điểm chứ không chỉ duy nhất trên mạn 36 phố phường như người ta quen gọi là chợ hoa Hàng Lược như ngày xưa nữa. Dân sống lâu đời ở Hà Nội hoặc có chút gốc gác phố Hàng, dù bây giờ không còn tiện đường vẫn muốn dạo chợ hoa siêu cổ này.
Không hẳn để sắm đào, sắm quất hay ngắm những hoa những quả trăm hồng ngàn tía mà là để hít hà cái mùi tết cũ trong ký ức, khi còn là những cậu bé, cô bé theo cha mẹ len lỏi bước chân ngắn cũn quanh những xe hoa đào rực rỡ, những vạt quất xanh um óng ánh vàng, những vệt thủy tiên trắng tinh một góc chợ hay những đồng tiền, thược dược, violet… lô nhô, chen chúc.
|
Ảnh minh họa |
Người hàng phố tinh sành, hoa không đẹp đừng có dại chen chân vào đây, sẽ chịu số phận hẩm hiu cả ngày không “ma” nào hỏi đến dù giá có mềm hơn đôi chút. Cũng như luật bất thành văn là hễ một món đồ ẩm thực nào mà tồn tại dài lâu ở 36 phố phường thì khách phương xa cứ mạnh dạn mà thưởng thức. Vì chắc chắn toàn là đồ ngon của ngọt của người Hà thành.
Tuy nhiên, đã xen những nốt nhạc lạ trong bản hòa âm rạo rực hoa lá mùa xuân, bởi bây giờ chợ hoa này đã thêm kha khá hàng bày bán hoa giả và thú bông, lại có cả đồ chơi Trung Quốc. Phong vị xưa cũ bay đi ít nhiều và đó là nỗi nuối tiếc của những người từng biết về một chợ hoa nguyên bản của người Hà Nội.
Tôi cũng nằm trong số những người luôn thích lượn chợ hoa Hàng Lược ít nhất một lần trong tuần áp Tết. Bởi tuổi thơ tôi thuộc về 36 phố phường. Đến hàng chục năm sau, tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngồi trên cửa sổ tầng 2 phố Hàng Rươi là nhà ông bà ngoại nhìn xuống chợ hoa Hàng Lược, thấy cảnh lao xao mua bán mà lòng cô bé con lên 7 vẫn cảm nhận được sự rạo rực của mùa xuân mới.
Nhưng những năm gần đây tôi có thêm thói quen lượn qua chợ quê gần nhà, nơi những người nông dân mang đồ từ quê ra, bày bán một cách đơn sơ. Và năm nào cũng vậy, tôi luôn mua rất nhiều bó mùi già đầu tiên xuất hiện trong chợ, thường là sau ngày ông Công ông Táo. Trong gian bếp của tôi kể từ hôm đó luôn có một nồi nước lá mùi. Khi nước sôi sùng sục, bếp sẽ được tắt đi, vung mở ra và khắp nhà tràn ngập mùi thơm ấm áp thanh khiết này.
|
Ảnh minh họa |
Khi nước trong nồi đã nguội, hương đã nhạt thì lại đun sôi sùng sục lượt kế tiếp. Nếu có thêm vỏ bưởi khô thả vào đun cùng thì không gian chẳng khác nào một nơi chưng cất tinh dầu, cho cảm giác ngọt và dịu lòng kỳ lạ. Chắc là vì nó đem lại cảm giác quây quần, cũng là một thứ mùi của tết. Nồi lá mùi trứ danh tôi đã post lên Facebook, khá nhiều bạn thử theo và hài lòng.
Rồi tôi phát hiện hoa mùi già cắm lẫn cùng violet trong chum gốm to rất đẹp và rất tết. Những cành mùi xanh ngăn ngắt với chi chít nụ xanh nho nhỏ xen giữa những bông hoa mùi nhỏ xíu, bung nở tím màu pastel ăn nhập tuyệt vời với những cành hoa tím tím bé xinh xinh báo xuân nồng. Và hương hoa thanh khiết cứ vấn vương trong không gian thật thi vị. Con trai tôi năm đầu tiên du học đúng vào những ngày trước tết, đêm giao thừa đã viết những dòng nhớ thương: con nhớ nhà, nhớ mùi nước lá mùi của mẹ và cả chum cỏ - nó gọi chum violet mùi già của tôi như vậy.
Mùi của những món Tết thật Tết
Trong mâm cỗ tết truyền thống của người xứ Bắc không thể thiếu món canh măng khô, thường được hầm kỹ với xương heo, chân giò hay thậm chí gần đây có mốt nấu với ngan già. Hình như người miền Nam không có món này trong thực đơn? Măng khô giờ có thể mua để nấu ăn quanh năm nhưng ngày trước là món chỉ tết mới có. Bởi thế mà cái mùi ngai ngái của măng khô vừa luộc bỏ nước cũ xông khắp gian bếp cũng là một vị rất đặc trưng của tết.
Nhà có con gái lớn, thường được mẹ dặn rằng, mỗi lần vo gạo thì lấy nước đó ngâm măng, măng sẽ mềm và ngon. Ngâm độ vài ba ngày, măng đã hết cái độ cứng quèo khô quắt thì rửa kỹ rồi bắt đầu luộc sôi sùng sục trong nồi to, sôi kỹ một lúc thì bắc xuống, trút ra rá lại luộc tiếp luôn nước mới.
Một thời gian dài người Hà Nội không tự gói bánh chưng. Tết vì thế đỡ bận rộn nhưng cũng mất đi nhiều phần phong vị. Mùi bánh chưng mới luộc thơm bốc khói chính là nét duyên sắc độc đáo nhất của mùa tết. Trước đó, cả nhà mỗi người mỗi việc, kẻ đãi đỗ người rửa lá dong là đã thụ hưởng cái mùi của ấm no, của quây quần, đặc tết. Các bà, các chị vừa làm vừa kể chuyện ngày xưa. Nước máy mùa đông cũng ấm lắm, thế mà rửa xong mấy buộc lá dong, bàn tay đỏ ửng lên vì lạnh.
Lá dong rửa sạch, để ráo, gạo nếp trắng tinh, rổ đậu xanh đãi vỏ đầy vun, thịt ba chỉ cắt thành từng miếng to bằng bao diêm ướp với chút gia vị, hạt tiêu để xung quanh một chiếu hoa to, là nơi dành cho việc gói bánh. Nhiều nhà không gói bánh bằng khuôn mà gói tay. Nhìn cái bánh chưng cao thành, lạt buộc đâu ra đấy, gói rất chặt tay, bánh sẽ chắc. Đến cái lá ngoài cùng, thì lật trái ra, màu xanh của mặt lá này khiến cái bánh chưng trông xanh hẳn lên.
|
Ảnh minh họa |
Có trường phái không đồ cho đậu chín mà gói đậu sống. Bánh ấy thì phải luộc kỹ nhưng như thế nhân bánh sẽ đậm đà. Tầm sáu, bảy giờ tối, bắt đầu bắc bếp luộc bánh trong cái thùng tôn. Đầu tiên lót mớ lá dong xuống đáy thùng, rồi xếp bánh vào. Cứ thế nổi lửa luộc bánh. Ngồi trông nồi bánh chưng trong mười mấy tiếng đồng hồ, vắt từ tối qua đêm đến sáng, bảo sao không nảy sinh ra vô số câu chuyện diễm tình!
Tết Bắc không thể thiếu cái vị chua của dưa nén, hành nén được bày trên đĩa. Dưa cải nén phải chuẩn bị từ đầu tháng. Nén lẫn với hành củ. Giáp tết, con gái lớn trong nhà được phân công nhặt hành củ vớt ra từ cái vại to, cắt ngắn và nhặt bỏ bớt áo ngoài của nó, đến khi chúng trắng, hoặc hơi ngả màu xanh nhạt là được. Dưa nén và hành nén mà khéo chọn đá để lèn, sẽ không bị mùi kháng đá.
Nhà tôi, mẹ thường dùng một cái vại con, chứa đầy nước thay cho đá nén. Món dưa nén hành muối có thể mua dễ dàng ở các chợ hay siêu thị, nhưng người nội trợ đảm đang bao giờ cũng muốn tự tay làm, phần vì như thế mới yên tâm không có chất bảo quản. Phần lớn hơn, cái sự xốn xang chuẩn bị các món tết cũng là một niềm vui của những tâm hồn đàn bà mong manh.
Võ Hồng Thu