Xóm xe dây

04/05/2014 - 13:57

PNO - PNCN - Xã Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM có một xóm nghề nằm biệt lập trên dải đất trống đầy cỏ, tập trung hơn 50 hộ dân, cùng làm công việc xe dây thừng. Cũng sống giữa thành phố, nhưng con người và nếp sinh hoạt nơi đây dường...

edf40wrjww2tblPage:Content

1.

Chỉ có dăm dãy nhà lụp xụp, dựng tạm bợ bằng ván ép, tôn, lá; vừa đủ che nắng tránh mưa. Người trong xóm đều là dân ngụ cư, gốc gác từ các tỉnh Tây Nam bộ. Ở quê nghèo khó, họ dắt díu gia đình lên thành phố lập nghiệp. Nghề xe dây thừng họ đang làm vốn là nghề truyền thống của người miền Tây. “Chúng tôi chỉ việc làm ra thành phẩm; còn tất cả “nhà cửa” đến máy móc, nguồn hàng đều do chủ cung cấp” - chị Nguyễn Thị Diễm (quê Cần Thơ) cho biết. “Làng ít khi có người lạ đến” - bà Trần Thị Duyên (quê An Giang) nói, rồi cười xòa: “Ai đến đây chi! Công việc vậy, nên chúng tôi hiếm khi ra khỏi xóm. Không nói quá, rời làng là đi lạc”.

Hỏi chuyện “giao thương”, bà Duyên kể, mỗi sáng một “cửa hàng” di động sẽ đến ngay làng, chủ yếu bán các nhu yếu phẩm như gạo, mắm, thức ăn… Cách mua bán cũng lạ kỳ, dựa hết vào một cuốn sổ nhỏ. “Cửa hàng” một cuốn, người mua một cuốn. Vài lạng thịt, bó rau, con cá, hai bên cùng ghi vào sổ; đến tháng được chủ thanh toán lương, mới trả cho “cửa hàng” một lần. Cách giao dịch này khiến tôi nhớ đến nếp sinh hoạt ở quê. Vào mỗi vụ mùa, những người nông dân thường dùng một cuốn sổ ký nợ phân bón, thuốc trừ sâu, công thuê gặt, xong mùa mang sổ ra tính công, tính nợ một lần. Sống giữa thành phố nhưng người ở đây như chẳng bận tâm đến lối sống thực dụng, sòng phẳng, có thừa muôn kiểu lọc lừa. “Cửa hàng” bán sao thì mua vậy. Cứ vô tư với nhau bằng niềm tin. Người trong làng cũng vậy, nhà cửa không then cài chốt chặn...

Hơn 50 hộ dân, chung nhau một công việc. Cách ngày, người chủ sẽ đến gom dây thành phẩm với giá 3.000đ/kg. Mỗi người, trung bình kiếm được khoảng 90.000 đến 100.000đ/ngày. Việc thoạt nhìn không vất vả, nhưng lại hao sức, phải kéo thẳng những sợi cước dài tầm 200m, chạy hai vòng rồi dùng máy quay bện lại. Tính ra, mỗi người một ngày phải chạy ra vô hơn 10km! Bà Duyên than: “Mệt lả, ngày nào cũng vậy, quần quật từ 5g đến 19g mới mong đủ ăn. Ngơi tay là lo ngủ lấy sức mai làm tiếp, rảnh đâu ra phố!”.

Xóm xe day

Công đoạn kéo dây

2.

Cả gia đình vợ chồng, con cái chia nhau các công đoạn: người chạy, người kéo, người quay máy… Phụ nữ được chia việc nhẹ, chỉ ngồi trong mát quay, bện những dây đã được kéo căng. Ngày nắng làm không ngơi tay, nhưng ngày mưa thì buộc phải nghỉ, không làm được. Họ khẳng định, nghề sinh tính, việc xe dây thủ công rèn cho con người ta tính bình tĩnh, nhẫn nhịn và đặc biệt chịu khó. Cứ thử vội, thử nóng mà xem, sẽ mất cả ngày để tháo gỡ! Công việc còn đòi hỏi phải hiểu nhau. Làm chung đường dây, ở đầu này ra tín hiệu rối tơ, bên kia phải kịp thời dừng lại. “Vợ chồng nhờ vậy mà thương nhau hơn, không nặng lời to tiếng” - chị Diễm cười bẽn lẽn. “Tôi cũng tự thấy mình bớt nóng nảy, không còn “ăn miếng trả miếng” với vợ. Trước kia gây nhau, chúng tôi dễ buông lời nặng nề cho hả dạ, giờ thì không. Giống như phải gỡ mớ tơ rối, vội là không xong. Có gì bất đồng, không vừa lòng đều phải từ từ, bình tĩnh ngồi nói chuyện với nhau” - anh Công, chồng chị Diễm xen ngang.

Vợ chồng chị Diễm là hộ mới của xóm, đến ngụ cư chưa đầy năm tháng. Trước khi lên thành phố, anh chị đã từng kinh qua nhiều nghề: cắt lúa thuê, trồng dưa mướn, ai kêu gì làm nấy. Hai con của họ, một 16 tuổi đã nghỉ học để lao động, cô con gái còn lại mới sáu tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. “Chắc sẽ gửi học một trường gần đây” - chị Diễm nói. Thuê đất, lập xóm cho họ, chủ “bao” luôn việc đăng ký tạm trú nên chuyện học hành của con em trong làng, chủ cũng đứng ra bảo lãnh, xin học. Tuy nhiên, số trẻ được đi học vỏn vẹn chưa đến năm em. “Xóm không ổn định vì tùy thuộc vào chủ. Có thể người chủ “dời” khu của mình đi nơi khác hoặc giải tán bất ngờ, sau đó chủ khác đến. Bản thân chúng tôi cũng không xác định được sẽ ở đây lâu dài ổn định hay chỉ tạm thời. Đã nghèo túng, bỏ quê đi kiếm sống thì còn nghĩ gì đến chuyện học hành của các con” - ông Nguyễn Văn Cưng (quê An Giang) khẳng định.

Xóm xe day

Chị Diễm tra dây vào máy để chồng kéo căng

Ông Cưng vừa bỏ xóm xe dây, sau mười năm gắn bó. Ông và vợ cùng hai người con gái đã chuyển ra thuê trọ, xin làm công nhân cho một xưởng may. “Tính ra vẫn là làm thuê thôi, nhưng nghề xe dây rất lao lực, quanh năm đội nắng, ít người trụ được lâu” - ông Cưng nói. Bà Duyên đồng tình, cho biết, sau mấy năm hành nghề bà đã thấy xuống sức, bốn người con của bà cũng đã rủ nhau bỏ việc, về Bình Dương làm công nhân. Vợ chồng bà và người con trai út, mấy lần tính rời đi, nhưng chưa biết đi đâu ổn định hơn nên còn nán lại…

Kẻ đến, người đi, nhưng cái nghề xe dây thủ công ở đây đã tồn tại trên dưới 30 năm. Rời cái mảnh đất "lẻ loi" ấy, ngoái nhìn, tôi bắt gặp một hình ảnh đẹp mắt: những sợi dây đủ sắc màu được kéo căng, chạy dài mấy trăm mét, lấp lánh như một chuỗi tiếp nối, truyền giữ nghề thủ công này.

TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI