Xóm ve chai mưu sinh quên Tết ở Sài Gòn

07/02/2016 - 08:05

PNO - Tết đến, từng dòng người nườm nượp từ thành phố kéo về quê ăn Tết. Tuy vậy, vẫn có những người vì mưu sinh phải gắn bó với Sài Gòn ngày Tết.

Đối với những người nghèo, việc mưu sinh không có bất cứ giờ giấc nào cụ thể. Tết cũng vậy, việc gì làm thêm được thu nhập, thì dù muộn, hay sớm, dù ngày thường hay Tết, họ vẫn gắng gượng với mong muốn kiếm thêm được bát cơm, manh áo.

Tất tả mưu sinh

Tại đường phố Sài Gòn, không khó khăn để bắt gặp những người nghèo mưu sinh, lang thang trong đêm. Rất nhiều người trong số đó phải ngủ ở ngoài vỉa hè, họ là những người vô gia cư nghèo khổ.

Quê tận Châu Đốc (An Giang), nhưng vì cuộc sống đưa đẩy phải lặn lội mưu sinh nơi đất khách, ông Lê Văn Trọng (65 tuổi) mỗi ngày phải đi khắp nẻo phố Sài Gòn để nhặt ve chai kiếm sống. Với chiếc bao bố trên vai, ông bước đi lầm lũi trên đường.

 Xom ve chai muu sinh quen Tet o Sai Gon
Ông Trọng bên túi ve chai đơn sơ của mình.

Không người thân họ hàng ở quê, lâm vào cảnh “tứ cố vô thân”, đối với ông Trọng, ngày Tết cũng không có cơ hội sum vầy với gia đình. Và ngày Tết ở Sài Gòn thì phải làm việc cật lực hơn mới đủ cái ăn.

“Do hoàn cảnh, rồi gia đình ly tán, tôi lên Sài Gòn kiếm sống cũng hơn 20 năm nay. Hồi còn sức tôi làm đủ nghề, giờ về già, ban đầu đi bán vé số. Nhưng cái miệng không khéo mời khách, nên lúc nào cũng bị ế vé. Về sau tôi nhặt ve chai, đêm về đến dưới gầm cầu Chà Và (quận 8 – PV) để ngủ. Thỉnh thoảng đi đường người ta thương, người cho ổ bánh mì, cái bánh bao ăn lót dạ. Người cho ít tiền để ăn cơm. Cứ vậy mà sống qua ngày” – ông Trọng tâm sự.

 Xom ve chai muu sinh quen Tet o Sai Gon
Lầm lũi trong đêm để nhặt ve chai kiếm thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Ánh Bích (28 tuổi, H. Tuy An, Phú Yên) cho biết, năm nay, do mưu sinh, nên chị cũng không thể về quê đón Tết.

Theo chị Bích, nghề ve chai đã nuôi chị sống hơn 7 năm nay. Không những vậy, một thân chị còn phải lo cho cả 4 miệng ăn trong gia đình. Từ ngày người chồng của chị mắc bệnh liệt nửa người, cũng là ngày chị vào Sài Gòn mưu sinh.

Chị Bích nói: “Khi vào Sài Gòn tôi dự định đi bán vé số. Nhưng không có “miệng lưỡi” để mời khách nên đành tìm công việc khác. Hồi còn ở dưới quê hay làm ruộng có thể chịu cực, chịu nắng được. Và rồi, được một số bà con đồng hương giúp đỡ mua cho xe ba gác, thế là tôi “bén duyên” với gánh ve chai từ đó”.

Theo chia sẻ của chị Bích, nghề ve chai chỉ dành cho những ai chịu khó, bởi mỗi ngày phải đi bộ hàng chục cây số mới có “ăn”. Những ngày đầu hành nghề chị Bích đã bị mất tiếng vì rao quá nhiều. “Nhưng không rao to thì ai mà nghe mình buôn ve chai. Nhà ở Sài Gòn người ta xây kín lắm, ít nghe tiếng động ngoài đường”, chị Bích bày tỏ.

Dạo quanh các cung đường từ quận Gò Vấp sang quận 6, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp bóng dáng các chị đến từ xóm ve chai. Hễ cứ gặp thùng rác nào, các chị lại ghé vào, dùng móc lật tìm chai nước, ly nhựa, bọc nilon để bán kiếm thêm thu nhập.

“Mót” gần một tuần từ các thùng rác chỉ được 4-5 kilôgam chai nhựa, bọc nilon nếu buôn ra chưa đến 20 ngàn đồng. Thế nhưng các chị vẫn phải đi “mót” để có thêm một… bữa cơm.

12h trưa, sau một buổi rong ruổi, các chị lại tập hợp bên đường Trần Nhân Tôn, lấy tán cây làm nơi trốn nóng. Một chị đi thu mua ve chai trên đường Tân Kỳ Tân Quý đã được khách thương tình cho hơn 10 trái bắp luộc. Thế là, các chị vừa ăn vừa tâm sự, đây cũng là giây phút nghỉ ngơi thư giãn.

 Xom ve chai muu sinh quen Tet o Sai Gon
Buổi trưa đạm bạc của những người phụ nữ ở xóm ve chai.

Trong buổi trò chuyện, các chị cũng chỉ hỏi thăm: “Giá bìa giấy hôm nay bao nhiêu một kilôgam vậy?”, “Hạ vài giá rồi, còn 5 ngàn thôi”, “Sáng giờ bà thu mua được bao nhiêu?”.

Đang ngồi nghỉ ngơi, một chị tất tả đội nón lá chạy đến: “Tui mới phát hiện một quán cơm chay giá rẻ, 7 ngàn đã có một đĩa rồi. Mấy bà đi ăn cơm trưa với tui không?”. Nghe xong tất cả hớn hở đứng dậy, đeo găng tay cùng tìm quán cơm ăn lót dạ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI