|
Hẻm 85 Rạch Bùng Binh P.9, Q.3 |
Tử tế để cạnh tranh
9g sáng. Hẻm 85 Rạch Bùng Binh, P.9, Q.3 nhộn nhịp hẳn khi các chủ hàng bắt đầu phân phối hàng hóa cho bạn hàng. Tại nhà chị Nguyễn Thị Lên - một lò cung cấp nem, tré, đậu phộng, bánh tráng… cho người bán hàng rong, từng người vào thanh toán tiền, nhận hàng rồi mang về phòng, tiếng cười nói rổn rảng đậm chất Quảng vang vang đến tận 12g trưa. Nhịp sinh hoạt này diễn ra đều đặn và đã quá quen thuộc với những ai sống ở xóm hàng rong này, nhưng với tôi - một người chỉ ghé qua quan sát, thì phải lắng nghe chủ hàng, bạn hàng chia sẻ mới thấm được cái tình của những người xa xứ dành cho nhau.
Hẻm 85 có đến ba lò cung cấp hàng như thế. Lò của chị Lên là một căn nhà cấp bốn được tận dụng mọi khoảng không làm nơi phân chia hàng hóa. Hàng rào treo bánh tráng lủng lẳng, trên bàn, trên ghế, trên sàn nhà từng xâu trứng cút, xoài, tré… đã được chia nhỏ vào từng bao ni lông, tất cả đều không ghi tên hay đánh dấu cho riêng bạn hàng nào. Đáp lại cái nhìn ngạc nhiên của chúng tôi, chị Lên giải thích: “Bạn hàng của tôi đa số có thâm niên từ 10 năm trở lên, ai lấy hàng gì, bao nhiêu tôi đều nhớ, chỉ cần ghi vào tờ giấy nhỏ, đưa bạn hàng bỏ túi, sáng mai họ đi bán về, thanh toán là xong”.
Chị Lên từ Quảng Ngãi vào TP.HCM từ năm 20 tuổi, theo người quen bán hàng rong. Nhờ cần mẫn, chị tích cóp được ít tiền, chuyển sang lấy hàng, thuê nhà rồi chia nhỏ phòng cho những người cùng quê vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề này. Người đi trước rước người đi sau, bạn hàng của chị tăng dần. Rồi chị lập gia đình, vợ chồng gom hết vốn liếng, bán đàn bò ở quê mua miếng đất trong hẻm 85.
Chị chia đất ra làm hai, nửa cất nhà để ở, nửa còn lại xây nhà trọ cho bạn hàng với giá thuê rẻ bèo, chỉ 1.000 đồng/người/ngày. Ban đầu diện tích mỗi căn phòng chỉ 2 - 4m2, ngăn bằng ván ép, chật chội, ẩm thấp, ba-bốn người chen nhau ngủ, chưa kể thiếu nhà vệ sinh, người trọ phải phân chia giờ giấc tắm giặt. Cám cảnh, chị lại bỏ tiền sửa sang 20 căn phòng trọ, nâng nền, ngăn lại phòng theo nhu cầu của người ở, xây thêm nhà vệ sinh, thậm chí có phòng còn gắn máy lạnh.
“Với chúng tôi, bạn hàng rất quan trọng, lấy được tình cảm của bạn hàng coi như đã thắng, bởi các chủ lò sống nhờ cung cấp cho bạn hàng. Ngoài chăm chút chỗ ở, cung cấp nguồn hàng tươi ngon, các chủ lò còn phải thu phục bạn hàng bằ ng cách đối nhân xử thế. Khu vực Rạch Bùng Binh có hơn mười lò hoạt động nhưng mạnh ai nấy làm, các chủ lò không lôi kéo bạn hàng của nhau, chỉ cạnh tranh bằng sự tử tế, vì bạn hàng không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là người thân, cùng nơi chôn nhau cắt rốn”, chị Lên nói. Nghe chị bày tỏ, tôi chợt nghĩ, đâu phải những thương hiệu lớn mới có triết lý “buôn có bạn bán có phường”, nuôi giữ văn hóa kinh doanh bằng chữ tín với bạn hàng, mà ở đây, những phận đời xa xứ, buôn gánh bán bưng, của nả chẳng là bao giữa đô thị xa hoa này, vẫn níu đôi chân mệt nhoài áo cơm của nhau bằng cách nghĩ giản đơn mà đậm đà tình nghĩa.
|
Bữa cơm của những người cùng quê thật ấm áp |
Chuyện tử tế ấy còn là cái chìa tay giúp nhau lúc ngặt nghèo. Hôm trước, con chị Hằng chưa kịp đóng học phí, chị Lên cho mượn ba triệu đồng, không lấy lời. Chồng chị Thanh ở quê bị bệnh, chị Lên đưa chị bốn triệu đồng đóng viện phí. Đa số họ vào đây làm lụng, nhưng ruộng vườn ở quê đến mùa là phải chạy về thu hoạch, trung bình phải một đến ba tháng. Hết mùa, họ lại lên Sài Gòn buôn bán, nhưng chủ nhà vẫn không lấy tiền phòng, không cho ai khác thuê - như một cách hỗ trợ bạn hàng.
Tất cả hình thành một hệ thống liên đới chặt chẽ, lấy cái tình quê hương làm chuẩn. Đối diện hẻm 85 là hẻm 128 Rạch Bùng Binh cũng có nhiều lò hàng thâm niên như lò chị Mười, chị Hạnh. Hai lò đối diện nhau. Xen lẫn tiếng bạn hàng cười nói rôm rả là tiếng chị Hạnh í ớ sang nhà chị Mười xin chia lại 10 cái trứng cút. Đứa con gái nhỏ của chị Hạnh chạy sang lấy trứng, không quên chọc ghẹo “trứng cô Mười to hơn trứng mẹ con”. Bạn hàng được một phen cười no bụng. Lò của chị Hạnh có hơn 15 bạn hàng, cũng được hỗ trợ giá nhà trọ chỉ 5.000 đồng/ngày. Nhiều căn phòng chia nhỏ nên lối vào được bạn hàng tận dụng đặt bếp dầu nấu nướng, không ai bảo ai nhưng tự chia giờ giấc để không “đụng hàng”…
Những giấc mơ
Những ngày mưa gió này, lang thang trong các xóm trọ, tôi được các chị mời bữa cơm có chén mắm mặn đặc trưng của người Quảng, được nghe họ kể chuyện quê nhà với nỗi nhớ đong đầy, là mùa màng, là những đứa con đang luyện thi đại học, là người chồng đang từng ngày vất vả trên đồng. Vì áo cơm phải chịu cảnh tha hương, hầu hết các chị đều rời quê từ thời còn xuân sắc với cồn cào gan ruột bao điều về chồng con, với những mặc cảm, khó khăn khi sấp ngửa mưu sinh chốn thị thành. Chính cái tình quê đã kéo họ gần lại, nương tựa vào nhau, bám trụ để kiếm sống cho mình thì ít, mà lo cho những người ở quê nhà với bao khốn khó đang chờ những đồng tiền đẫm mồ hôi họ tích cóp qua ngày, tằn tiện gửi về.
|
Lối đi được tận dụng làm nơi nấu ăn của các bạn hàng |
Từ những xóm trọ nghèo này, bao đôi cánh của những đứa con đã và đang tung bay vào đời trên điểm tựa là đôi bàn tay tảo tần của mẹ. Nhắc đến con, nước mắt bà Nguyễn Thị Thẩm (62 tuổi) lăn dài. Bà kể, chồng mất sớm, để lại hai đứa con đều nhiễm chất độc da cam. Chúng lớn dần nhưng vẫn ngờ nghệch như đứa trẻ lên ba. Một nách hai con, thu nhập từ nghề nông không kham nổi, bà rời quê lên TP.HCM bán hàng rong. Ngót nghét đã 23 năm. Đôi chân đã mỏi, đôi mắt đã mờ nhưng bà vẫn chưa thể dừng lại vì những đứa con ở quê vẫn đợi món quà hằng tháng bà gửi về.
|
Thùng hàng của bà Hà theo bà đến tận Q. 5 |
Những đôi chân ấy vẫn đi mãi chưa dừng, vì họ đã và đang nuôi giấc mơ cho những đứa con. Chị Lê Thị Ái Phương - ở xóm trọ chị Lên, nhờ thúng hàng rong đã nuôi được hai con trai ăn học, một tốt nghiệp ĐH Công nghiệp, một học xong ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đều có việc làm ổn định. Ở phòng trọ bên cạnh, chị Nguyễn Thị Phi cũng đang nuôi con gái học năm thứ 3 ĐH Tôn Đức Thắng. Cùng dãy trọ còn có chị Bùi Thị Nguyệt đang nuôi cậu trai út học năm thứ 3 ĐH Công nghiệp, trước đó con gái lớn của chị cũng nhờ thúng hàng rong của mẹ mà hoàn tất ngành kế toán Trường ĐH Kinh tế. Cách đó mấy phòng, chị Nguyễn Thị Lan đang hồi hộp từng ngày chờ đến kỳ tuyển sinh ĐH. Với chị, những ngày con gái ở quê ôn thi ĐH cũng là những ngày chị nhớ quê ghê gớm, lẽ ra phải về để động viên con nhưng nếu về thì tiền học phí sắp đến chẳng biết tính sao...
Hình ảnh những người mẹ tần tảo ám ảnh tôi mãi. Tôi nhớ đôi mắt lim dim của một người mẹ khi tôi nhổ giúp mấy cọng tóc sâu. Người mẹ này có cái bụng to bất thường do bị sa ruột - di chứng của những lần mổ u nang buồng trứng mà không đủ tiền chữa trị cho đến nơi đến chốn. Bà là Phạm Thị Ngọc Nhồng (62 tuổi), ở xóm trọ của chị Mười. Chỉ có mấy cọng tóc bạc mà bà cám ơn tôi rối rít vì tôi đã mang lại cho bà cảm giác thân thương, gần gũi.
Bà kể: “Chồng mất sớm, tôi bệnh đột ngột không nuôi nổi giấc mơ vào giảng đường của con, hai mẹ con đành rời quê vào Sài Gòn mưu sinh. Người làm đêm, kẻ làm ngày nên chỉ “gặp nhau” qua điện thoại, lâu lâu nó nhớ kêu tôi nấu nồi canh cá, làm chén mắm mặn, nó tạt ngang ăn một mình rồi đi làm. Có vậy thôi mà mẹ con cũng vui”. Những nồi canh cá nấu cà, những chén mắm mặn cay nồng… được những người mẹ chăm chút trên những chiếc bếp dầu nhỏ xíu đặt dọc hành lang chan chứa mùi yêu thương, mùi vị quê hương và cả mùi mồ hôi của mẹ.
Tôi cứ nghĩ mãi về việc rồi sẽ có thêm nhiều xóm trọ như thế, nơi đồng tiền chỉ mang tính ước lệ, tượng trưng, chỉ là cái cớ để tình thương lan tỏa, để ai lỡ bước mưu sinh tìm thấy được chốn dung thân.
Thu Hồng