Xóm trọ 3D: Tiếng cười duyên từ những phận đời buồn

28/06/2017 - 13:17

PNO - Bộ phim điện ảnh Xóm trọ 3D (khởi chiếu ngày 30/6) chuyển thể từ vở kịch cùng tên của sân khấu kịch Hồng Vân mang lại nhiều tiếng cười duyên dáng nhưng cũng để lại dư vị xót xa về những phận đời thuộc giới tính thứ ba.

Sau Lô tô, điện ảnh Việt năm nay đón nhận thêm một tác phẩm nói về cuộc sống của những người đồng tính: Xóm trọ 3D (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường). So với Lô tô, chỉ lấy cảm hứng từ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, kịch bản khác hoàn toàn thì Xóm trọ 3D có lợi thế hơn khi thừa hưởng được nền tảng kịch bản vốn đã được kiểm chứng về độ ăn khách khi diễn trên sân khấu kịch.

Tuy nhiên lợi thế này cũng là một trở ngại bởi chắc chắn phim phải hứng chịu sự so sánh của người xem. Rất may, phiên bản điện ảnh không đến nỗi làm thất vọng những ai từng xem kịch vì tinh thần, không khí của vở diễn vẫn được giữ nguyên.

Xom tro 3D: Tieng cuoi duyen tu nhung phan doi buon

Phong (Huy Khánh đóng, phải) phải giả làm bóng để được sống trong xóm trọ 3D

Đó là tinh thần lạc quan của những con người thuộc giới tính thứ ba sống trong một xóm trọ nghèo mang tên Xóm trọ 3D- nơi trai “thẳng” không cho thuê- như câu khẩu hiệu in trên poster phim. Là không khí đầm ấm như một gia đình trong gia đình của má Lâm và các con Tú, Lệ, Bảo, Như Ý dù rằng không một ai trong số họ chung huyết thống.

Nhân vật trung tâm chuyện phim là Lâm– một chủ phòng trọ luôn cưu mang những người đồng tính như mình. Một ngày, cuộc sống của Lâm và cô em gái “xác cô hồn cậu” tên Na cùng bốn khách trọ Tú, Lệ, Bảo, Như Ý bỗng nhiên bị xáo trộn khi xuất hiện một thanh niên tên Phong đến xin ở trọ.

Xom tro 3D: Tieng cuoi duyen tu nhung phan doi buon

Maya, Việt Hương (từ trái sang) có vai diễn lột xác về tính cách, ngoại hình trong phim

Xóm trọ 3D có mạch phim nhanh, gọn, khai thác về thế giới người đồng tính nhưng đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cố gắng tiết chế những tình huống bi lụy, thay vào đó khai thác tiếng cười nhiều hơn và là cười tình huống chứ không phải chọc cười kiểu cơ học.

Cách làm này khiến đối tượng khán giả không phải thuộc thế giới thứ ba ít nhiều cũng có thiện cảm với phim, với nhân vật trong phim. Khó có thể nín cười trước những màn rình mò, giăng bẫy hòng “lột trần” Phong theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của bộ tứ Tú, Lệ, Bảo, Như Ý.

Những màn mưu sinh vất vả của nhóm khách trọ cũng đầy hài hước: ca sĩ kẹo kéo Lệ hát dạo ở quán nhậu bị “đồng nghiệp” “dằn mặt” bằng màn phun lửa vào mặt, Như Ý nhận trang điểm cho xác chết bị hù xanh mặt đến nỗi “bỏ của chạy lấy người”, nhà thiết kế thời trang Tú với địa điểm hành nghề là lề đường và đồ nghề là mấy sào đồ sida buôn dạo, Bảo làm diễn viên đóng thế nên “diễn” luôn ngoài đời vai “người đàn ông của xóm” khiến mấy phen bị đàn ông trong xóm tẩn ra trò vì tội thả dê vợ người ta!

Xom tro 3D: Tieng cuoi duyen tu nhung phan doi buon

Tiếng cười xuất phát từ tình huống chứ không chọc cười cơ học

Không cần những lời than thở từ chính người trong cuộc, khán giả vẫn cảm nhận được những vất vả, khó khăn và cả  những tủi hờn của người đồng tính trong công cuộc mưu sinh. Họ, cho dù bề ngoài đã cố gắng “gồng” lên hay luôn cười nói hỉ hả, đùa giỡn cùng nhau thì sâu trong mỗi người đều chất chứa những nỗi niềm riêng.

Với má Lâm đó là cảm giác mất niềm tin vào tình yêu, với Lệ là tâm trạng chua xót khi phải mua vui trong các đám tang, với Tú là nỗi đau bị chính cha mình hắt hủi đuổi đi khỏi nhà vì không thể chấp nhận sự thật con mình đồng tính hay với Bảo, với Như Ý là sự ê chề, tủi nhục vì bị người khác chửi rủa, đánh mắng trong công việc.

Các diễn viên từ kỳ cựu như Minh Nhí (vai má Lâm) đến trẻ như Xuân Nghị (Lệ), Nam Cường (Tú), Hoàng Linh (Bảo), Thái Duy (Như Ý) đều lột tả trọn vẹn tâm tính của những người đồng tính. Diễn xuất ăn ý cùng phần lời thoại rất đời của các nhân vật mang lại không khí sống động cho phim.

Xom tro 3D: Tieng cuoi duyen tu nhung phan doi buon

Minh Nhí đảm nhiệm vai má Lâm trong cả hai phiên bản sân khấu và phim

Làm tốt ở khía cạnh tạo tiếng cười cũng như khai thác nỗi niềm của người đồng tính nhưng Xóm trọ 3D vẫn còn một vài điểm chưa thuyết phục người xem. Người xem không hiểu vì sao Phong lại biết múa để dạy Na, vì sao Na lại thích múa và nếu như thay bằng múa là những tình huống khác đưa Phong-Na xích lại gần nhau có lẽ sẽ dễ chấp nhận hơn.

Hình ảnh cả hai tập múa bên dòng kênh, trong cơn mưa trông rất lãng mạn nhưng thật sự không gợi cảm xúc cho người xem vì thừa thãi, lạc lõng. Vai diễn khách mời của Anh Vũ đóng hoàn toàn không cần thiết, cũng như đoạn thoại khá khuôn sáo của nhân vật này trong đoạn làm hòa với má Lâm sau khi ra khỏi đồn công an bị thừa và “kịch”. Sự gắn bó giữa nhân vật “anh ông nội” (Việt Hương đóng) với những người trong xóm trọ chưa được làm rõ lắm khiến khán giả thắc mắc trước chuyển biến tâm lý của nhân vật từ chỗ phục tùng sang phản bội, đối đầu lão đại (NSND Hồng vân đóng) quá đột ngột.

Ra rạp ngay trong tháng 6, tháng dành cho những người đồng tính, bộ phim Xóm trọ 3D có thể xem như món quà cho những người thuộc thế giới thứ ba. Những đối tượng khán giả thuộc giới này xem để tìm thấy thêm một sự đồng cảm cho mình còn những khán giả không thuộc về cộng đồng LGBT xem để hiểu thêm một điều không ai được lựa chọn giới tính sinh ra và ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc cho dù thuộc giới tính nào.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI