Xóm nghèo 'ba không' ở huyện đạt 'danh hiệu' nông thôn mới

26/05/2018 - 08:30

PNO - Tuy đã đạt "danh hiệu" nông thôn mới cách đây 3 năm nhưng huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) hàng chục hộ dân ở 2 ấp vẫn sống trong cảnh đi đường mòn, thắp đèn dầu, xài nước sông.

Không điện, không đường, không nước sinh hoạt

Đó là thực trạng của gần 30 hộ dân tại ấp Trường Ninh và Trường Ninh A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ trong hàng chục năm qua.

Trái ngược hoàn toàn với “mặt tiền” bên ngoài là những con đường được bê tông hóa sạch đẹp, thông thoáng của huyện nông thôn mới, hàng ngày người dân ở 2 ấp nghèo phải đi lại trên những đoạn đường đất sạt lở, những chiếc cầu khỉ, cầu ván tạm bợ hay chống xuồng men theo con rạch để vào nhà.

Xom ngheo 'ba khong' o huyen dat 'danh hieu' nong thon moi
Người dân đi lại bằng cầu khỉ ở xóm "ba không" - Ảnh: Nguyên Anh.

Không những thế, với thời đại công nghệ số hiện nay, người người nhà nhà đang sống trong sự tiện nghi, hiện đại thì ở đây người dân ngày ngày vẫn lăn lội đi mua dầu lửa, nến, sạc bình ắc quy để thắp sáng. Những nhà khá giả thì kéo điện xài ké. Nhưng đường xa, điện năng hao hụt nhiều và rất yếu.

Xom ngheo 'ba khong' o huyen dat 'danh hieu' nong thon moi
Ông Sang vẫn thắp đèn dầu, sạc bình ắc quy thắp sáng hàng chục năm qua - Ảnh: Nguyên Anh.

Ông Võ Thành Sang (69 tuổi) bức xúc: “Ở cái xóm “3 không” này, có tiền muốn mua cái tivi để xem tin tức cũng không được, vì có điện đâu mà xài. 2 – 3 ngày lại chống xuồng đi sạc ắc quy 1 lần, mà chỉ để dùng thắp bóng đèn thôi. Nửa đêm bình hết thì phải lấy đèn dầu ra thắp chứ biết làm sao”.

Bà Nguyễn Thị Chi (48 tuổi) than vãn: “Sống ở đây, con tôi đi học vất vả lắm. Ngày nào cũng đi xuồng, cuốc bộ tới trường. Hôm nào biết buổi sáng nước cạn, thì tối phải đưa nó đến nhà người quen ngủ nhờ để sáng kịp giờ đi học. Hơn nữa, ban đêm học bài, tôi phải mua cho con cái đèn pin để soi chữ”.

Xom ngheo 'ba khong' o huyen dat 'danh hieu' nong thon moi
Những chiếc đèn dầu nhà bà Chi - Ảnh: Nguyên Anh.

Không điện, không đường lại không có nước sinh hoạt. Hàng ngày, bà con phải xách nước từ dưới sông lên lắng phèn để sử dụng. Bên cạnh đó, đợi những lúc mưa to, họ lấy xô hứng nước chứa vào các lu để dành sinh hoạt. Ở đây, người dân chưa từng biết nước máy là gì.

Nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết

Ông Sang cho biết, bản thân ông đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương, cũng như kiến nghị trong mỗi lần tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa thấy “động, tĩnh”.

“Là người dân huyện nông thôn mới của thành phố trực thuộc trung ương nhưng chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh “3 không”. Tôi mong muốn được nhà nước quan tâm sớm kéo điện lưới quốc gia để cuộc sống của bà con tại đây được ổn định”.

Xom ngheo 'ba khong' o huyen dat 'danh hieu' nong thon moi
Cứ 2 - 3 ngày, người dân ở đây lại lặn lôi đi sạc bình - Ảnh: Nguyên Anh.

Giải thích về vấn đề trên, ông Lê Văn Ảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long cho biết, địa phương cũng mong muốn sớm có điện để người dân tại 2 ấp này  phát triển đời sống. Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện còn hạn chế, mặc dù vừa qua Phòng Kinh tế hạ tầng huyện đã có khảo sát, lập hồ sơ thiết kế. “Vấn đề hiện tại là chờ nguồn vốn, dự kiến sẽ triển khai trong quý 2 năm 2018” – ông Ảnh thông tin.

Xom ngheo 'ba khong' o huyen dat 'danh hieu' nong thon moi
Một người dân mới xây được ngôi nhà khang trang nhưng vẫn xài đèn dầu và nến thắp sáng - Ảnh: Nguyên Anh.
Xom ngheo 'ba khong' o huyen dat 'danh hieu' nong thon moi
Xã nông thôn mới Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - Ảnh: Nguyên Anh.

Được biết, huyện Phong Điền đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016 và xã Trường Long về đích danh hiệu này vào năm 2015. Phóng viên đặt vấn đề, nếu như vẫn còn tồn tại 2 ấp “3 không” như thế, liệu xã có đủ tiêu chí để đạt chuẩn Nông thôn mới hay không? Ông Ảnh cho rằng chỉ với con số 24 hộ thì địa phương vẫn đủ điều kiện đạt thành tích trên.

Nguyên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI