Xóm nghèo "ba không" lưng chừng núi Bà Hỏa

11/09/2015 - 16:08

PNO - Hàng trăm ngôi nhà cheo leo trên lưng chừng núi. Không hộ khẩu, không giấy chứng minh thư nhân dân, không giấy đăng ký sử dụng đất.

Xom ngheo
Sống trên lưng núi bảy năm, gia đình chị Thúy là điển hình cho công dân “ba không” tại xóm núi

Xóm nghèo trên núi

Xóm núi Bà Hỏa là nơi cư ngụ của hàng trăm hộ dân thuộc các phường Đống Đa, Lê Hồng Phong, Ngô Mây và Quang Trung của TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Mỗi người một cảnh, người vỡ nợ, người nghèo khó… nên lên núi ngụ cư.

Bà Nguyễn Thị Chất (SN 1950) quê ở Huế. Năm 1992, bà và chồng là ông Phan Long Nghệ (SN 1949) dắt nhau vào Quy Nhơn mưu sinh. Đông con, gia cảnh khó khăn, vợ chồng bà lên núi phá đất, vỡ đá dựng mái lều tranh, sống bằng nghề bán bánh chưng dạo.

Dần dà, chín người con của ông bà mỗi người một phương, ông bà vẫn trụ trên lưng núi này. “Lên núi sống toàn dân cơ khổ, lao động chân tay. Cả xóm ban ngày cửa đóng then cài. Tờ mờ sáng, mọi người đã xuống núi phụ hồ, gánh cá, chạy chợ, bán vé số dạo…

Chồng tôi cũng 6g sáng là xuống núi, dắt xe đạp đến lò bánh chưng lấy bánh bán dạo. Thu nhập được 200.000đ/ngày chưa trừ vốn. Tiền điện mỗi tháng 300.000đ, tiền nước 150.000đ, rồi còn tiền ăn, phải chắt chiu mới qua ngày đoạn tháng được”, bà Chất nói.

Nằm ở cao nhất trên núi, căn nhà hơn 10m2 nom như một chiếc thùng di động bằng tôn là chỗ chui ra, chui vào của mấy mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi, khu vực 6, P.Lê Hồng Phong). Sống trên núi đã 20 năm, chị không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào.

“Nhà tôi vốn ở P.Hải Cảng, nhưng bố mẹ mất đã lâu, anh em mỗi người một ngả. Trải qua nhiều biến cố, mẹ con tôi lên đây sinh sống.

Di chuyển qua nhiều ngôi nhà, chúng tôi được chủ nhà cho ở không tốn tiền. Hàng ngày, tôi đi bán vé số, bốn đứa con đi học, đứa lớn đã học năm thứ 2 Đại học Quy Nhơn”, chị Hoa bộc bạch.

Ở trên hóc Bà Bếp (tổ 27, khu vực 5, P.Đống Đa) đã bảy năm, vợ chồng chị Võ Thị Thúy (26 tuổi) cũng không có một mảnh giấy tùy thân. Vợ chồng cưới nhau sáu năm, có hai con. Chồng làm thợ sơn, chị Thúy bán cá ở chợ Đầm.

Căn nhà vợ chồng chị đang ở được mẹ ruột chị mua lại với giá 10 triệu đồng, khoảng 24m2 , nhưng là nơi tá túc của mười con người, gồm vợ chồng chị, vợ chồng người chị gái và các cháu.

“Gốc ở P.Trần Phú, vợ chồng tôi ở đây không có hộ khẩu, không làm được CMND. Đời sống quá khó khăn nên chúng tôi cũng muốn xuống núi khi có điều kiện. Ở đây, bố mẹ không có quyền lợi mà con trẻ cũng không. Ngày lễ, tết chẳng bao giờ có quà. Mưa, bão có bị sập nhà, hư hại cũng không được hỗ trợ”, chị Thúy nói.

Sống với hiểm nguy

Theo Phó khu vực 6, P.Lê Hồng Phong - ông Văn Ngọc Cư, cả khu vực 6 có gần 300 hộ, nhưng chỉ 85 hộ có hộ khẩu. Riêng tổ 39, khu vực 6 có 66 hộ cư trú nhưng chỉ có khoảng bảy hộ có hộ khẩu đăng ký tại phường.

“Có sáu hộ ở trên cao, sống trong điều kiện rất nguy hiểm, đặc biệt là khi vào mùa mưa bão. Cơn bão năm 2009, đá làm sập tám căn nhà, may không thiệt hại về người. Mùa mưa đến, chúng tôi phải lên núi kêu gọi người dân di tản.

Đất núi thuộc khu vực giải tỏa nên người dân không thể có các giấy tờ liên quan để tạo điều kiện cho con em học, đi làm”, ông Cư cho hay.

Theo thống kê của UBND P.Đống Đa, trên khu vực núi Bà Hỏa hiện có 301 hộ dân với 858 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu tập trung tại khu vực 4 và khu vực 5. Trong đó, đăng ký thường trú 182 hộ/602 nhân khẩu, đăng ký tạm trú là 119 hộ/256 nhân khẩu.

Đa số các hộ dân sống tại núi Bà Hỏa ở trên triền núi, lấn chiếm xây dựng nhà trái phép sau ngày 1/7/2004 và sử dụng từ đó đến nay. "Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền vận động người dân di dời, nhưng điều kiện khó khăn nên họ ngoan cố ở lại”, ông Trần Việt Quang, Chủ tịch UBND P.Đống Đa, cho biết.

Theo ông Quang, phường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thống kê, xác nhận thời điểm sử dụng đất để đưa vào xử lý theo quyết định 15/2008 của UBND tỉnh Bình Định, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch các khu dân cư để bố trí các hộ đủ điều kiện xây dựng ổn định đời sống.

Đối với các trường hợp mới phát sinh lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, UBND phường sẽ tổ chức cưỡng chế, phá dỡ theo đúng quy định pháp luật.

Chánh văn phòng TP.Quy Nhơn Dương Hiệp Hòa cho biết, TP.Quy Nhơn cũng đang chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan rà soát, thống kê lại tình hình các hộ dân trên núi, để UBND TP.Quy Nhơn có phương án giải quyết cụ thể.

Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI