Xóm cũ - nhớ về là thương

09/09/2020 - 05:46

PNO - “Chú Sáu Hạnh ở xóm cũ vừa mất, thím Sáu mới báo”, cả nhà thông tin với nhau. Tôi chạnh lòng khi hay tin một người quen qua đời và bồi hồi nhớ cái xóm cũ đáng yêu ngày xưa của mình.

Nơi ấy dễ thương hệt xóm Ssangmun Dong trong phim Reply 1988. Bắt đầu những năm 60-70, nhà này nhà kia lần lượt dọn tới đây, hầu hết là những cặp vợ chồng trẻ và những đứa con nhỏ, giúp nhau sống qua chiến tranh và những khó khăn sau đó.

Nhớ xóm ấy là nhớ cái cách đám nhỏ gọi người lớn trong xóm như những người bà con họ hàng, là chú - thím, cô - dượng, dì - dượng, bác trai - bác gái… Chúng tôi tuyệt đối không được gọi tên người lớn. Ví dụ sẽ gọi chú Sáu, khi kể chuyện ai hỏi chú Sáu nào, lúc đó mới nói tên như chú Sáu Đồng…

Hồi đó, ba mẹ bảo sao chúng tôi gọi vậy, riết quen miệng, quen tai như một phản xạ tự nhiên mà không thắc mắc và thấy cũng bình thường. Lớn lên đi xa, tiếp xúc nhiều người mới thấy xưng hô kiểu đó hay quá.

Nhờ vào cách xưng hô đó mà chúng tôi cảm thấy cả xóm giống như một đại gia đình, giống như cách mình gọi anh chị em của cha, của mẹ thôi. Và vì cảm thấy như trong gia đình nên chuyện giúp đỡ nhau hết sức tự nhiên. Hay vì những người lớn khi đó nghĩ rằng phải xem nhau như người trong nhà, phải giúp nhau lúc tối lửa tắt đèn nên mới có kiểu xưng hô vậy, để nhắc nhở nhau.

Chẳng rõ nữa. Nhưng cách xưng hô ấy như một sợi dây vô hình cho đến nay vẫn níu kéo những người trong xóm, dù gần như nhà nào cũng đã dọn đi khá lâu. Chúng tôi đi qua ba đường sáu nẻo vẫn thấy cái xóm nhỏ ngày xưa là thân tình nhất.

Nhớ cái xóm cũ ấy là nhớ những bài học người lớn dạy lũ trẻ qua cách họ đối đãi nhau. Trẻ con chúng tôi được dạy quét nhà quét sân, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm… rất sớm.

Khi quét sân, chúng tôi không được phép chỉ quét sân nhà mình, mà phải quét luôn sân của hai nhà hai bên. Chúng tôi có bài học: sống không nên biết mỗi phần mình. Trẻ con khi chơi thường hay đánh nhau, giành giật đồ chơi…

Trong các trường hợp đó, người lớn xóm tôi thường xử lý kiểu không cần biết lỗi đứa nào, hễ con mình đánh nhau là phạt con mình, không cần biết đồ chơi của ai, hễ con mình giành đồ chơi là bắt phải nhường lại cho bạn. Lúc đó, hầu hết chúng tôi đều thấy cha mẹ mình thật phi lý, nhưng lớn lên chúng tôi học được tính nhường nhịn, không hơn thua. 

Hồi đó, nhà nào khá giả mới có chiếc xe máy. Mỗi khi nhà nào có việc như đi đám tiệc hay về quê ăn giỗ thường được cho mượn xe máy, không cần biết lúc cho mượn trong xe có bao nhiêu xăng, nhưng khi về trả xe bao giờ cũng đổ đầy bình xăng cho họ.

Có lần trên xe ba chở về quê, tôi hỏi: “Mình đi bao nhiêu đổ xăng bấy nhiêu trả lại được rồi sao phải đổ đầy bình hả ba?”. Ba bảo:“Xe máy là cả gia tài, người ta còn không tiếc đem cho mình mượn, sao mình đo đếm bằng mấy lít xăng hả con?”. 

Ảnh mang tính minh họa: Internet
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Từ đó, tôi có bài học: với ân tình, mình phải đền đáp bằng nhiều nhất có thể chứ không được đong đếm. Ở xóm ấy, mỗi khi cha mẹ có việc cần đi xa cứ yên tâm gửi con cho nhà hàng xóm, đảm bảo được cho ăn uống và tắm rửa đàng hoàng. Mỗi nhà đều xem việc chăm sóc mấy đứa nhỏ khi cha mẹ chúng đi vắng là đương nhiên.

Sáng sớm xách cặp đi học đã nghe bác Ba, thím Tám dặn học xong về nhà bác, nhà thím ăn cơm nghen. Thương không? “Về” nhà bác, nhà thím chứ không phải là “qua” nhà bác, nhà thím nhé.

“Về” và “qua” khác nhau nhiều. Nói “về” là xem mình như người trong nhà, nghe thân thương lắm. Từ đó, có lẽ đứa trẻ nào trong xóm tôi cũng học được cách không bỏ rơi người khác và chăm sóc người khác như người nhà khi họ cần. Cứ vậy, qua từng chuyện nhỏ, chúng tôi học được những bài học lớn.

Nhớ cái xóm cũ là nhớ bao nhiêu trò chơi ngày nhỏ. Xóm rất nhiều con nít. Tối nào, chúng tôi cũng tụ tập chơi hết trò này đến trò khác, từ nhảy cừu, tạt lon, nhảy dây, banh đũa, đánh trỏng, rồng rắn lên mây đến diễn kịch, kể chuyện… rồi cãi nhau, rồi cười hết trận này đến trận khác. Đám trẻ toàn kỷ niệm đẹp, còn người lớn thì nhiều kỷ niệm đẹp và cả kỷ niệm kinh hoàng. 

Năm 1972, vì một nhà trữ xăng nên có đến mấy căn nhà trong xóm bị cháy, trong đó nhà tôi làm bằng ván gỗ nên cháy rụi không còn thứ gì. Cả xóm như trong một trận kinh thiên động địa. Cha mẹ tôi ngẩn ngơ hết một ngày chưa biết làm gì, sau đó dọn dẹp đưa các con về ngoại ở tạm. Một năm sau, mẹ gom góp tiền xây lại nhà. Lúc xây nhà, chủ yếu hàng xóm mỗi người phụ giúp một tay. Cha mẹ tôi đi làm về chỉ tạt qua được một chút vì nhà ngoại khá xa.

Nhà bác Tám có anh con trai duy nhất đi lính, hy sinh ở chiến trường K. Khi hay tin, cả xóm tập trung lại nhà bác từng ngày, động viên bác trong cơn đau buồn. Người lớn trong xóm sống cùng nhau qua bao biến cố, cùng nhau chạy tản cư, nghe pháo kích là nhà này nhìn nhà kia coi có đứa nhỏ nào còn ở ngoài đường không, đám tang đám cưới lập tức đàn ông đàn bà trong xóm tụ tập đông đủ để phụ giúp gia chủ…

Rồi thời gian trôi, nhà này nhà kia lần lượt dọn đi, nhưng lúc nào những người lớn cũng nghe ngóng tin tức của nhau. Cha mẹ chúng tôi, những người đã biết nhau từ những ngày trẻ tuổi, đến nay đã đến lúc lần lượt từng người rời xa thế gian. Họ đã cùng nhau sống và muốn nhìn thấy nhau trước khi lìa đời. Đó là những khoảnh khắc cảm động đến rơi nước mắt.

Những ngày cuối cùng, thím Ba gọi điện thoại hỏi mẹ tôi đang ở đâu và rằng: “Tôi không còn sống được bao lâu nữa, muốn nắm tay chị, mình nói chuyện lần cuối”. Hay bác Năm nghe tin cha tôi mất khi đang trên đường đi chơi xa, đã vội vã bỏ chuyến đi để về với cha tôi.

Tôi trở về xóm cũ của mình rồi chào tạm biệt, chợt thấy xóm ấy dễ thương còn hơn xóm nhỏ trong phim. Tôi tin có rất nhiều xóm nhỏ trên đất nước mình đã in đậm ký ức đẹp đẽ của những người sống ở đó. Và tôi tin, từng đứa trẻ sẽ học được rất nhiều trong cách hành xử và giao tiếp, nếu được tự do chơi với hàng xóm của mình. 

Lam Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI