PNO - Dưới cái nắng nóng như thiêu đốt của Hà Nội trong những ngày qua, nhiều bệnh nhân ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị (Hà Nội) đang phải chống chọi từng ngày với bệnh tật và nắng nóng trong những căn phòng trọ rộng chưa đầy 10 mét vuông.
Con ngõ nhỏ số 121 phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) vẫn được nhiều người biết đến với cái tên "xóm chạy thận". Xóm này hiện có khoảng hơn 100 bệnh nhân bị suy thận ở nhiều tỉnh thành tá túc để tiện cho việc chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai. Những ngày nắng nóng cực điểm gần đây, thời tiết có lúc lên tới hơn 400C, các bệnh nhân phải dùng đủ mọi cách để chống chọi với cái nóng cực đoan.
Chúng tôi đến với một khu nhà trọ chật hẹp trong con ngõ nhỏ này, tại đây 7 bệnh nhân chạy thận sống tại 7 phòng trọ vỏn vẹn chừng 6m2 đang ngồi phía ngoài cửa nói chuyện. Họ cho biết dù đã ở đây chạy thận nhiều năm nhưng vẫn không tài nào chống chịu được cái nắng nóng của Hà Nội.
Xóm trọ nhỏ hẹp trong khu chạy thận Lê Thanh Nghị (Hà Nội) nóng nực một cách khắc nghiệt trong những ngày này |
Trước cửa căn phòng rộng chừng 6m2, bà Nguyễn Thị Oanh, 56 tuổi, đang đứng nấu bữa trưa. Bà thở gấp gáp, mồ hôi vã ra ướt nhẹp chiếc áo đang mặc, thi thoảng bà lại phải đi ra bể dùng tay dấp nước vào chiếc khăn rồi trùm lên đầu.
“Mấy hôm nay nắng nóng quá, phòng trọ lợp bằng tấm fibro xi măng lại còn chật hẹp, ngồi trên giường thôi tay cũng có thể chạm tới trần nhà rồi; nên ban ngày ở trong phòng ngột ngạt lắm không thể ngủ nổi. Chúng tôi phải trằn trọc tới tận gần sáng khi phòng dịu mới có thể chợp mắt được một chút. Nắng nóng vậy, đứng nấu đồ ăn một lúc mồ hôi tuôn như tắm rồi, cơm nước nấu xong cũng không nuốt nổi. Có nhiều khi nấu một bữa, ngày hôm sau ăn vẫn còn", bà Oanh vừa nấu ăn vừa nói.
“Phòng chật, mái fibro nóng bức khó chịu lắm nhưng cũng đành chịu thôi vì chúng tôi đâu có tiền dư dả. Cả cuộc đời chạy thận, hôm nay phải lo tiền thuốc thang ăn uống cho ngày mai thì có chỗ ăn, ngủ, nghỉ là đã tốt lắm rồi”, bà trầm ngâm.
Bà Oanh đứng nấu cơm cho bữa trưa, thời tiết nóng bức khiến mồ hôi vã ra ướt đầm chiếc áo đang mặc |
Để giảm nhiệt, bà Oanh dấp nước vào chiếc khăn rồi trùm lên đầu |
Bà Oanh dẫn chúng tôi vào căn phòng bà đang ở, khoe với chúng tôi chiếc điều hòa được các con lắp: “Phòng tôi cũng có điều hòa đấy chứ, nhưng không dám bật bởi tốn tiền điện. Khi nào nóng quá thì mở chừng 15-20 phút cho phòng đỡ nóng thôi. Vật giá đang leo thang, tiết kiệm được khoản nào hay khoản đấy...”.
Số tiền sinh hoạt hàng tháng eo hẹp, những người dân ở đây đều phải chắt bóp để vừa có tiền chữa bệnh, vừa trang trải cho cuộc sống |
Những căn phòng tại đây diện tích chỉ khoảng 6m2, thậm chí khi ngồi trên chiếc giường còn có thể vói tay chạm được nóc nhà |
Nhiệt độ trong mỗi phòng có những thời điểm lên tới 40 độ C |
Chị Đặng Thị Xiêm (28 tuổi, ngụ Nam Định) đã chạy thận được 6 năm, nhưng với thời tiết nóng bức của Hà Nội, chị vẫn thấy "hãi".
Chị chia sẻ: “Nóng quá, bọn tôi không thể nào ngủ được. Nấu như vậy thôi nhưng cũng chẳng ăn được mấy, đêm đến thì trằn trọc không chợp mắt được do nóng. Đối với những người bệnh như chúng tôi giấc ngủ rất quan trọng, nhưng hầu như mỗi đêm chỉ có thể ngủ từ 3g sáng, đến 6 giờ đã dậy vì nóng quá. Hôm nào đi chạy chữa bệnh, đến viện có điều hòa, tôi lại nằm ở viện tranh thủ chợp mắt ngủ".
Chia sẻ kinh nghiệm chống nắng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, chị Xiêm cho biết trong phòng mình luôn có sẵn chậu nước và khăn. “Những ngày thời tiết như hôm nay, để nằm nghỉ được thì cứ 15-30 phút lại phải dậy lau người 1 lần, ngoài ra còn dùng nước hắt vào mái và tường của phòng trọ để giảm nhiệt độ".
Chị Đặng Thị Xiêm luôn tìm cách hạ nhiệt cho căn phòng của mình |
Không có điều hòa, máy phun sương là lựa chọn lí tưởng để đặt trước quạt gió để làm dịu bớt cái oi bức, nóng nực trong những ngày nắng nóng cực điểm |
Khó ngủ, ăn lại kém khiến người đã mệt vì bệnh giờ lại mệt thêm. Mỗi lần đi khám, bác sĩ đều phải kê thêm thực phẩm bổ sung bởi sức khỏe họ giảm sút đáng kể.
Những cư dân xóm trọ nhỏ giúp nhau đưa những mảnh bìa, chiếc ô… để "che nắng, che mưa" ngay bên ngoài cửa các khu phòng trọ chật hẹp |
Bà Dương Thị Hoài (67 tuổi, Nam Định), chạy thận đã được 14 năm. Do phải điều trị bệnh 3 lần/tuần nên không thể về nhà được, bà phải thuê một căn phòng trọ nhỏ, tiền chi tiêu cả tháng ăn ở, chạy chữa trung bình phải mất đến hơn 4 triệu.
"Tôi chạy thận cũng được 14 năm rồi, một tuần chạy 3 lần nên cũng chẳng có thời gian mà về quê. Hiện tại thì tiền sinh hoạt chạy chữa của tôi đều do con cái chu cấp, cũng muốn làm gì để giảm gánh nặng kinh tế lắm nhưng sức khỏe của tôi không được tốt. Đợt nắng nóng này đúng là cực hình đối với những người có tuổi có bệnh như tôi. Tôi ăn uống cũng hạn chế và khó ngủ nên sức khỏe yếu và mệt hơn, hay bị khó thở nữa" - bà Hoài than thở.
Phòng bà Hoài cũng có điều hòa do con cháu lắp nhưng bà không dám bật bởi tốn tiền điện.
“Tiền điện tốn kém nên cũng chả dám bật điều hoà. Bản thân tôi có làm được gì ra tiền đâu, các con gom góp lo cho mình hàng tháng đã vất vả lắm rồi", bà Hoài chia sẻ. |
Một bệnh nhân dùng đá chườm lên đầu. Theo anh, việc này giúp giảm nhiệt rất nhanh. |
Với cư dân xóm chạy thận, nỗi lo bệnh tật, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực. Họ không những phải chịu đựng điều kiện sống tạm bợ, bệnh tật hành hạ, mà cái nóng lên đến 38 – 400C mấy ngày nay cũng khiến các bệnh nhân thêm cơ cực. |
Ngọc Linh
Chia sẻ bài viết: |
Màn trình diễn drone hỏa thuật đạt kỉ lục Guiness Thế giới vừa có buổi tổng duyệt tối 26/1 tại Hà Nội.
Sáng 23/1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (PK02E) Công an TP Hà Nội tổ chức Hội thi vui gói bánh chưng tưng bừng đón tết Ất Tỵ 2025.
Ngày 22/1 (23 tháng Chạp) âm lịch, người Hà Nội đi thả phóng sinh cá chép sau khi cúng ông Táo. Có người phóng sinh cả cặp cá chép nặng gần 10kg.
Những toa tàu điện cũ được phục dựng trên không gian phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) như đưa theo cả những ký ức về một cái tết Hà Nội xưa.
Sáng 20/1, đường hoa xuân gần sân bay Tân Sơn Nhất đã khai trương, tạo điều kiện vui chơi cho người dân ở cửa ngõ tây bắc TPHCM.
Ngày 19/1, nhiều tuyến phố trung tâm tại Hà Nội rộn ràng với các hoạt động của "Tết Việt - Tết phố" 2025.
Tối 18/1, cuộc thi và lễ hội đèn lồng quốc tế Ocean 2025 được tổ chức tại Vinhome Ocean Park 2 (Văn Giang, Hưng Yên).
Tàu thuyền đầy ắp cá khi về bến, không chỉ mang lại thu nhập cao cho ngư dân, mà giúp các đội “phu cá” có việc làm những ngày cận tết.
Tại các xưởng sản xuất mô hình đường hoa Nguyễn Huệ thợ thi công đang gấp rút những công đoạn cuối cùng để bàn giao đơn vị tổ chức đường hoa xuân.
Sở hữu vẻ đẹp cổ kính, cây mai gần 100 tuổi tạo nên một điểm nhấn ấn tượng cho chợ hoa Xuân năm 2025 tại TP Buôn Ma Thuột.
Linh vật rắn Đà Nẵng đặt hàng nghệ nhân Quảng Trị Đinh Văn Tâm đã được lắp đặt với hình ảnh đầy uy nghi bên cạnh cầu Rồng.