Xốc lại tinh thần

14/04/2020 - 09:38

PNO - Nhìn những con số lây nhiễm ngày càng tăng, tuy nhiên, nếu hỏi một câu: con người đã biết sợ chưa, thì e rằng chưa chắc họ đã biết.

Có thể thấy, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế chung và riêng. Nhiều người đã lâm vào cảnh thất nghiệp, và không biết khi nào mới có việc làm trở lại.

Có khó khăn hoạn nạn, con người mới ngộ ra nhiều thứ mà khi bị dòng cuộc sống cuốn đi, họ không nghĩ gì khác ngoài việc lao ra đường kiếm tiền. 

Cuộc sống đang chậm lại trên toàn thế giới. Những con đường trước đây đông đúc ồn ào giờ thưa vắng người. Ai cũng có cùng tâm trạng của một con chim bị nhốt trong lồng. Hoang mang, lo lắng, bức bối là có thật. 

Trong gia đình, lũ trẻ con đang có kỳ nghỉ Tết dài quá mức bình thường, không chỉ chúng cảm thấy cuồng chân cuồng tay mà cha mẹ cũng stress vì con cái ở nhà lâu quá. Yêu cầu đặt ra: mỗi gia đình có cách giải quyết phù hợp sao cho có thể vượt qua cơn đại dịch này an toàn. 

Câu chúc nhau bình an là câu mọi người nhắn gửi cho nhau nhiều nhất qua các trang mạng xã hội khi một ngày mới bắt đầu. 

Xã hội đa dạng hoàn cảnh. Có người bắt đầu một ngày bằng cách uể oải lười biếng trên giường, cảm thán lại một ngày nữa đi qua trong chán chường, thì cũng có nhiều người vẫn phải bươn chải mưu sinh với mớ rau, con cá nhỏ lẻ bán cho những ai không có điều kiện trữ thực phẩm để ăn trong một tháng. Trên mạng xã hội, không phải ai cũng có những dòng trạng thái chia sẻ nỗi lo chung của nhân loại, bên cạnh đó còn xuất hiện nhiều câu than thở, luyến nhớ những ngày tươi đẹp đã qua. 

Trang mạng là quyền cá nhân, chỉ trách họ vô tâm sao có thể không kiềm chế tâm trạng này, khi mà mỗi ngày, biết bao người còn đang gồng mình cho công tác chống dịch. 
Quân đội bao giờ cũng là lực lượng tiên phong, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho người dân. Rồi tình nguyện viên. Một giảng viên đại học vừa đưa lên Facebook nội dung cần tình nguyện viên trong việc dọn dẹp ký túc xá để chuẩn bị làm khu cách ly. Tức thì cả trăm bình luận xin được gia nhập.

Công việc này đâu có đơn giản. Phải làm sao bảo toàn được tài sản của sinh viên và phải sắp xếp, ghi dấu một cách khoa học để sau này dễ nhận dạng khi mọi thứ bình thường trở lại. Chỉ là một chi tiết nhỏ trong vô vàn công việc chống dịch, nhưng đã thấy vất vả rồi. 

Hình dung thêm nữa, lực lượng chính trong công tác chống dịch là đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Họ là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất. Thế nhưng mọi người đã biết trân trọng họ chưa?

Tâm lý, tính cách con người đa dạng. Có người nhân ái, vị tha, bao dung, thì cũng lắm kẻ ích kỷ, chỉ biết riêng mình. Từ đó thiếu đi những quan tâm chia sẻ.

Nhìn những con số lây nhiễm ngày càng tăng, tuy nhiên, nếu hỏi một câu: con người đã biết sợ chưa, thì e rằng chưa chắc họ đã biết. 

Trên mạng xã hội vẫn còn những câu bình luận xúc phạm nhau, đôi khi nặng nề, vì những quan điểm trái ngược. Hay những dòng trạng thái hứa hẹn một cuộc tranh luận nảy lửa, thách thức lẫn nhau. Vẫn còn hình ảnh nâng ly chén anh chén chú, cười tươi ta đây chẳng ngán “cô vi”… Mới nghĩ, nếu không có những văn bản cấm hội họp, tụ tập trong mùa dịch, có lẽ con người vẫn vô tư trăm hoa đua nở những hình ảnh đi chơi, ăn nhậu, karaoke…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Qua những sự việc nhìn thấy trong cơn đại dịch, cha mẹ chợt nhận ra cần nói cho con biết về những gì đang xảy ra trên địa cầu này, và cách xử lý tình huống. 

Nhiều cha mẹ cho rằng, dạy con trước hết là tiết kiệm và chia sẻ. Nguy cơ thiếu thốn trong và sau dịch, đâu phải gia đình nào cũng đủ cái ăn khi ai cũng phải “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”. Tiết kiệm là không lãng phí từ một việc nhỏ như xài cuộn giấy vệ sinh, gói khăn giấy, cho đến những thứ mua sắm lớn hơn chưa cần thiết trong mùa dịch. Tiết kiệm cho mình để chia sẻ cho người khác. 

Phân tích những tình huống đang diễn ra trong xã hội để có cái nhìn thẳng thắn và hy vọng, không mang màu sắc ảm đạm. Trước hết là chấp hành tốt những điều luật mà chính quyền đưa ra. Không tụ tập, không di chuyển nhiều nếu không cần thiết, không đưa tin thất thiệt, tuân thủ việc cách ly… Có cái nhìn nhân văn về những người đang vất vả ngày đêm chống dịch. 

Tổ chức những bữa ăn gia đình hợp lý. Thời gian tốt nhất để dạy con cái nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và nói chuyện cùng con. Biết bao chuyện để nói mà bình thường không có điều kiện. Mở lại cho bọn trẻ con coi những clip, hình ảnh ngày chúng còn bé, thời điểm ấy, làm gì, nói gì, gia đình vui vẻ ra sao… Nói chung là phải nghĩ ra việc để làm trong mùa dịch không biết sẽ kéo dài đến bao lâu. 

Thật ra có nhiều việc tích cực để làm, tùy điều kiện, hoàn cảnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được những kế hoạch nhỏ trong gia đình. Do đó, việc xốc lại tinh thần cho mọi người lúc này là điều rất quan trọng. Có tinh thần tốt mới dễ dàng chấp nhận và vượt qua. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI