Lỗ lã, vẫn cố tìm nguồn để thưởng
Làm việc tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam hơn 5 năm, chị Nguyễn Thị Thanh Sang - quê ở tỉnh Phú Yên - rất vui khi hằng năm đều được công ty hỗ trợ xe đưa về quê ăn tết rồi được đón trở lại TPHCM làm việc sau tết: “Tiền xe đi lại trong mùa tết của gia đình khoảng 3 triệu đồng. Năm nay, vật giá leo thang, thu nhập khó khăn, tôi may mắn được công ty hỗ trợ xe đưa rước nên tiết kiệm được một khoản chi phí, đủ để gia đình chi tiêu sau tết”.
|
Công ty TNHH May mặc Dony dự kiến thưởng tết cho công nhân khoảng 1 tháng lương, tương đương năm ngoái - Ảnh: T.H.X |
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam - cho biết, năm nay, mức thưởng năm cho người lao động của công ty khoảng 110% lương tháng, vẫn ổn định so với trước dịch COVID-19. Hằng năm, công ty đều tổ chức xe đưa rước khoảng 700-800 công nhân về các tỉnh miền Trung ăn tết. Năm nay, công ty mở thêm 2 chuyến xe có giường nằm về Thanh Hóa, Hà Nội, hỗ trợ 90% giá vé, công nhân chỉ đóng 10%.
“Hơn 10 năm qua, Liên đoàn Lao động TPHCM chỉ tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn tết nhưng không rước công nhân trở lại TPHCM sau tết. Nếu mình tổ chức đưa về rồi rước vô, kèm thêm khoản thưởng đầu năm, sẽ thu hút được người lao động quay trở lại làm việc sau tết” - ông Lưu Kim Hồng nói.
Trước dịch COVID-19, mỗi tháng, Công ty cổ phần Thực phẩm Nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) xuất khẩu được 650 tấn hàng hóa các loại nhưng nay giảm còn khoảng 450 tấn khiến thu nhập của người lao động cũng giảm theo.
Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Agrex Sài Gòn - dự báo, đơn hàng của công ty sẽ tiếp tục giảm cho đến hết tháng 6/2023 do nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu chính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu giảm. Tuy vậy, dù có lỗ, các cổ đông vẫn nhất trí đảm bảo thưởng cuối năm cho người lao động với mức bằng 1 tháng lương trở lên, tức bằng hoặc cao hơn năm ngoái, đồng thời còn thưởng quà tương đương với 1/4 tháng lương.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtex), Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 - nói, năm nay, ngành dệt may vẫn đảm bảo mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỉ USD nhờ các đơn hàng hồi đầu năm. Từ tháng 9/2022 đến nay, tốc độ xuất khẩu đã giảm, có tháng chỉ bằng 48% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may đều chuẩn bị sẵn phần lợi nhuận tích lũy của các tháng đầu năm để chăm lo cho người lao động dịp cuối năm, đều thưởng tết từ 1-1,5 tháng lương. Riêng Sài Gòn 3 thưởng 1,5 tháng lương.
“Có thể DN sẽ thưởng trước 1 tháng lương để người lao động có tiền ăn tết, phần còn lại sẽ để thưởng sau tết để người lao động có tiền trang trải khi quay trở lại làm việc. Tình hình khó khăn của thị trường còn kéo dài đến hết quý I/2023. Các DN đã chuẩn bị ứng phó với khó khăn này, đưa ra phương án giảm giờ làm để duy trì sản xuất” - ông Phạm Xuân Hồng thông tin.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony - cho hay, năm nay, Dony sẽ thưởng 1 tháng lương, tương đương năm ngoái. Người lao động nào muốn về quê sớm để mua được vé rẻ thì Dony giải quyết cho nghỉ sớm mà không cắt tiền chuyên cần.
Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM - năm nay, các DN thành viên không có lợi nhuận nhưng vẫn xoay xở để thưởng năm cho người lao động.
Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ
Theo dự báo của giới doanh nhân, tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2023. Do đó, Chính phủ cần có các chính sách đột phá, kịp thời để giúp DN duy trì sản xuất, giữ chân người lao động.
|
Các doanh nghiệp mong có nhiều chính sách hỗ trợ họ giữ chân người lao động (trong ảnh: Công nhân của Công ty Agrex Sài Gòn được hứa thưởng tết với mức bằng 1 tháng lương trở lên) - Ảnh: Thanh Hoa |
Theo ông Phạm Quang Anh, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, như chính sách ổn định giá xăng dầu: “Vừa qua, tôi sang các nước châu Âu và Trung Đông thì thấy giá xăng dầu ở đó lên tới 45.000 đồng/lít”. Nhưng theo ông, các DN vẫn mong có thêm các chính sách hỗ trợ khác. Hiện mức lãi suất cho DN vay đã vượt 10%/năm, thậm chí lên 12,5 - 13,5%/năm, vượt xa mức 8 - 9%/năm hồi đầu năm 2022. Các DN mong mức lãi suất cho DN sản xuất vay ổn định, bằng mức đầu năm 2022 hoặc không vượt quá 10%/năm.
Ông nói: “Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% chỉ có hiệu lực đến tháng 1/2023. Mức thuế này sẽ được hoàn, nhưng DN sẽ gia tăng áp lực tài chính thêm 2% trong thời gian tới. Nếu được, Chính phủ nên kéo dài chính sách này thêm ít nhất từ 6-12 tháng nữa. Các DN ngành dệt may có rất đông công nhân nên chi phí tiền công, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn rất lớn. Nếu được, nên có chính sách giảm mức phí bảo hiểm xã hội từ 32,5% tổng quỹ lương xuống dưới 30% hoặc cho phép DN đóng trễ khoảng 2 tháng. Nếu nguồn chi phí nào cũng tăng, lợi nhuận lại không có thì DN sẽ dễ cắt giảm nguồn lao động”.
Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, nhiều DN dệt may kiến nghị bỏ luôn VAT để giảm áp lực tài chính cho DN. Theo quy định, nếu DN sử dụng nguyên liệu nhập khẩu thì không mất thuế, còn nếu dùng nguyên liệu trong nước để xuất khẩu thì phải nộp thuế VAT 10% (đang được giảm còn 8%); sau đó, nếu chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu, DN sẽ được hoàn lại số thuế đã tạm ứng này. Không ít DN phải vay ngân hàng để nộp phần thuế này nhưng thủ tục hoàn thuế kéo dài, vốn của DN bị treo lâu, số lãi vay cũng không được hoàn lại, gây lãng phí tài chính của DN. Đó là chưa kể, DN phải tốn nhân lực để phụ trách, theo dõi thủ tục hải quan.
Biến động về tỉ giá tiền đồng, tiền USD cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN. Ông Phạm Hải Long cho biết, chi phí tài chính của hầu hết DN tăng thêm hơn 100% so với cùng kỳ năm 2021 do lỗ tỉ giá từ nhập khẩu nguyên liệu và nợ vay bằng USD. Theo ông, chính sách điều hành tỉ giá thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước rất tốt nhưng không ít DN chịu khoản lỗ lớn từ chênh lệch tỉ giá. Trong thời gian tới, các DN rất mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách ổn định tỉ giá tốt để hỗ trợ DN.
Theo ông Lưu Kim Hồng, gần đây, người lao động nghỉ việc nhiều một phần do chính sách bảo hiểm xã hội có những thay đổi theo hướng chưa rõ ràng. Chính sách này cần phải ổn định. Ông dẫn chứng, trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì chỉ được nhận 8% lương cơ sở đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội thay vì 22% như quy định hiện hành; 14% của người sử dụng lao động đóng sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ, nhằm hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Ông thắc mắc, 14% để lại quỹ sẽ chia sẻ với ai? Nếu không làm rõ khoản này, người lao động sẽ cho rằng chính sách dự kiến này gây bất lợi cho họ. Họ sẽ chấp nhận nghỉ việc ở DN để ra ngoài làm thời vụ nhằm rút bảo hiểm xã hội 1 lần trước khi chính sách này có hiệu lực. Ông nói: “Người soạn thảo chính sách nên lắng nghe ý kiến của người lao động để đưa ra chính sách xác đáng. Hãy để người lao động thấy được lợi ích thật sự của bảo hiểm xã hội và tự nguyện tham gia”.
Miền Tây: Thưởng tết chênh lệch cao Ngày 22/12, theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 108 DN chưa dự kiến thưởng tết Quý Mão 2023. Trong 578 DN đã dự kiến thưởng tết, mức thưởng cao nhất là 137,9 triệu đồng/người (thuộc DN có vốn đầu tư nước ngoài), mức thưởng bình quân là 7,75 triệu đồng/người và mức thưởng dự kiến thấp nhất 300.000 đồng/người. Tại Đồng Tháp, ông Trần Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Hùng Cá (huyện Thanh Bình) - cho hay, năm nay do tình hình sản xuất ổn định nên công ty dự kiến thưởng tết Nguyên đán 2023 cho công nhân với mức bình quân 2,5 tháng lương/người. Hiện công ty có khoảng 7.000 công nhân, mức lương bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Tại An Giang, ông Nguyễn Hữu Giang - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - cho hay: “Chúng tôi vừa nắm tình hình chung tại 2 khu công nghiệp của tỉnh là Bình Hòa và Bình Long với hơn 16.000 công nhân làm việc. Hầu hết các chủ công ty, đơn vị đều thông báo sẽ thưởng lương tháng 13 cho công nhân. Liên đoàn lao động tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch hỗ trợ tết cho khoảng 10.000 lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi người 500.000 đồng…”. Huỳnh Trọng |
Thanh Hoa