Xoay xở đủ cách để chị em có việc

31/08/2023 - 06:24

PNO - Trong khi nhiều công ty lớn phải sa thải hàng ngàn công nhân vì không có việc làm thì bà chủ xưởng may Yến Linh vẫn cố gắng duy trì việc làm, thu nhập và sự chăm lo cho hơn 50 lao động nữ.

Chia đều việc để ai cũng có thu nhập

Xưởng may Yến Linh của chị Bùi Thị Yến Linh - (48 tuổi) Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 12, khu phố 4, phường An Phú Đông, quận 12 - nằm trong hẻm nhỏ trên đường Vườn Lài, khu phố 4, phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM. Cả năm nay, người vào ra giao - nhận hàng không còn tấp nập như trước, nhưng 40 chiếc máy may vẫn chạy ro ro. 

Ở một góc, mấy chị em mới  vào nghề đang nghe chị chủ giải thích cách kiểm đếm, phát hiện lỗi trên sản phẩm. “Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành dệt may, không để anh chị em thất nghiệp nên tôi phải xoay xở đủ cách. Đầu tiên là nhận đặt hàng từ các cửa hàng thời trang với số lượng hạn chế và mình phải lo trọn gói từ khâu thiết kế đến chọn vải, gia công thành phẩm mà thù lao chỉ bằng một nửa trước đây. Kế đến, tôi liên hệ, đàm phán nhận gia công quần áo cho một công ty của Đài Loan, Malaysia. Ban đầu họ chỉ đặt 500-1.000 sản phẩm. Thấy mình làm được, dần dà họ mới giao số lượng lớn hơn” - chị Linh thông tin.  

Chị Linh (thứ hai từ phải qua) tận tình chỉ dẫn chị em từng đường may, kiểm đếm và xác định lỗi trên sản phẩm
Chị Linh (thứ hai từ phải qua) tận tình chỉ dẫn chị em từng đường may, kiểm đếm và xác định lỗi trên sản phẩm

Hầu hết nhân công của xưởng đều là phụ nữ ngoại tỉnh, tới thuê trọ quanh khu vực An Phú Đông. Ngoài 40 người làm việc tại chỗ còn hơn 10 chị nhận hàng về nhà tranh thủ làm bên cạnh việc chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già và chu toàn việc gia đình.

Trước dịch COVID-19, mỗi tháng xưởng nhận đơn hàng lên tới 50.000 sản phẩm, thu nhập hằng tháng của mỗi công nhân khoảng 7-8 triệu đồng. Còn hiện tại, đơn hàng giảm nhiều nên thu nhập chỉ còn 5-6 triệu đồng. Chị Nguyễn Minh Thu - gắn bó với xưởng may Yến Linh đã gần 10 năm - kể: chị từng làm công nhân may hơn 8 năm. Đến năm 2013, khi con gái chào đời và không được khỏe nên chị phải nghỉ việc để chăm con. Vừa lo cho con, vừa bị áp lực kinh tế nên tinh thần của chị lúc ấy xuống thấp. Thấy vậy, chị Linh bảo lúc nào rảnh thì tới xưởng của chị làm, kiếm được đồng nào hay đồng đó. “Làm với chị không sợ thất nghiệp, dù là trong thời điểm hiện tại đang rất khó khăn, bởi chị luôn nỗ lực xoay xở, chia đều công việc để ai cũng có thu nhập” - chị Thu cho biết. 

"Tôi có cơm ăn, chắc chắn chị em không phải chịu đói"

“Khó lắm” - chị Bùi Thị Yến Linh bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình. Là chị cả của 5 chị em, lại mồ côi cha từ nhỏ nên chị nhận lãnh tránh nhiệm phụ mẹ gồng gánh nuôi các em. 16 tuổi, chị rời quê nhà ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lên TPHCM mưu sinh. “Trên mặt tôi bị một bớt đen phủ kín từ trán xuống nửa mặt bên phải từ khi mới lọt lòng, nên ngày tôi rời quê, mẹ và ông bà ngoại đều lo con cháu mình sẽ bị người đời cười chê, trêu ghẹo. Nhưng tôi quả quyết sẽ lấy sự chăm chỉ, nhẫn nại để bù lại khiếm khuyết” - chị Linh kể lại. Lên thành phố, ban ngày chị đi may gia công ở xưởng, tối về chị nhận móc tóc, làm lông mi giả kiếm thêm tiền gửi về nuôi các em ăn học. 

Năm 2007, chị lập gia đình, anh xã là nhân viên bán xăng, và sống trong căn nhà cấp 4, mùa mưa nước dột không có chỗ ngả lưng. Sinh con đầu lòng, bé bệnh liên miên, thời gian đi viện nhiều hơn ở nhà, chị phải nghỉ việc công ty để ở nhà lo cho con, rồi vét hết tiền tích góp mua máy may để nhận gia công đồ bộ, áo thun.

Ban đầu chỉ có 1 máy, nhưng sau đó chị gom góp mua dần được 5 máy, rồi 10 máy, và mời gọi chị em đến làm cùng. Để có hợp đồng gia công, chị đi gõ cửa từng công ty, từng cửa hàng thời trang, kiên trì may tại chỗ cho người ta kiểm tra cho tới khi ưng ý. 

Hiện tại, ngoài xưởng may tại phường An Phú Đông, chị Linh còn đầu tư cho 2 em trai dưới quê mở xưởng với tổng cộng 40 máy may. Nguồn hàng do chị gửi về, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Và dù phải đối mặt với nhiều thách thức, chị Linh vẫn giữ những chăm lo ân cần cho người lao động. Mức thưởng tết từ 1-2 tháng lương tùy người.

Những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật thì được tặng bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo. Chị em khi sinh nở cũng được giúp tiền, tã, sữa. Con em công nhân học giỏi được tặng tập, sách, học bổng. 

Chị Linh cho biết, đang ấp ủ kế hoạch thành lập cửa hàng thời trang hoạt động song song với xưởng may, chị sẽ tự thiết kế mẫu và thuê nhân viên bán hàng, quảng bá sản phẩm.

“Mong mỏi lớn nhất của tôi là tạo việc làm cho ngày càng nhiều lao động nữ. Tôi thường nói với chị em, giai đoạn này ai cũng khó khăn, đơn hàng ít, thù lao thấp, nhưng hãy tin tưởng và đồng hành cùng tôi. Đi với nhau đường dài, tôi có cơm ăn thì chắc chắn chị em không phải chịu đói” - chị Linh khẳng định. 

Mẫn Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI