PNO - Sau hai năm phải gián đoạn do dịch bệnh, Hội LHPN TP.HCM đã mở lại sân chơi “Cà phê khởi nghiệp”. Đây là diễn đàn cho các nữ doanh nhân chia sẻ những kinh nghiệm vượt khó trong sản xuất kinh doanh và truyền lửa đam mê cho những người đang khởi sự, khởi nghiệp.
“Làm kinh tế vốn không dễ, nói chi gặp thời dịch bệnh. Hai năm chịu đựng, đau thương nào tôi cũng đã trải qua”, chị Lê Thị Bích Thủy - Giám đốc Hợp tác xã Chuỗi giá trị Về Quê - mở đầu câu chuyện kinh doanh thời dịch bệnh của mình tại chương trình “Cà phê khởi nghiệp” do Hội LHPN Q.5 tổ chức.
5 năm trước, từ một người có kinh nghiệm trong ngành kế toán - tài chính, chị Thủy đã từ bỏ công việc đang làm để dấn thân vào sản xuất nông sản hữu cơ với mô hình tái tạo, khép kín. Nhưng chỉ được một thời gian thì khó khăn cứ liên tục ngáng đường khiến chị phải tạm dừng để rẽ sang hướng khác. Theo đó, chị kết hợp với những người bạn trong Hợp tác xã Chuỗi giá trị Về Quê để cung cấp thực phẩm thủy hải sản và rau củ quả dưới dạng cung cấp các combo món ăn hằng ngày cho bữa ăn gia đình, đồng thời vẫn sản xuất một số mặt hàng như nấm và rau củ.
“Trước khi thực hiện mô hình kinh doanh đó, tôi đã có ý tưởng sẽ thực hiện những phần mềm trải rộng như một mạng lưới có tính năng liên kết, nắm bắt, quản lý nhu cầu hội viên từ thành phố đến các phường và đến từng căn hộ” - chị Bích Thủy chia sẻ. Thế nhưng, loay hoay mãi chị vẫn không tìm được giải pháp để hiện thực hóa ý tưởng. Cùng với nó, khâu vận chuyển hàng hóa lại bị đứt gãy do giãn cách xã hội, khiến kết nối của chị với khách hàng bị gián đoạn.
Đến với chương trình “Cà phê khởi nghiệp” vừa được Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 26/3, chị Đặng Thị Thanh Thủy - Giám đốc Công ty cổ phần Bến Sạn Tây (TP.Thủ Đức) - cũng mang theo không ít trăn trở.
Công ty Bến Sạn Tây của chị Thanh Thủy kinh doanh hoa lan. Nhưng để có thêm nguồn khách đến tham quan, chị dành một góc để trưng bày sản phẩm và bán cà phê. Sau thời gian chuẩn bị, đến đầu năm 2021, khi thấy đủ lực chị Thanh Thủy mới dám thành lập công ty và một cửa hàng trưng bày ở TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Được vài tháng thì hoạt động của cửa hàng bị gián đoạn vì dịch. Sợi dây liên kết với khách hàng trở nên mong manh, việc mua bán trực tiếp tại cửa hàng chựng lại.
Chị Lê Thị Bích Thủy (bên trái) - Giám đốc Hợp tác xã Chuỗi giá trị Về Quê - chia sẻ tại chương trình “Cà phê khởi nghiệp” do Hội LHPN Q.5 tổ chức
Con đường trở thành nhà nông của chị Thanh Thủy cách đây hơn mười năm, khi chị bắt đầu học trồng hoa lan mokara cắt cành. Mỗi ngày chị chạy xe máy hàng chục cây số về H.Củ Chi xin phụ việc cho các nhà vườn để vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Cùng lúc đó, chị cũng bắt đầu thử nghiệm trồng lan trên 300m2 đất. Nhưng do thiếu kinh nghiệm nên chị đã gặp không ít thất bại, có lúc mất trắng cả vườn hoa đang nở rộ vì thời tiết, sâu bệnh. Nhưng chị đã không chùn bước mà kiên trì gầy dựng lại.
Vài năm trở lại đây, khi thị trường hoa lan cắt cành không còn sôi động, chị Thanh Thủy nhanh chóng chuyển sang trồng lan hồ điệp. Chị còn phát triển ươm thêm các giống cây như hoa mai, tùng; mua thêm nhiều giống hoa từ nhiều nhà vườn khác để đa dạng nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Nhưng như chị nói: “Đến hiện tại, công việc kinh doanh tuy vẫn có thể duy trì, đảm bảo việc làm cho khoảng 50 nhân công, nhưng chỉ ở mức “cầm chừng”. Để phát triển công ty trong những năm tiếp theo, tôi đang tìm cách ứng dụng lợi thế của công nghệ để có thể chủ động trong công tác quản lý nguồn nhân lực và phát triển kinh doanh, nhưng vẫn còn loay hoay và chưa biết bắt đầu từ đâu”.
Công nghệ số- hướng đi tất yếu Chương trình “Cà phê khởi nghiệp” trở lại đã mở ra một bầu không khí hứng khởi cho các nữ doanh nhân và cả nhóm phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp khi được các chuyên gia và nữ doanh nhân thành công chia sẻ nhiều “bí quyết” vận hành doanh nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu trong nền kinh tế số…
Doanh nhân Uông Kim Đài - Chủ cửa hàng len sợi mỹ thuật Kim và Cọ - cho biết: “Tôi cùng doanh nghiệp đang muốn có những bước “trở mình” trong kinh doanh bằng việc ứng dụng công nghệ số vào việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, để mỗi khi khách hàng tìm kiếm sản phẩm sẽ nhớ đến mình”.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo - Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số hóa của PNJ - khuyên: “Trong công nghệ số, quyền lực chuyển về phía khách hàng nhiều hơn, vậy nên kênh truyền thông hiệu quả nhất chính là khách hàng. Hãy để mỗi khách hàng là một đại sứ thương hiệu sản phẩm cho chúng ta”. CEO Hoàng Thái Tú cho rằng: “Chuyển đổi mô hình kinh doanh sang kỹ thuật số sẽ giúp khách hàng có thể tìm chúng ta từ internet. Doanh nghiệp sẽ có một lượng khách hàng lớn thông qua mạng internet”.
Chuyên gia và nữ doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trong nền kinh tế số
Theo ông Tú, cái khó của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là nhận thức của người quản lý, nhân viên vẫn chưa quen với việc ứng dụng công nghệ số vào trong sản xuất kinh doanh, quản trị cũng như truyền thông bán hàng. Để giải quyết vấn đề này, cách duy nhất là người chủ doanh nghiệp phải học để có cái nhìn rõ hơn về tư duy chuyển đổi số, tìm kiếm giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp của mình. Doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược chuyển đổi một cách thận trọng, từng bước. Doanh nghiệp có thể nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia cũng như công cụ hỗ trợ từ công nghệ, tận dụng các nền tảng hỗ trợ kinh doanh như phần mềm quản trị nhân sự, đào tạo trực tuyến, quản trị đo lường hiệu quả công việc, hệ thống quản trị trong sản xuất, điều hành doanh nghiệp cũng như các phần mềm bán hàng trên các kênh online… Với những doanh nghiệp nhỏ chưa đủ tiềm lực về tài chính có thể chọn phương án thuê phần mềm để tiết kiệm chi phí. Dù trong bất kỳ giai đoạn nào, kinh doanh quan trọng nhất vẫn là chất lượng, từ đó mới bắt đầu tính đến chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh truyền thông. Doanh nghiệp nếu biết tận dụng thế mạnh kinh doanh trong nền kinh tế số chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu chi phí; tiếp cận nhiều dịch vụ quảng bá sản phẩm cũng như nguồn khách hàng tiềm năng.
Chiều ngày 16/1, Hội LHPN, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, các Câu Lạc bộ, doanh nghiệp tổ chức chương trình họp mặt “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình”.