Xoay xở để hỗ trợ công nhân mất việc

09/11/2022 - 11:52

PNO - “Năm ngoái, chúng tôi chao đảo vì dịch COVID-19. Năm nay, sắp hết năm thì công ty thông báo cắt giảm lao động” - chị Nguyễn Thị Loan buồn rầu. Chị Loan là một trong số hàng ngàn người lao động ở TPHCM sẽ bị cho nghỉ việc vào cuối tháng 11 này do công ty không có đơn hàng.

 Cuối năm, phập phồng vì mất việc

16g30, khi tiếng chuông báo tan ca của Công ty TNHH Tỷ Hùng (P.An Lạc, Q.Bình Tân) reo lên, chị Nguyễn Thị Loan - 46 tuổi, quê ở tỉnh Trà Vinh - xách bịch đậu que mà đồng nghiệp vừa cho, lững thững đi bộ về nhà trọ, cách công ty vài chục bước chân. Chị đứng trước cửa căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 nhìn xa xăm cho đến khi chúng tôi đến bắt chuyện.

Liên đoàn Lao động TP.HCM và các đoàn thể đã có kế hoạch chăm lo để giúp người lao động bớt chật vật khi bị mất việc làm (trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng tan ca, chiều 7/11) ẢNH: S.V.
Liên đoàn Lao động TPHCM và các đoàn thể đã có kế hoạch chăm lo để giúp người lao động bớt chật vật khi bị mất việc làm (trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng tan ca, chiều 7/11) ẢNH: S.V.

Gần 20 năm trước, chị Loan cùng chồng rời Trà Vinh đến TPHCM lập nghiệp. Chị may mắn được Công ty TNHH Tỷ Hùng nhận vào làm với mức lương ổn định, còn chồng chị chạy xe ôm, cũng đủ tiền cơm nước qua ngày. Tuy nhiên, hai năm qua, biến cố dồn dập đến khiến chị muốn kiệt sức. Đại dịch COVID-19 lắng xuống chưa bao lâu thì đến giữa năm 2022, chồng chị bị u não, phải điều trị rất tốn kém. 

Cuối tháng Mười, khi bệnh tình của chồng chuyển nặng, thấy ở phòng trọ chật hẹp, bệnh tình khó thuyên giảm, chị Loan bàn với chồng để anh về quê dưỡng bệnh, còn chị ở lại làm việc, kiếm tiền chi tiêu cuối năm. “Không ngờ, ổng vừa về quê thì tôi nhận được tin công ty khó khăn, thiếu đơn hàng nên cắt giảm cả ngàn người, trong đó có mình” - chị Loan kể.

Sau gần 20 năm gắn bó với Công ty TNHH Tỷ Hùng, chị Loan nhận xét, công ty có chế độ đãi ngộ công nhân rất tốt và chị muốn làm ở đây cho đến ngày nghỉ hưu. Chị Loan và các công nhân khác đều hiểu rằng, việc cắt giảm lao động lần này là “chẳng đặng đừng”, bởi công ty đang rất khó khăn về đơn hàng. Chị tâm sự: “Bây giờ, tôi vừa làm, vừa chờ đến ngày mất việc. Công ty dự kiến sẽ cắt giảm lao động vào ngày 30/11 tới. Tới ngày đó, tôi mới đi tìm việc làm, nếu không có thì đành về quê. Ở tuổi này rồi, cũng khó tìm được việc”. 

“Xóm trọ 35” nằm đối diện cổng Công ty TNHH Tỷ Hùng là nơi ở của trên 50 nữ công nhân công ty này. Những ngày qua, sau khi nghe công ty thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 công nhân do không có đơn hàng, không khí khu trọ trở nên ảm đạm. Chị Trần Thị Giúp - quê ở tỉnh Đồng Tháp, ở trọ trong xóm này - nói, hay tin mình trong danh sách bị cắt giảm lao động, cả tuần nay, chị rối bời. Chị lo mình gần 50 tuổi rồi, không biết có công ty nào nhận vào làm hay không. Nếu chị thất nghiệp, gia đình chị sẽ rất khó khăn vì mọi thứ đều trông chờ vào tiền lương công nhân ít ỏi của chồng chị.

Mới đây, Công ty TNHH Việt Nam Samho (H.Củ Chi) cũng vừa gửi văn bản cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, thông báo sẽ cắt giảm gần 1.500 công nhân do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều công nhân tỏ ra lo lắng bởi rất khó kiếm lại việc làm vào cuối năm, trong khi tết lại đang đến gần. 
Chị Võ Thị Bích Phương - quê ở tỉnh Đồng Nai - cho biết, đầu tháng 11 vừa qua, chị nhận được tin công ty cắt giảm lao động. 10 năm qua, chị làm công nhân, còn chồng làm lao động tự do. Với mức lương 8,5 triệu đồng/tháng, chị phải rất chật vật duy trì cuộc sống, lo cho con ăn học. Bây giờ, nếu chị thất nghiệp, gia đình chị chỉ còn cách về quê sinh sống. Nhưng ngặt nỗi, anh chị cũng chẳng có ruộng vườn ở quê. “Chắc sang tuần sau, khi tan ca, em sẽ lấy xe chạy vòng vòng để xem chỗ nào tuyển người thì xin vô làm, kiếm ít đồng lo tết” - chị Bích Phương tâm sự.

Tìm nhiều cách hỗ trợ người lao động

Những ngày này, đoạn đường từ công ty ở Q.Bình Tân về nhà (H.Đức Hòa, tỉnh Long An) với chị Mai Thị Hằng dường như xa hơn gấp bội. Chị kể, sau dịch COVID-19, đến gần cuối năm 2021, chị may mắn tìm được việc làm ở TPHCM. Mỗi ngày, chị đi và về gần 100km nhưng chị chưa bao giờ nản lòng. Chị kể: “Hôm rồi, nghe tin công ty cắt giảm lao động, tôi choáng váng. Mấy hôm nay, trên đường đi làm về, tôi ngó nghiêng, ngó dọc coi có nơi nào tuyển không nhưng chưa thấy. Nghĩ về cái tết, tôi tự dưng muốn khóc”.
Được biết, cả công ty Tỷ Hùng và Việt Nam Samho đều hoạt động ở lĩnh vực giày da. Đa phần người mất việc lần này là lao động nữ, nhiều người đã lớn tuổi. Do đó, họ rất trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Lãnh đạo UBND Q.Bình Tân cho biết, các đoàn thể của quận sẽ liên hệ các chủ nhà trọ để có chính sách hỗ trợ công nhân mất việc
Lãnh đạo UBND Q.Bình Tân cho biết, các đoàn thể của quận sẽ liên hệ các chủ nhà trọ để có chính sách hỗ trợ công nhân mất việc

Chị Nguyễn Thị Loan cho biết, khi nhận được tin mất việc, công nhân rất buồn và lo lắng. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của công đoàn và các cơ quan chức năng nên công nhân cũng cảm thấy được an ủi. Chị nói: “Mất việc thì ai cũng buồn, nhưng chúng tôi không trách hay giận gì ban giám đốc công ty. Không có đơn hàng, họ còn đau đầu hơn mình nhiều. Giờ chúng tôi chỉ mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ, sớm tìm được việc làm để đón tết”.

Ngay khi nhận được thông tin Công ty TNHH Tỷ Hùng có kế hoạch cắt giảm lao động, Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân đã gửi văn bản đề nghị công ty này thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách đã cam kết, thỏa thuận với người lao động. Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân cũng liên hệ với công đoàn cơ sở các công ty trong quận để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng. 

Hiện tại, chi nhánh trong khu công nghiệp Tân Bình của Công ty may An Phước đã treo bảng tuyển dụng công nhân trước cổng Công ty Tỷ Hùng. Công ty Kangen ở Q.Bình Tân cũng liên hệ với công đoàn cơ sở Công ty Tỷ Hùng để thông báo nhu cầu tuyển dụng. Về phần mình, Ban Giám đốc Công ty Tỷ Hùng cũng thông báo sẽ ưu tiên bố trí người lao động có nhu cầu vào làm việc ở hai chi nhánh của Tỷ Hùng ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. 

Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho hay, cuối tháng này, Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân sẽ trích kinh phí chăm lo cho các công nhân trong diện bị cắt giảm 500.000 đồng/người (phần quà trị giá 300.000 đồng và tiền mặt 200.000 đồng). Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tỷ Hùng cũng sẽ hỗ trợ mỗi công nhân 500.000 đồng, chuyển vào tài khoản.

Quận ủy, UBND Q.Bình Tân đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các đoàn thể theo sát tình hình đời sống của công nhân. Quận đoàn, Hội LHPN quận cũng có kế hoạch liên hệ các chủ nhà trọ để hỗ trợ công nhân. Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Tỷ Hùng, hai bên đã nhất trí về thời gian trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Được biết, khi trả sổ bảo hiểm xã hội, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM sẽ tư vấn về chính sách học nghề, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, đã yêu cầu công đoàn các cấp và các đơn vị trực thuộc phối hợp kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình người lao động trong các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, tạm ngưng hoạt động để có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho người lao động. Ở các đơn vị sắp cắt giảm lao động, công đoàn các cấp sẽ giám sát việc thực hiện phương án sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM - cho biết công đoàn có chương trình hỗ trợ cho nhóm lao động mất việc, ngưng việc. Theo bà Diệu Thúy, Thành ủy TPHCM cũng đang xây dựng phương án hỗ trợ trong tình huống có nhiều người lao động bị cho thôi việc dịp gần tết Nguyên đán, vì vậy, Liên đoàn Lao động TPHCM sẽ đẩy nhanh tiến độ khảo sát để báo cáo cấp trên cũng như xác định các biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Phải tăng cường sản xuất và tiêu thụ trong nước

Theo bộ phận nghiên cứu toàn cầu của HSBC - ngân hàng đầu tư đa quốc gia - do nền kinh tế Việt Nam có độ mở về xuất khẩu nên những biến động trên thế giới bắt đầu ảnh hưởng đến việc sản xuất trong nước. Từ khi kiểm soát được dịch COVID-19 và mở cửa biên giới vào năm ngoái, Việt Nam nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất và luôn tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tháng Mười năm nay, tăng trưởng chỉ ở mức 9%. Nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu sụt giảm khiến đơn hàng xuất khẩu giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) đã có dấu hiệu giảm tăng trưởng dù đã tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mùa mua sắm cuối năm đang đến gần nhưng nhu cầu đặt hàng điện tử và may mặc lại suy yếu do các nước Âu Mỹ đang phải đối mặt với lạm phát và lượng hàng tồn kho cao. Xuất khẩu trong quý IV của Việt Nam khá yếu, riêng tháng Mười chỉ tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hàng tiêu dùng - nhất là hàng may mặc, vốn là trụ cột xuất khẩu trong quý III/2022 - bắt đầu cho thấy dấu hiệu chững lại. Nhập khẩu hàng điện tử sụt giảm đợt thứ ba liên tiếp. 

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - vốn đóng góp chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu - cũng đang phải đối mặt với khó khăn. Ông Steven Okun - Cố vấn cấp cao tại Công ty Tư vấn McLarty Associates - phân tích: “Cú sốc lạm phát toàn cầu làm giảm tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều nước trên thế giới nằm bên bờ vực suy thoái kinh tế là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Các công ty FDI cũng phải tạm hoãn các kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam”.
Theo ông Steven Okun, giải pháp dài hạn để giảm thiểu tác động từ bên ngoài là tăng cường sản xuất và tiêu thụ trong nước. Việt Nam phải tự do hóa thị trường đầu tư để tạo một sân chơi bình đẳng giữa các công ty trong và ngoài nước, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đáp ứng thông lệ toàn cầu về các vấn đề kinh doanh.

Mỹ Huyên 

Sơn Vinh-Huyền Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI