Những kiểu bán hàng độc đáo trong mùa dịch

18/04/2020 - 07:38

PNO - Trong mùa dịch COVID-19, khi mọi người ít ra đường, hạn chế tập trung nơi đông người, dân kinh doanh đã tìm đủ mọi cách để phục vụ tận nơi cho… “thượng đế”.

Phở “ròng rọc”, cà phê “cần câu”

Trong khi các hàng ăn bán buôn ế ẩm mùa dịch, thì quán phở Nhân (Q.Tân Phú, TP.HCM) lại đắt khách thấy rõ từ ngày lắp thêm hệ thống ròng rọc giao hàng khi khách đứng cách xa 2m.

Ông Lê Hoài Nhân, chủ quán - người sáng chế chiếc ròng rọc - chia sẻ, để làm được chiếc ròng rọc này, ông chỉ mất chi phí vài trăm ngàn đồng và hơn ba giờ lắp đặt. Ròng rọc có kết cấu khá đơn giản với đường ray, bánh xe được gắn vào rổ làm bằng bạc đạn di chuyển trên khung sắt. Hệ thống ròng rọc có chiều dài 3,5m, được bôi trơn bằng dầu ăn. 

Khách đến sẽ đứng bên ngoài gọi đồ ăn, đưa tiền vào khay đựng. Vài phút sau, các phần phở được người bán chuẩn bị xong, đưa ra ròng rọc cùng tiền thừa trả khách. Với cách làm sáng tạo, khách đến mua phở được nhận hàng, trả tiền, thối tiền ở một khoảng cách an toàn, không phải tiếp xúc trực tiếp ở khoảng cách gần. 

Phở “ròng rọc” ở Q.Tân Phú đắt hàng mùa COVID-19
Phở “ròng rọc” ở Q.Tân Phú đắt hàng mùa COVID-19

Bên ngoài, ông Nhân cũng đặt chai nước rửa tay cho người đến mua phở sử dụng. Quanh quán đều dán đầy đủ các cảnh báo nhắc nhở: “Phở bán mang về”, “Vì sức khỏe cộng đồng, đứng cách xa 2m”… “Dịch Covid-19 kéo dài khiến công việc buôn bán ảnh hưởng phần nào. Tuy nhiên, nhờ có hệ thống ròng rọc này mà khách mua phở vẫn lui tới quán nhiều” - ông Nhân cho hay.

Khách muốn mua cà phê phải đứng vào vị trí được đánh dấu sẵn. Sau khi khách chọn món uống, nhân viên bên trong sẽ chuyển cà phê cho khách bằng cần câu dài. Cần câu có nhiệm vụ chuyển cà phê cùng với một ly trống để khách bỏ tiền thanh toán trước khi rời đi. Quy trình từ pha cà phê đến tay khách mất khoảng 2 phút. Đó chính là cách thức mua bán cà phê tại quán Coffee Bike (Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM) thời gian gần đây.

Theo anh Hoàng Văn Tiễn, chủ quán Coffee Bike, cách bán hàng này được anh học hỏi trên mạng xã hội ở các nước áp dụng bán hàng không tiếp xúc. Do anh hay đi câu cá nên dùng luôn cần câu có sẵn để giao cà phê cho khách. “Không khí buôn bán trong mùa dịch COVID-19 buồn quá. Do vậy, tôi cũng muốn mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng. Sau khi dịch qua đi, nếu mình vẫn còn tinh thần sáng tạo “xa hai mét” thì quá tốt” - anh Tiễn bộc bạch.

Trên nhiều tuyến đường, hệ thống rau má Mix kẻ vạch đỏ, chăng cả dây trước quán để khách giữ khoảng cách. Mọi giao dịch được thực hiện thông qua chiếc gậy có gắn giỏ, khách đưa tiền, nhận hóa đơn, lấy tiền thừa đều được tiến hành qua “phương tiện” này. Thức uống sau khi pha chế sẽ được cho vào khay, đẩy tới trước vị trí của khách. Nguyễn Thị Kiều (20 tuổi, sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM) vui vẻ: “Mặc dù bán mang đi nhưng nhiều quán có kiểu giao hàng độc đáo làm khách hàng ngạc nhiên lẫn thích thú. Đây là cách kinh doanh sáng tạo “trong cái khó ló cái khôn” thời COVID-19”.

Ship đầu bếp “5 sao” đến tận nhà

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách thức vận hành dịch vụ của nhiều nhà hàng cao cấp, trong đó có nhiều khách sạn tại TP.HCM. Hình thức giao hàng tận nơi cho các đơn hàng nhỏ vốn không phổ biến, nay được nhiều khách sạn lớn áp dụng đồng loạt.

Khách đến mua cơm được bố trí ngồi giữ khoảng cách an toàn
Khách đến mua cơm được bố trí ngồi giữ khoảng cách an toàn

Nếu trước đây, khách sạn Rex chỉ phục vụ những khách hàng thân quen thì nay khách sạn năm sao này triển khai rộng rãi cho nhiều đối tượng ở công sở để giữ chân khách. Khi nhận được đơn đặt hàng qua điện thoại, nhân viên khách sạn sẽ giao tận nơi và nhận tiền trực tiếp từ khách hàng. Mỗi bữa ăn sáng và combo trưa do khách sạn phục vụ theo hình thức này có giá trọn gói từ 335.000 đồng.

Một khách sạn năm sao khác là Park Hyatt Saigon có chương trình gửi đầu bếp đến nhà để chế biến, phục vụ món bò Wellington theo phong cách của Park Hyatt. Khách hàng sẽ được đầu bếp năm sao chế biến, phục vụ và hướng dẫn cách ăn đúng điệu nhất, đi kèm với món ăn phụ. Thậm chí, khách sạn này cũng cử cả bartender chuyên nghiệp đến tận nhà với giá một triệu đồng/giờ/bartender cùng lựa chọn thực đơn thức uống độc quyền và món ăn nhẹ.

Để trụ được trong mùa dịch, website chuyên về du lịch trực tuyến Ivivu.com cũng lấn sân bán và phục vụ tận nhà combo cơm trưa dành cho công nhân viên. Trên nền tảng công nghệ có sẵn, Ivivu liên kết các nhà hàng, giao cơm tận nhà cho khách và miễn phí giao hàng tại khu vực quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh.

“Vài tuần nay, bộ phận phụ trách ẩm thực của khách sạn nỗ lực chăm sóc khách hàng, như gọi điện thoại thăm hỏi khách hàng thân thiết, giới thiệu các món ăn, nhận lịch hẹn đặt hàng từ khách… Khách không ra ngoài được trong thời điểm này thì chúng tôi kết nối giao món ăn tận nhà... Vào buổi chiều, khách hàng sẽ đặt món muốn ăn cho buổi sáng và trưa hôm sau với tiếp tân khách sạn. Yêu cầu nào cũng được phục vụ, dù chỉ là một tô phở hay một phần thức uống chúng tôi cũng giao tận nơi” - đại diện một khách sạn năm sao ở Q.1 (TP.HCM) cho biết. Việc giao hàng tận nơi trong thời điểm này tạo cảm giác an toàn và thân tình; đồng thời góp phần giữ liên lạc với khách, để khách sớm quay trở lại khi dịch Covid-19 kết thúc. 

Đầu tháng Tư, chuỗi nhà hàng Bếp nhà Lục tỉnh, Bếp nhà xứ Quảng đã vận hành trang web NamkyRetro.com và fanpage NamkyRetro trên mạng xã hội Facebook cho khách đặt hàng qua mạng. Khách có thể vào cách kênh này chọn nhiều món của nhà hàng như gà hấp nước mắm, lẩu mắm, gỏi ba khía, lẩu cua đồng, cá hẹ kho rệu, bánh da lợn... về dùng bữa tại nhà trong giai đoạn đang thực hiện cách ly xã hội.

Điểm chung của hình thức phục vụ “outside cartering” (giao bữa ăn, thức uống phục vụ cho khách bên ngoài) tại các khách sạn này là sản phẩm và chất lượng dịch vụ được đảm bảo đúng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các khách sạn sử dụng ô tô riêng để phục vụ tận nơi và đảm bảo đúng quy trình giao nhận.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi mua sắm và chuyển động bán lẻ tại Việt Nam. Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói riêng, dịch COVID-19 đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất FMCG và các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, không phải ngành hàng nào hay nhà bán lẻ nào cũng đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. 

Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, rất khó để nghĩ đến viễn cảnh nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhanh. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự năng động, tìm tòi hướng đi phù hợp xu thế sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn này. Đã có nhiều doanh nghiệp “nương” theo tâm lý tiêu dùng này mà chuyển đổi từ hình thức bán hàng truyền thống sang bán online và phối hợp cùng các đơn vị giao nhận hàng để giao tận nơi cho khách.

Chuyên gia kinh tế Hoàng Tùng cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý tiêu dùng. Nếu các đơn vị kinh doanh có sự thay đổi mới mẻ để đáp ứng nhu cầu mua sắm, đồng thời mang đến sự an toàn cho khách hàng thì vẫn có thể vượt khó thời COVID-19. “Trong kinh doanh, ai nắm bắt được thời cơ và có công cụ trong tay, người đó đã đi một nước cờ đúng” - ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nhìn nhận, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách thức vận hành dịch vụ của nhiều nhà hàng cao cấp. Trong đó, những hình thức giao hàng hay phục vụ tận nơi cho những đơn hàng nhỏ, vốn không phổ biến trước đây, nay lại được nhiều nơi áp dụng để chống chọi với khó khăn. 

Thiên Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI