Xoài mút nghi làm giả từ nilon: Người Việt đã ăn gần 500 tấn

04/08/2016 - 06:18

PNO - Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện Trung Quốc đang vào mùa nên Việt Nam nhập loại xoài mút qua cửa khẩu Tân Thanh và Lào Cai với số lượng khoảng 60-70 tấn/ngày.

Trao đổi với PV VietnamNet về loại xoài lạ nghi có hạt làm bằng cao su gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), khẳng định, loại xoài xuất hiện trong clip không phải là xoài giả làm bằng cao su hay nilon.

Theo ông Hà, loại xoài này miền Nam gọi là xoài mút, còn miền Bắc gọi là xoài mít.

Xoài mút là giống xoài bản địa của Trung Quốc, được trồng nhiều ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây,... Hiện bên đó đang vào mùa nên Việt Nam nhập loại xoài này qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Lào Cai với số lượng khoảng 60-70 tấn/ngày.

Xoai mut nghi lam gia tu nilon: Nguoi Viet da an gan 500 tan
Xoài mút chủ yếu được nhập tử Trung Quốc. Ảnh: VietnamNet

Ông Hà cũng cho biết, xoài mút Trung Quốc được nhập về Việt Nam được gần chục năm nay. Cứ vào cuối tháng 7 cho đến tháng 8, khi xoài Việt Nam gần hết mùa, hiếm dần thì chúng ta bắt đầu nhập về bán.

“Từ đầu vụ đến giờ, chúng ta nhập khoảng trên 500 tấn xoài mút của Trung Quốc và chỉ nhập từ thị trường này, ước tính cả vụ chúng ta nhập khoảng 2.000-2.500 tấn”, ông nói.

“Mọi người cứ sợ xoài này độc hại nhưng từ đầu mùa đến giờ, cơ quan kiểm dịch cửa khẩu của Cục Bảo vệ Thực vật luôn kiểm soát chặt chẽ. Chúng tôi chưa phát hiện thấy lô nào vi phạm quy định kiểm dịch của Việt Nam nên mọi người có thể yên tâm ăn”, ông Hà cho hay.

Trong khi đó, Tuổi Trẻ cũng dẫn thông tin từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xoài mút được trồng nhiều cả ở miền Tây và Trung Quốc, Lào. Xoài mút hiện có trên thị trường đều từ 3 nguồn này.

Cục Bảo vệ thực vật cũng bác bỏ xoài mút trên thị trường hiện nay làm bằng nhựa hoặc là xoài giả, mà cho rằng đây là quả xoài thật và là một trong khoảng 1.000 giống xoài đang có hiện nay.

Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, hạt xoài mút lép và lớp màng sinh học ở giữa trong clip lưu truyền gần đây cho là nilông nhưng thực ra là áo bao của hạt.

Minh Khánh (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI