Xóa thành công chợ “chồm hổm” nhờ hiểu nguyện vọng tiểu thương

22/07/2020 - 07:47

PNO - Chỉ trong hai năm, quận 1, TPHCM đã xóa được hai chợ tạm đã tồn tại hàng chục năm.

 

Bí quyết tạo sự đồng thuận

Nơi tọa lạc của chợ lề đường Cô Giang từng là một ngôi chợ đầu mối lớn, ra đời cách đây gần 100 năm, chuyên cung cấp thực phẩm cho các tỉnh miền Nam.

Những năm 1990, khi có chủ trương di dời chợ đầu mối này về địa điểm mới, một số sạp hàng bên lề đường vẫn còn neo bám lại. Đến năm 2019, chợ lề đường Cô Giang đã có quy mô 349 hộ kinh doanh, bày sạp kéo dài từ phường Cô Giang qua phường Cầu Ông Lãnh.

Nhớ về chợ lề đường Cô Giang, ông Bùi Minh Tiến - Phó trưởng ban Tuyên giáo quận 1, nguyên Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh - kể, do là chợ tạm nên rất khó kiểm soát chất lượng thực phẩm; chợ cũng không có hệ thống xử lý nước thải; thương nhân lấn chiếm lòng lề đường khiến tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc. Rồi xe đẩy, gánh hàng rong đua nhau tràn ra lòng đường, chèo kéo, tranh giành khách, ảnh hưởng đến mỹ quan và trật tự đô thị.

Giữa năm 2019, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, UBND quận 1 ban hành quyết định dẹp chợ lề đường Cô Giang. Không dễ để xóa một ngôi chợ tồn tại hàng chục năm, gắn với thói quen mua sắm của người dân và là chốn mưu sinh của hàng trăm gia đình. Theo lộ trình, ngôi chợ sẽ chấm dứt hoạt động đúng ngày 1/10/2019. Ông Tiến hồi tưởng: “Chúng tôi chỉ có gần bốn tháng, nên mỗi bước trong kế hoạch đều phải tính toán sao cho hiệu quả nhất”. 

Ngay sau khi có quyết định, UBND quận 1 đã cử đại diện gặp gỡ các tiểu thương để thông báo ngày xóa chợ, sau đó tổ chức đối thoại, ghi nhận hộ kinh doanh nào có thường trú tại quận 1, hộ nào ở địa phương khác đến. Với các tiểu thương đến từ quận, huyện khác, UBND quận 1 nhờ chính quyền ở nơi đó tác động. Song song đó, UBND quận phân công cán bộ gặp gỡ từng hộ kinh doanh, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng tiểu thương. 

Theo ông Tiến, lúc bấy giờ, cái khó nhất là tìm được sự đồng thuận của từng người. Do đó, dù phương án chủ yếu là hỗ trợ tiền dựa trên doanh thu của từng hộ kinh doanh, UBND quận 1 vẫn tìm hiểu, phân loại về độ tuổi, trình độ học vấn của từng người trong gia đình các tiểu thương để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. 

Chợ lề đường Cô Giang khi còn hoạt động
Chợ lề đường Cô Giang khi còn hoạt động

Với các tiểu thương mong muốn được duy trì công việc, UBND quận 1 bố trí cho họ về kinh doanh ở một số chợ khác. Với các tiểu thương muốn chuyển đổi nghề, UBND quận chỉ đạo trung tâm dạy nghề hỗ trợ nghề nghiệp, giới thiệu việc làm.

Ông Tiến đúc kết: “Khi hết lòng với tiểu thương, chính quyền sẽ được người dân vui vẻ hợp tác. Để vận động hiệu quả, không cách nào tốt hơn là đặt mình vào vị trí người dân, hiểu rõ cuộc sống và mong muốn của họ”. 

Cùng với việc khen thưởng bằng tiền đối với các cá nhân trả lại mặt bằng trước thời hạn, sự quan tâm của chính quyền đã khiến tiểu thương không những bàn giao mặt bằng nhanh chóng mà còn tự tay quét dọn sạch đẹp trước khi bàn giao.

“Để có ga tàu, phải chặt hàng cây”

Ngoài chợ lề đường Cô Giang, chợ hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng kéo dài hàng trăm mét cũng được UBND quận 1 xóa bỏ. Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Triều - Chủ tịch UBND phường Bến Thành - chợ tạm Nguyễn Văn Tráng có 81 hộ kinh doanh.

Qua vận động, các hộ kinh doanh đều chấp thuận đơn giá hỗ trợ. “Một số tiểu thương có nhu cầu tiếp tục buôn bán cũng được UBND quận bố trí sạp ở các chợ truyền thống của quận 1” - bà Triều cho biết.

Bắc chiếc ghế đẩu ra trước nhà ngồi hóng mát, bà Loan - nhà ở hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng - móm mém: “Tôi sống ở đây hơn 50 năm rồi. Từ ngày dẹp chợ, thấy khách Tây vô đây nhiều. Trước kia, lúc tan chợ, cá, thịt, rau, củ hư thối giăng đầy đường, khách Tây chỉ nhìn mà cũng phải bịt mũi”. 

Hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng dẫn vào những con hẻm nhỏ khác, được khách Tây chuộng đến bởi đi sâu vào trong, có nhiều cửa hàng nhỏ xinh bán các mặt hàng lưu niệm hoặc quán ăn mang đậm văn hóa vùng miền. quận 1 có số khách du lịch nước ngoài đến vui chơi, tham quan nhiều nhất trong các quận trung tâm. Du lịch là một trong các lĩnh vực chủ lực mà Quận ủy, UBND quận 1 chú trọng.

Trong năm 2019, quận 1 thu ngân sách cao nhất trong 24 quận, huyện của TPHCM, với hơn 19.000 tỷ đồng, cao hơn cả tỉnh Kiên Giang vốn dẫn đầu 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (14.000 tỷ đồng). Việc dẹp chợ lề đường, trả lại mỹ quan cho một quận trung tâm một phần là để thúc đẩy du lịch.
 

Chợ lề đường Cô Giang nay đã thành những thảm cỏ, bồn hoa, lề đường được lát gạch khang trang, sạch đẹp
Chợ lề đường Cô Giang nay đã thành những thảm cỏ, bồn hoa, lề đường được lát gạch khang trang, sạch đẹp

Sau khi dẹp chợ lề đường Cô Giang, UBND quận 1 đã chỉ đạo duy tu, lát lại gạch, tạo sự khang trang cho vỉa hè, xây dựng một số thảm cỏ, bồn hoa, đem lại nét tươi sáng, sạch sẽ, thông thoáng cho đường phố. Nhờ đó, tình trạng tái lấn chiếm, tái họp chợ đã không xảy ra.

Đây là kinh nghiệm để UBND quận 1 giải quyết ngôi chợ tạm duy nhất còn lại ở quận 1, đó là chợ Tôn Thất Đạm ở phường Bến Nghé, với 222 tiểu thương đang kinh doanh.

Ở TPHCM, tình trạng chợ tự phát, chợ chiếm lòng lề đường và vỉa hè vẫn còn phổ biến. Một vị lãnh đạo UBND TPHCM nhận định rằng, thành công của quận 1 trong việc dẹp chợ lề đường sẽ là bài học cho nhiều quận, huyện khác. 

Dự kiến, từ ngày 22-24/7, Đảng bộ quận 1 sẽ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo dự thảo báo cáo chính trị, trong nhiệm kỳ 2015-2020, quận 1 đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, trật tự lòng, lề đường và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài. Việc chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường gắn với mục tiêu an sinh xã hội đã tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Tình hình trật tự an toàn giao thông được kiểm soát, các tuyến đường cơ bản thông thoáng, tình trạng mua bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch, lấn chiếm vỉa hè, đậu xe trái phép được kéo giảm.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI