Khổ vì thiếu chỗ đậu xe
Anh Tân cho biết, tuần trước, anh cũng chở 2 hành khách vào một công ty ở trung tâm TPHCM. Do khách nói chỉ vào làm việc chút xíu rồi đi gấp nên anh Tân không dám đưa xe qua quận 4 mà đậu chờ ở lề đường gần đó, được chừng 20 phút thì bị cảnh sát giao thông đến lập biên bản xử phạt. “Đây là lần thứ hai, tôi bị phạt do đậu xe không đúng nơi quy định khi vô trung tâm thành phố” - anh Tân rầu rĩ.
|
Lòng đường Alexandre de Rhodes, quận 1 từ mỗi sáng đã bị xe chiếm dụng, gây cản trở giao thông - Ảnh: Phùng Huy |
11g, tài xế ô tô Nguyễn Văn Minh (quận Bình Tân) tấp xe vào lề đường Alexandre de Rhodes, quận 1. Dù đã bật đèn khẩn cấp, anh Minh vẫn liên tục đảo mắt để sẵn sàng phóng xe đi khi thấy cảnh sát giao thông. Anh nói, rất muốn đậu xe đi vệ sinh và ăn cơm trưa nhưng sợ bị phạt. Trong bán kính mấy trăm mét, không có bất cứ bãi đậu xe nào nên anh Minh đành đậu “lụi” ở lề đường.
“Mỗi lần chở khách vô trung tâm, tôi ngán nhất cái vụ đậu xe. Khổ nỗi, khách bao xe nguyên ngày, tham quan dinh Thống Nhất xong họ đi tỉnh Bình Dương nên tôi phải đậu ở đây đợi” - tài xế Nguyễn Văn Minh nói.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, toàn thành phố có khoảng 9 triệu phương tiện giao thông, gồm khoảng 8 triệu xe máy và hơn 900.000 ô tô. Đó là chưa kể lượng xe vãng lai. Lượng phương tiện giao thông mỗi năm một tăng nhưng lượng bến, bãi thì hầu như không tăng. Hiện tại, số bến, bãi đậu xe ở TPHCM chỉ đạt khoảng 20% so với quy hoạch. Ở trung tâm TPHCM, dễ dàng bắt gặp cảnh ô tô đậu thành hàng dài ở lề đường.
Trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5), ô tô, ba gác đậu thành hàng dài trên lòng đường hẹp, gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tương tự, trên các con đường Nguyễn Du, Hàn Thuyên, Phạm Ngọc Thạch (quận 1, quận 3), dù có bảng cấm đậu nhưng ô tô vẫn đậu thành hàng dài, nhất là vào buổi trưa.
Khi được hỏi, các tài xế đều than không biết đậu xe ở đâu nên đành tấp vào lề đường, bật đèn cảnh báo nguy hiểm.
Thiếu quy định về bãi đậu xe ngầm
Khoảng 15 năm trước, cơ quan chức năng TPHCM đã quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám (quận 3), công viên Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư (quận 1). Theo dự kiến, các bãi xe này sẽ đủ sức chứa 6.000 ô tô và 4.000 xe máy. Nhưng cho đến nay, do vướng thủ tục, các bãi xe ngầm này vẫn nằm trên giấy.
|
Ô tô đậu ở công viên Lê Văn Tám, quận 1 - nơi được quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm nhưng 15 năm qua vẫn chưa thực hiện được - Ảnh: Phùng Huy |
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, 3 dự án làm bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư đã dừng thực hiện, riêng dự án làm bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại, dịch vụ ở sân khấu Trống Đồng đang được nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch.
Lãnh đạo Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương - chủ đầu tư dự án xây bãi xe ngầm ở sân khấu Trống Đồng - cho hay, công ty vừa có văn bản kiến nghị UBND TPHCM rà soát lại quy định pháp lý, tháo gỡ các vướng mắc để sớm khởi công dự án. Công ty đã 3 lần làm lại các thủ tục đầu tư và 5 lần dừng dự án để điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của các sở, ngành. Việc vướng thủ tục quá lâu và thay đổi quy hoạch liên tục làm phát sinh nhiều chi phí.
Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Khiêm - đại diện Viện Kiến trúc sư Mỹ (AIA International) tại Việt Nam - cho biết, các sở, ngành đã đề xuất và UBND TPHCM đã có chủ trương quy hoạch khu vực làm bãi đậu xe ngầm khá sớm và từ năm 2008, đã có những đơn vị đầu tiên tham gia nhưng đến nay vẫn chưa có bước tiến triển nào. Vướng mắc nằm ở chỗ, quy hoạch các bãi đậu xe ngầm chỉ là một phần trong quy hoạch tổng thể không gian ngầm của TPHCM nhưng đến nay, TPHCM vẫn chưa có bản quy hoạch tổng thể này.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Khiêm, việc xây dựng bãi đậu xe ngầm hay các công trình ngầm khác còn gặp khó khăn lớn là dữ liệu hiện trạng hạ tầng ngầm chưa hoàn thiện, bị phân mảnh thông tin và do nhiều sở, ban, ngành cùng quản lý. Thêm vào đó, vị trí dự kiến làm bãi đậu xe ngầm là đất công viên cây xanh. UBND TPHCM yêu cầu các dự án này phải hoàn trả mặt bằng và đảm bảo hiện trạng cây xanh trong công viên như ban đầu.
“Việc này làm gia tăng kinh phí đầu tư xây dựng cho các bãi đậu xe ngầm, khiến chủ đầu tư lo ngại về hiệu quả đầu tư. Không chỉ TPHCM mà TP Hà Nội cũng gặp phải những vướng mắc tương tự” - kiến trúc sư Nguyễn Khiêm phân tích.
Tận dụng cơ chế mới để giải quyết chỗ đậu xe
Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép chính quyền thành phố cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng bao gồm nhà, sân bãi để xe trên đất do Nhà nước quản lý. Trên cơ sở này, Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa đề nghị UBND cấp quận và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát các vị trí đất trống do Nhà nước quản lý phù hợp để xây dựng nhà xe lắp ghép thông minh.
|
Ô tô đậu thành hàng dài trên đường Phạm Ngọc Thạch vào mỗi buổi trưa khiến việc lưu thông gặp khó khăn - Ảnh: Phùng Huy |
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ưu điểm của các bãi đậu xe thông minh này là chi phí xây dựng thấp và thời gian thi công chỉ tối đa khoảng 3 tháng. Sở đã đề xuất xây dựng bãi đậu xe thông minh trên 4 khu đất, gồm lòng đường Lê Lai đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1, rộng 348m2, hiện đang cho đậu xe có thu phí; khu đất khoảng 427m2 trước công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, cũng đang cho đậu xe có thu phí; khu đất khoảng 312m2 trong bến xe Chợ Lớn, quận 5; lòng đường Hải Thượng Lãn Ông gần chợ Kim Biên, quận 5, có diện tích khoảng 468m2.
Bãi xe ở lòng đường Lê Lai dự kiến gồm 4 khối công trình đậu ô tô dạng xoay, có chiều cao 16,5m, sức chứa 49 xe dưới 9 chỗ. Bãi xe trước công viên Lê Văn Tám dự kiến gồm 9 khối nhà xe dạng xoay, cao 21m, sức chứa 144 xe dưới 9 chỗ; bãi xe trong bến xe Chợ Lớn sẽ gồm 4 khối nhà chứa ô tô, cao 21m, sức chứa 96 ô tô dưới 9 chỗ và 2 khối nhà đậu xe máy, cao 21m, sức chứa 220 xe. Bãi xe ở lòng đường Hải Thượng Lãn Ông sẽ gồm 6 khối nhà đậu ô tô, cao 21m, sức chứa 94 xe dưới 9 chỗ.
Kiến trúc sư Nguyễn Khiêm đánh giá, khi giải pháp làm bãi đậu xe ngầm không khả thi thì việc làm các bãi đậu xe nổi là phương án thay thế hiệu quả. Nhưng, chi phí đầu tư, vận hành chúng sẽ là mối băn khoăn của các chủ đầu tư. Mức thu phí giữ xe hiện hành của các bãi ngầm, bãi nổi này chắc sẽ không thể cạnh tranh được với các dịch vụ giữ xe tự phát ở lòng đường, vỉa hè bởi các bãi tự phát này hầu như không tốn chi phí đầu tư.
Kiến trúc sư Nguyễn Khiêm cho rằng, có thể tận dụng không gian ngầm bên dưới các quảng trường lớn như phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ngoài ra, chính quyền thành phố cần sớm có định hướng xây dựng các bãi đậu xe quy mô lớn liền kề ga Sài Gòn và các điểm kết nối với tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2. Các bãi đậu xe cần chú trọng kết nối với các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại để hình thành mạng lưới phục vụ đa nhu cầu của cộng đồng chứ không chỉ nhằm giải quyết chuyện đậu xe trước mắt.
Kiến trúc sư Trần Hùng - công tác tại một đơn vị chuyên thiết kế công trình công cộng ở TPHCM - cho hay, trong bối cảnh tuyến metro số 1 chuẩn bị đi vào hoạt động, bắt buộc phải có hệ thống bãi đậu xe ở khu trung tâm, bởi nhu cầu đậu xe quanh nhà ga sẽ tăng lên gấp bội lần so với hiện tại.
“Bây giờ mà làm bãi xe ngầm thì chắc chắn không kịp với tiến độ hoàn thành các tuyến metro. Do đó, việc làm bãi xe nổi, lắp ghép thông minh như đề xuất của Sở Giao thông Vận tải là hợp lý. Bãi xe lắp ghép có ưu điểm là không chiếm nhiều diện tích và có thể làm nhanh” - kiến trúc sư Trần Hùng nói.
Tạm thời lấy vỉa hè, lòng đường làm bãi đậu xe Khoảng 5 năm trước, khi được cơ quan chức năng tham vấn, chúng tôi đã tư vấn dùng vỉa hè, lòng đường làm bãi giữ xe có thu phí. Từ đó đến nay, vẫn còn khá nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề này. Thực tế, nhiều nước đã dùng một phần lòng đường, vỉa hè để làm bãi đậu xe. TPHCM có thể áp dụng cách này để giải quyết tình trạng thiếu bãi đậu xe ở khu trung tâm. Theo Quyết định số 32/2023 của UBND TPHCM, từ ngày 1/9 tới, TPHCM sẽ chính thức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, trong đó có mức phí sử dụng cho việc làm bãi đậu xe. Theo tôi, điều còn lại là các địa phương cần quy hoạch cụ thể tuyến đường làm bãi xe để thuận tiện cho người dân và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Cũng cần phải nói rõ rằng, sử dụng lòng đường, vỉa hè làm bãi đậu xe chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, UBND TPHCM cần có chủ trương, chính sách để thu hút các nhà đầu tư làm bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe cao tầng lắp ghép để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu chỗ đậu xe. Kiến trúc sư Trần Hùng |
Nhóm phóng viên