Xóa nám - sạm da, da càng hư tổn

22/11/2016 - 06:37

PNO - Gần đây, bị tác động bởi những quảng cáo rầm rộ của nhiều cơ sở thẩm mỹ về công nghệ xóa nám, sạm da hiện đại, nhiều chị em đã mạnh tay chi cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, việc xóa nám, sạm hiệu quả đến đâu?

Vừa trị nám, vừa lo

Là tâm tư chung của nhiều chị em khi đến các cơ sở thẩm mỹ để xóa nám vì “tiền thì không tiếc, chỉ sợ nám không hết, da còn bị xấu hơn”. Dù lo lắng nhưng da bị nám, sạm, tàn nhang… khiến nhiều người rất mất tự tin nên buộc lòng phải "xóa nám".

Nghe cơ sở thẩm mỹ M. (TP.HCM) có đến bốn-năm chi nhánh, lại được quảng cáo bởi một “dàn sao khủng”, có bác sĩ (BS) từ Hàn Quốc sang, nên chị N. và chị H. đã lặn lội từ quê vào làm đẹp. Hỏi vì sao lúc nào cũng đeo khẩu trang, quấn khăn, mặc áo dài tay, chị N. giải thích là vừa đi xóa nám, tàn nhang bị nhiều sẹo nên phải che lại.

Khi chị N. mở khăn ra, chúng tôi giật mình thấy mặt, cổ và cả hai cánh tay của chị N. bị “đốt” hàng ngàn chấm đen nhỏ. Chị N. kể, hai chị đến cơ sở thẩm mỹ M. (Cao Thắng, Q.10, TP.HCM), chị H. xăm chân mày, tắm trắng; còn chị N. xóa nám, tàn nhang.

“Không thấy BS đâu, chỉ toàn nhân viên, tư vấn xong là làm luôn. Họ nói tôi phải đốt nám năm lần mới hết, mỗi lần cách nhau hai tháng. Đốt lần đầu chi phí gần 20 triệu đồng, về không cần bôi gì hết, chỉ mua hũ kem collagen của cơ sở bôi mỗi ngày. Không biết có ổn không, phải chờ theo dõi xem sao, hiệu quả thì làm tiếp, không thì ngưng”, chị N. băn khoăn.

Tính cả tiền đi lại, ăn ở, thì chi phí cho hết liệu trình của chị N. cũng phải hơn 100 triệu đồng. Giờ “đã đâm lao thì phải theo lao”, da đã không còn như lúc chưa điều trị, đâu thể ngưng lại được.

Xoa nam - sam da, da cang hu ton

Hiện đang có rất nhiều cơ sở quảng bá dịch vụ xóa nám bằng công nghệ Hàn Quốc kết hợp collagen, phần lớn khách hàng tìm đến đều qua quảng cáo trên mạng. Đáng nói là tuy dịch vụ, công nghệ của các nơi tương tự nhưng giá cả thì chênh nhau rất nhiều.

Chị L. (giáo viên yoga, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, chị đang xóa nám bằng đốt laser tại một cơ sở làm đẹp gần nhà, cũng được tư vấn phải làm năm-sáu lần cách nhau một tháng, tính ra tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng cho phần mặt. “Cơ sở không bán kem bôi, nhân viên tư vấn là không cần bôi gì cả, nhưng tôi cũng lo vì ra ngoài thì chắc chắn da bị bắt nắng”, chị L. lo ngại.

Theo lời giới thiệu của nhiều cơ sở thẩm mỹ, họ sử dụng “công nghệ chuyên điều trị sắc tố da như: nám, tàn nhang, đồi mồi, mụn, làm trẻ hóa làn da... được chứng nhận bởi FDA Hoa Kỳ, áp dụng rộng rãi khắp châu Âu, châu Á.

Công nghệ này sử dụng ánh sáng trắng, khi chiếu vào vùng da cần điều trị, bước sóng ánh sáng xuyên sâu phá vỡ các sắc tố melanin đen, nâu, sạm… và đào thải ra ngoài theo hệ bài tiết tự nhiên của cơ thể, không ảnh hưởng đến những mô da khỏe xung quanh. Da sẽ tự phục hồi theo cơ chế tăng sinh lượng collagen và elastin loại bỏ nếp nhăn, trẻ hóa làn da. Hiệu quả chỉ sau bảy ngày điều trị”.

Hiệu quả tới đâu?

BS Trần Thế Viện - Phòng khám Da Liễu, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cảnh báo: “Hiện khá nhiều thẩm mỹ viện trang bị laser trong điều trị sạm da, nhưng nếu người thực hiện thủ thuật không hiểu rõ cấu trúc và bản chất của sang thương da, không được huấn luyện tốt, thì có thể để lại những biến chứng trong quá trình thực hiện thủ thuật và sau điều trị laser như: nổi phồng nước, xuất huyết da, đỏ da kéo dài, rối loạn sắc tố, nhiễm trùng, sẹo lõm hay lồi…”.

Thực tế, đã có nhiều bệnh nhân (BN) phải đi điều trị tổn thương da do hậu quả của việc điều trị nám, sạm da. Tại Phòng khám Da Liễu, BV ĐH Y Dược TP.HCM thường xuyên có BN chờ khám trong tình trạng da bị đỏ, bị biến màu loang lổ thành từng mảng trắng, nâu… BS Viện cho biết, đa số các biến chứng khi BN đến khám sau khi điều trị sạm da bằng laser/ánh sáng là đỏ da kéo dài và tăng sắc tố sau viêm. Vài trường hợp BN còn bị để lại sẹo lồi hay lông của vùng điều trị bị trắng ra.

Theo phân tích của BS Viện, tùy mức độ nặng nhẹ của sạm, nám mà BS chuyên khoa da liễu sẽ chọn phương pháp điều trị thích hợp như bôi tại chỗ, lột da bằng hóa chất hay dùng laser/ ánh sáng. Đôi khi có thể kết hợp các phương pháp trên, nhưng không phải trường hợp nào cũng có kết quả khả quan.

“Cần lưu ý laser/ánh sáng thường chỉ dùng cho những trường hợp sạm da kháng trị với các phương pháp bôi hay lột da bằng hóa chất và chỉ có tác dụng làm mất sắc tố tạm thời, không có khả năng làm khỏi sạm da vĩnh viễn như một số thẩm mỹ viện quảng cáo. Ngoài ra, phương pháp điều trị bằng laser/ánh sáng còn rất tốn kém. Để an toàn và hiệu quả, chị em nên chọn những cơ sở thẩm mỹ có uy tín và thủ thuật được thực hiện bởi các BS chuyên khoa da liễu hay phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu gặp biến chứng, phải đến BS chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời”, BS Viện khuyến cáo.

Thực tế, việc điều trị sạm da bằng laser/ánh sáng cũng cho một số kết quả khả quan trong thời gian đầu. Tuy nhiên, đáng lưu ý là tình trạng tăng sắc tố sau viêm khi điều trị sạm da, là một vấn đề mà theo các BS là “khá nan giải trong điều trị bệnh này”.

Cụ thể, da BN sẽ trở nên sậm hơn, có những đốm loang lổ tại vùng điều trị, nhất là ở những người có týp da sậm. Việc giải quyết hậu quả này còn tốn kém và mất thời gian hơn cả việc điều trị sạm, nám da; nhiều trường hợp BS phải giải quyết hậu quả bằng cách đốt từng cụm da. Chưa kể, việc điều trị cho da hết sạm, nám vẫn chưa đủ để hạn chế bệnh tái phát.

BS Viện khuyên: “Phải bảo vệ da trước ánh sáng mặt trời (dùng khẩu trang dày, tối màu, đội nón rộng vành), dùng kem chống nắng SPF>30, phổ rộng (chống cả tia UVA và UVB) và trong thành phần phải có chất chống nắng vô cơ (ZnO và Ti2 O). Nên bôi lặp lại mỗi hai giờ khi còn ở ngoài nắng, tránh tiếp xúc với các yếu tố nội tiết, mỹ phẩm…”.

Nguyễn Cẩm

Sạm da (rám má, nám má) là bệnh da tăng sắc tố, mạn tính và hay tái phát. Nguyên nhân của bệnh rất phức tạp, trong đó có ba yếu tố chính là do di truyền, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và nội tiết tố nữ. Bệnh thường gặp ở nữ có týp da sậm, sống trong vùng có cường độ tia cực tím cao.

Lứa tuổi dễ xuất hiện bệnh là độ tuổi sinh sản, biểu hiện bằng những đốm màu nâu, xám hay xanh, thường gặp ở vùng da phơi trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời (phổ biến nhất là vùng mặt và cổ). Bệnh lành tính, không lây lan, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại tác động nhiều đến tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh, đặc biệt là phụ nữ. Dù sạm da do thai kỳ (vì mất cân bằng hormone) thường tự khỏi trong vòng một năm sau khi sinh, nhưng cũng có những trường hợp vết sạm không thể hết hoàn toàn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI