|
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: H.Anh |
Công nghệ không dành cho nữ giới?
Khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới trong kỷ nguyên mới của dân tộc, PGS.TS. Dương Kim Anh - Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho hay, vấn đề này dù có nhiều cơ hội quan trọng song cũng đối diện với nhiều thách thức đòi hỏi phải được lưu tâm giải quyết.
Tại Việt Nam, mặc dù tỉ lệ sử dụng Internet và công nghệ thông tin đang gia tăng mạnh mẽ, nhưng vẫn còn khoảng cách giữa nam và nữ trong việc sử dụng và tiếp cận công nghệ. Tỉ lệ nữ giới tham gia vào các ngành công nghệ tại Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2023), tỉ lệ nữ giới tham gia trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 25%, thấp hơn rất nhiều so với nam giới.
“Tại Việt Nam, xã hội vẫn còn tồn tại những định kiến về giới, khi cho rằng công nghệ là lĩnh vực dành cho nam giới” - Phó giám đốc Học viện Phụ nữ nói.
Trong không gian mạng cho thấy, phụ nữ gặp các rủi ro bạo lực trên cơ sở giới. Nhiều người trở thành mục tiêu của những lời lẽ xúc phạm, bình phẩm ngoại hình hoặc bình luận mang tính phân biệt giới. Thậm chí bị phát tán thông tin sai sự thật, hình ảnh hoặc video cá nhân không mong muốn dẫn đến tổn hại danh dự...
Trước tình trạng này, bà Dương Kim Anh kiến nghị, để thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên mới, Nhà nước cần xây dựng một chiến lược toàn diện và triển khai đồng bộ các biện pháp pháp lý, giáo dục, công nghệ và chính sách hỗ trợ kinh tế. Tạo ra một môi trường pháp lý và xã hội công bằng, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và nam giới.
Nhà nước cần yêu cầu các trường học từ cấp tiểu học đến đại học phải tích hợp các nội dung giáo dục về bình đẳng giới, bao gồm quyền của phụ nữ, vai trò của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phá vỡ các định kiến giới trong giáo dục...
|
Phụ nữ quận 10, TPHCM tham gia ngày hội chuyển đổi số - Ảnh: Ngọc Trăm |
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Thục - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) - khẳng định, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Dù vậy, phụ nữ Việt Nam vẫn phải chịu sự bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội. Dù tham gia lao động nhiều, nhưng phụ nữ vẫn thường tập trung vào các ngành nghề có thu nhập thấp như nông nghiệp, công nghiệp may mặc, hoặc lao động phi chính thức... Việc thường phải đảm nhiệm cả công việc chính thức lẫn vai trò nội trợ và chăm sóc gia đình, thời gian làm việc không lương của phụ nữ trung bình gấp đôi so với nam giới.
Bà Lê Thị Thục cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với sự phối hợp chặt chẽ của cả cộng đồng cùng sự nỗ lực của bản thân phụ nữ. Cơ chế và chính sách hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ có thể thông qua các biện pháp như đẩy mạnh hỗ trợ, ưu tiên phụ nữ trong tiếp cận tín dụng và tài chính, xây dựng và triển khai các gói tín dụng lãi suất thấp dành riêng cho phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ nông thôn và phụ nữ làm kinh tế phi chính thức...
Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có thể phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng cho phụ nữ, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng số, xây dựng các khóa học miễn phí hoặc trợ cấp học phí để giúp phụ nữ.
Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách bảo đảm bình đẳng giới trong thị trường lao động. Những chính sách về cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ như tiền lương bình đẳng, bảo hiểm thai sản và môi trường làm việc an toàn...
Sẵn sàng cho bước tiến quan trọng của đất nước Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhìn nhận, trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam luôn được ghi nhận và khẳng định trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, với hơn 50,1% dân số, 46,8% tỉ trọng lực lượng lao động trung bình của cả nước, các tầng lớp phụ nữ khẳng định vai trò to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ cần tiếp tục quan tâm như đói nghèo, biến đổi khí hậu, thay đổi chức năng gia đình; bạo lực gia đình, tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, lây nhiễm HIV/AIDS, các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em…. Tình trạng định kiến, khuôn mẫu giới còn tồn tại, tác động đến cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội. Để phụ nữ cùng hệ thống chính trị và toàn dân chuẩn bị tốt nhất cho bước tiến quan trọng của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề năm 2025 là "Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Qua đó, thể hiện quyết tâm của tổ chức hội và cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước, sẵn sàng cho một bước tiến quan trọng của đất nước. |
H.Anh