PNO - “Chiến tranh chấm dứt, những khác biệt của ý thức hệ, nếu có, cũng là lẽ thường tình. Ai cũng biết, sự khác biệt đó là do lịch sử để lại, và dù có khác biệt thì cũng phải nhìn về tương lai”. Đó là tâm sự của tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ.
Ngày về làm dâu vào đầu những năm 1980, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt không khó nhận ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình nhà chồng sau chiến tranh. Năm 1954, theo chủ trương tập kết của Chính phủ nhằm thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, cha chồng bà đưa 3 người con trai ra Bắc. Mẹ chồng bà và 4 người con khác gồm 3 trai, 1 gái ở lại miền Nam.
Tiến sĩ Trần Xuân Thảo - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM (đứng phát biểu) và bà Tôn Nữ Thị Ninh (thứ hai từ trái) đang chủ trì cuộc gặp gỡ, đối thoại với các cựu binh Mỹ trong triển lãm “Làn sóng hòa bình phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam” được tổ chức tại bảo tàng này năm 2018 - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đất nước thống nhất, cha chồng bà trở lại miền Nam sum họp cùng gia đình. Nhưng những giây phút đoàn viên sau hơn 20 năm xa cách sớm nhường chỗ cho những khác biệt về ý thức hệ. Khoảng cách dần hình thành. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt lý giải: “Tình cảnh lúc đó thật khó nói. Ba tôi có niềm tự hào rất lớn về 3 người con trai mà ông đã đưa ra Bắc (một người là bác sĩ quân đội làm việc cho Bệnh viện 108, một người làm ở Xưởng phim Quân đội, về sau làm Viện phó Viện Tư liệu phim, người còn lại là bộ đội tên lửa phòng không). Trong khi ở miền Nam, mẹ tôi làm ăn buôn bán, người con trai làm điều độ ở sân bay Quy Nhơn, người con gái lấy chồng là sĩ quan, con trai út và người kế út (chồng của tiến sĩ Quách Thu Nguyệt) học Đại học Luật khoa Sài Gòn”.
Những khác biệt khiến cha chồng của tiến sĩ Nguyệt đành dọn ra ngoài sống trong căn nhà được cấp. Bà nhớ lại: “Có lần đến thăm ba, thấy ông ngồi ăn cơm một mình, nước mắt tôi chảy ròng. Khi đó tôi nghĩ rằng “chúng tôi là một gia đình, khoảng cách còn lại phải được hóa giải, xếp lại để hòa hợp”. Là dâu nhưng tôi được ba thương và hài lòng và tôi cố gắng xóa nhòa khoảng cách ấy”. Những cố gắng của bà đã đem lại thành công, gia đình lại sum họp.
Khoảng cách càng được thu hẹp khi lúc này, mẹ chồng bà tham gia Hội Mẹ chiến sĩ, trong 4 người con ở lại miền Nam thì người con gái gia nhập Hội LHPN ở địa phương, một người con trai chuyển công tác từ sân bay Quy Nhơn sang làm ở Viện Khoa học xã hội TPHCM, con trai út tham gia Lực lượng Thanh niên xung phong, sau về đi học lại rồi làm việc ở một công ty điện tử, chồng của tiến sĩ Thu Nguyệt cũng làm việc ở Viện Khoa học xã hội TPHCM.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt (bìa phải) chia sẻ tại một chương trình về sách và văn hóa đọc diễn ra tại TPHCM ngày 22/4 - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, từng thành viên gia đình đều cố gắng để chứng minh “khoảng cách còn lại” kia là do hậu quả của chiến tranh, không ai mong muốn. Điều họ hướng tới chính là sự sum họp, là tạo dựng cuộc sống mới. “Tôi kể câu chuyện riêng này để thấy rằng, hòa hợp dân tộc trước hết phải trong chính gia đình, nơi từng cá nhân trong nỗ lực hóa giải, hòa hợp và được tiếp sức bằng tình yêu, sự gắn bó của tình thâm, mối quan hệ gia đình” - bà đúc kết.
Tình thân vượt lên chiến tuyến
“Khoảng cách còn lại” cũng là câu chuyện của rất nhiều gia đình sau chiến tranh. Bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm - nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM - nói về hiện tượng cùng 1 gia đình nhưng các thành viên đứng ở 2 chiến tuyến: “Miền Nam ngộ lắm”. Có cha là Huỳnh Văn Một - Trưởng ban Quân sự miền Đông, người trực tiếp chỉ đạo Phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa của huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An) - và mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Huê nhưng từ nhỏ, bà Minh Tâm lại lớn lên ở nhà ngoại - nơi các cậu ruột và dượng của bà đều làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Bà Minh Tâm nhớ lại, khoảng năm 1963-1964, trong quá trình hoạt động, mẹ bà bị lộ, được điều lắng (đưa đi vùng xa xôi, hẻo lánh để tránh địch) ra Phước Hải (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay). Khi đi, bà Dương Thị Huê mang theo 5 đứa con còn nhỏ và vẫn hoạt động cách mạng. Điều kiện đi học ở Phước Hải khó khăn nên bà Minh Tâm được mẹ gửi về nhà ngoại ở khu vực Tân Hòa Đông (quận 6, TPHCM bây giờ). Hằng ngày, bà đều được dượng của mình là ông Nguyễn Văn Thao - bấy giờ là quan chức Bộ Xã hội của Việt Nam Cộng hòa đưa đi học bằng xe hơi. Trước đó, có giai đoạn ông này làm Quận trưởng quận Gò Dầu.
Ở nhà ngoại đến năm 1965, bà Minh Tâm thoát ly vô vùng giải phóng, hoạt động cách mạng. Thời điểm đó, cậu ruột của bà là ông Tô Tiến Nghĩa cũng đang làm Giám đốc Xổ số quốc gia của Việt Nam Cộng hòa. Được hỏi “lúc đó, có ghét các cậu, dượng của mình không”, bà Minh Tâm bật cười: “Nói trắng ra, cậu, dượng tôi nuôi con Việt cộng còn gì”.
Theo bà, ở bên kia chiến tuyến, vẫn có những người có tình cảm với cách mạng. Thậm chí các cậu, dượng bà cũng được sinh ra trong gia đình cách mạng thời chống Pháp. Tuy nhiên, thời cuộc đưa đẩy, trong những hoàn cảnh bắt buộc, nhiều người phải lựa chọn ở “bên này” hoặc “bên kia”. Trong những hoàn cảnh éo le đó, tình thân là thứ đã vượt lên lằn ranh phe phái để xóa đi những khoảng cách sau cuộc chiến.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Văn Thao đi cải tạo một thời gian rồi trở về. Khi đó, cha bà Minh Tâm đã thành lập Tập đoàn 308 để giúp đỡ cựu chiến binh làm kinh tế nông trường, ông Thao cũng được mời làm việc ở đây.
“Tôi ngàn lần xin lỗi Việt Nam”
80% người tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM là du khách nước ngoài. Và họ đều để lại dòng chữ “No war! Peace!” để phản đối chiến tranh, vinh danh hòa bình trong cuốn sổ cảm tưởng. Trong số đó, có rất nhiều cựu binh Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.
Triển lãm chuyên đề Tìm lại ký ức do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM thực hiện vào tháng 3/2019, thu hút nhiều khách tham quan - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tiến sĩ Trần Xuân Thảo - Giám đốc bảo tàng này - kể: “Phần lớn cựu binh Mỹ vẫn chưa thoát được nỗi ám ảnh mấy mươi năm chiến tranh. Họ hối hận khi nghĩ về cuộc chiến nên đã ngồi trước những bức ảnh và bật khóc. Khi lau khô nước mắt, họ muốn được tham gia một hoạt động nào đó để góp phần hàn gắn những vết thương chiến tranh”.
Ở bảo tàng này, mỗi hiện vật đều có câu chuyện riêng. Bà Xuân Thảo kể, rất đông người đã đến xem triển lãm chuyên đề “Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến”, trong đó trưng bày nhiều bức ảnh về phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, theo quy định của luật pháp nước Mỹ, quân nhân được phép biểu tình nhưng không được mặc quân phục. Bà Susan Schnall đã chống lệnh, vẫn mặc đồng phục y tá hải quân dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối cuộc chiến ở Việt Nam.
Năm 2018, khi sang Mỹ, bà Xuân Thảo được bà Susan Schnall trao tặng chiếc mũ đồng phục của y tá hải quân mà bà từng đội trong cuộc biểu tình. Nhiều cựu binh Mỹ cũng trao tặng những kỷ vật liên quan đến cuộc chiến ở Việt Nam, có người đã bật khóc nức nở: “Tôi ngàn lần xin lỗi Việt Nam”.
Năm 2018, nữ y tá hải quân nổi tiếng Susan Schnall (bìa trái) - Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình của New York (Mỹ) - đã trao tặng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM chiếc nón mà bà từng đội khi tham gia biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Nhận được bất cứ kỷ vật nào của họ, chúng tôi đều trân trọng trưng bày ở bảo tàng. Qua từng kỷ vật là chứng tích chiến tranh, mọi người được cảnh tỉnh, tự nhắc nhở trách nhiệm và trân trọng giá trị của hòa bình” - bà Xuân Thảo nói.
Thu Lê - Tuyết Dân
Kỳ tới: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa bỏ định kiến
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.