|
Thôn Trà Văn A nằm bên bờ suối Nước Xe tan hoang sau trận lũ quét |
“Trước mặt lũ quét, sau lưng núi đổ”
Thôn Trà Văn A nằm bên bờ suối Nước Xe, yên ổn và hiền hòa qua bao mùa rẫy. Rồi một ngày, bống chốc nó cuộn mình giận dữ, cuốn phăng tất cả. Những ánh mắt thất thần, vô hồn cứ mãi hướng về phía sông. Nơi đó, của cải của cả một đời tích cóp bỗng chốc trôi theo dòng nước.
Quầy tạp hóa của chị Hồ Thị Thu (42 tuổi, thôn Trà Văn A) nằm ngay đầu thôn, thường ngày tấp nập người ra vào để mua bán hàng hóa nay cũng… đông nghịt nhưng không ai mua bán. Những người dân đứng đó để chờ đoàn cứu trợ.
Đã nhiều ngày rồi, con đường bị chắn ngang bởi những ngọn đồi ầm ào đổ xuống khiến họ quay quắt bên dòng nước lũ, từng ngày dõi mắt về phía bên kia chờ đoàn cứu hộ tới. Cây cầu treo cũng bị cuốn phăng, chỉ còn lại những mố cầu nằm rải rác ở đôi bờ. Ở giữa là con suối đục ngầu ầm ào chảy.
“Tối đó, mưa như trút. Rồi nghe tiếng nổ lớn, rung lắc. Hai vợ chồng chỉ kịp ôm 2 đứa con lao ra phía ngoài. Ướt nhẹp. Rồi chạy ra phía nhà làng ở sau lưng. Chừng đâu 5 phút, quay đầu nhìn lại thì nước đã ngập tới nóc nhà. Nhanh khủng khiếp”- chị Thu nhớ lại.
Tối 28/10, nước từ đâu đổ về khiến con suối Nước Xe dâng cao đột ngột, cuốn phăng mọi thứ. Có 29 ngôi nhà của thôn Trà Văn A bị cuốn trôi sạch sẽ, chỉ còn trơ lại cái nền.
|
Đã có 29 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 4 căn nhà hư hỏng trên 70% |
“Trước mặt là con suối đang cuồn cuộn chảy, sau lưng núi lại ầm ầm đổ xuống. Không biết chạy đường nào. May mà ngọn núi phía sau cái nhà làng, có kè đá khá chắc nên mới có chỗ trốn. Chỉ cần mưa thêm một chút nữa thôi thì cả cái làng này chẳng biết như thế nào”- già Hồ Văn Hồng (72 tuổi) kể.
Những ngọn đồi ở phía sau lưng làng đã sụt lở, mở ra từng miếng toang hoác. “Dân giờ chẳng biết đi đâu để tránh. Con suối Nước Xe đã không còn hiền nữa rồi”- già Hồng nói, rồi cố kéo những tấm gỗ lấm lem bùn đất, hi vọng tìm được gì còn sót lại.
Có còn gì nữa đâu ngoài lớn bùn non đã khô, đóng váng vàng khè ở phía nóc nhà. Nước cỡ đó, không thứ gì có thể giữ. Cái cầu treo bắc qua con suối, nối giữa 2 bờ để bà con đi lại đã bị cuốn phăng. Dây cáp to như cổ tay người lớn nay nằm vắt vẻo ở hai bên bờ.
“Lúc đó, chỉ biết chạy để toàn mạng trước. Sau khi để 2 đứa con ở nhà làng rồi quay ra lấy tiền cất trong tủ thì thấy nhà đã chìm trong biển nước. Cả mấy trăm triệu lận. Vì nhà bán tạp hóa, tiền hàng, tiền người dân gửi để lấy hàng… giờ mất trắng”- chị Thu không khóc, nhưng đôi tay cứ vân vê cái áo, như muốn xé rách cả cái áo ấy.
|
Tất cả chỉ còn lại đống đổ nát |
Mấy ngày nay, hai vợ chồng chị cứ men theo bờ suối, nuôi một chút hi vọng mong manh, là tìm được cái gì đó - của mình. Rồi cuối ngày lại nhìn nhau. Lầm lũi.
Bà Hồ Thị Phiên (64 tuổi) cùng với mấy đứa cháu đang quây quần bên cái bếp được kê lên bằng mấy viên gạch vỡ. Nhóm lửa, rồi nấu cháo bằng mấy nắm gạo còn sót lại. Nhà bà ở phía sát bờ suối, giờ chỉ còn lại cái nền nhà lấm lem bùn đất. Cạnh đó, là những hàng xóm của bà, cũng chả có gì khá hơn.
“Lúc đó mọi người hô hoán nhau rồi chạy thục mạng, không biết gì nữa. Bộ áo quần này, đã 4 ngày rồi, đâu còn cái nào mà thay. Mấy đứa trẻ trẻ, thì đi dọc bờ suối, tìm lại mấy cái áo, cái quần còn sót lại dưới đồng bùn. Giặt đi rồi thay, chứ mình già rồi. Cũng chả sao”- bà cười, với tay khơi ít than cho lửa cháy đượm.
Khó khăn chồng chất
Ông Hoàng Đình Ba - Bí thư Đảng ủy xã Phước Kim chỉ thốt lên: “may mắn quá” khi kể về sự việc. Không may sao được khi 29 ngôi nhà bị cuốn phăng, 4 ngôi nhà bị hư hỏng trên 70% nhưng không một ai thiệt mạng. Đó là điều quá may mắn.
|
Chị Hồ Thị Thu vẫn chưa hết bàng hoàng khi cơn lũ quét qua, cuốn sạch mọi thứ trong nhà. Mức nước ngập đến nóc nhà chị Thu. |
Hiện tại, nhiều người đã tạm trú tại nhà của người thân mình nhưng cũng có nhiều nhà phải dựng lều bằng các tấm bạt cũ còn sót lại để tạm thời sinh sống qua ngày. “Địa phương đã huy động toàn lực để tiếp tế cho bà con trong 5 ngày vừa qua, đồng thời chia sẻ lương thực cho xã Phước Thành. Đời sống bà con sau bão gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những hộ bị cuốn trôi nhà hoàn toàn. Hiện tại, xã đã bố trí cho những hộ bị mất nhà lên nhà làng ở tạm, nhưng để dựng được nhà mới cho họ thì khó lắm. Nhân, tài, vật, lực đều thiếu. Ít nhất là trong khoảng 2 tuần tiếp theo bà con phải ở tạm nhà làng rồi tính tiếp”- ông Ba cho hay.
“Để nói giờ phải bắt đầu lại từ đâu, mình không biết. Mất mát quá lớn. Heo, bò, gà vịt gì chẳng còn lấy một con. Lúa trong bồ, trong kho cũng mất. Ở nhà người thân chỉ là tạm thời thôi. Ai cũng còn gia đình họ nữa. Mình ở mãi sao được”- anh Hồ Văn Vinh bần thần.
Ông Hoàng Đình Ba cho biết, đối với thôn Trà Văn A bố trí, sắp xếp dân cư rất khó khăn do không có mặt bằng. Theo tính toán, thì xã sẽ phải sử dụng diện tích sân vận động ở giữa làng để bố trí cho những hộ bị mất nhà.
“Về lâu dài sẽ bộn bề gian khó. Khó nhất là địa điểm, chỗ ở và làm sao để tái thiết, ổn định được đời sống nhân dân khi ruộng rẫy bị mất rất nhiều. Tất nhiên, nhà nước và những nhà hảo tâm sẽ không để họ bị đói. Nhưng đó vẫn chỉ là tạm thời, vì đã mất đất sản xuất, họ lấy gì để phát triển kinh tế gia đình”- ông Ba trăn trở.
|
Bà Hồ Thị Phiên bần thần, ngồi trong túp lều dựng tạm |
Những đứa trẻ thôn Trà Văn A ùa ra phía bờ suối, lội nước ngang ngực để chơi đùa, để đón những đoàn thiện nguyện phía bên kia đã bắt đầu đến. Cả một triền suối mênh mông giờ trở thành sân chơi của chúng. Nắng đã xuất hiện. Nhưng phía sau lại là tin cơn bão số 10 đang diễn biến khó lường sắp đổ về. Sau bão lũ, là bộn bề gian khó.
Sáng ngày 2/11, Công ty TNHH Lý Châu Giang (đóng tại huyện Phước Sơn) đã hỗ trợ cho bà con thôn Trà Văn A 1 tấn gạo, kèm theo các vật dụng gia đình để họ sinh sống qua ngày như: chăn mền, xoong nồi, kem đánh răng, dầu ăn, gạo muối… Ngoài ra, công ty này còn hỗ trợ 1 máy phát điện đủ để người dân ở đây thắp sáng vào ban đêm.
Công ty cũng sẽ tài trợ 15 ngôi nhà (50 triệu/căn) cho những người bị lũ cuốn trôi, mất trắng nhà trong đợt lũ vừa qua.
|
Nguyễn Dương