|
Michiel Vos - người sáng lập CocoPallet - đã áp dụng kỹ thuật làm pallet từ xơ dừa để thay thế pallet gỗ, góp phần tạo thêm thu nhập cho nông dân, giảm ô nhiễm cũng như biến đổi khí hậu - Ảnh: Cocopallet |
Vật liệu từ dừa được xem là lựa chọn hiệu quả về chi phí, khả năng tiếp cận và tính bền vững. Điều này đặc biệt đúng ở các nước đang phát triển. Đối với những quốc gia giàu có, xơ dừa cũng phổ biến và là một phần quan trọng của cái gọi là “đường bờ biển sống” sử dụng các yếu tố tự nhiên thay vì các vật liệu cứng bằng gỗ, thép hoặc bê tông.
Vật liệu làm từ dừa sẽ phân hủy sinh học theo thời gian. Trước khi thực hiện, đôi khi người ta đục lỗ trên các khúc gỗ xơ dừa rồi gieo vào đó hạt các loại cây và cỏ ven biển. Các khúc gỗ giúp hạt mầm bén rễ và phát triển, cuối cùng bị phân hủy và để lại mảng thực vật để ổn định
bờ biển.
“Nhân vật trung tâm” của các dự án kiểm soát xói mòn
Một dự án như vậy đang được triển khai dọc một đoạn bờ biển bị xói lở ở Neptune, New Jersey - nơi từng chịu thiệt hại nghiêm trọng do siêu bão Sandy gây ra vào năm 2012. Dự án trị giá 1,3 triệu đô la này dựa trên nguồn trợ cấp liên bang và ngân sách địa phương do American Littoral Society - một nhóm bảo tồn ven biển - thực hiện.
Tim Dillingham - Giám đốc điều hành của nhóm - cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng tiêu giảm năng lượng sóng trong khi bảo vệ bờ biển và bất cứ khi nào có thể, các giải pháp dựa vào thiên nhiên sẽ được ưu tiên sử dụng”. Tim còn cho biết vật liệu từ dừa dễ tiếp cận và tương đối rẻ so với các vật liệu cứng hơn.
Julia Hopkins - trợ lý giáo sư tại Đại học Northeastern (Boston, Mỹ) - đang sử dụng xơ dừa, dăm gỗ và các vật liệu khác để tạo ra những tấm thảm nổi nhằm giảm bớt sức mạnh của sóng và khuyến khích sự phát triển của thảm thực vật dưới nước. Một dự án thí điểm đặt những tấm thảm này được thực hiện ở các tuyến đường thủy xung quanh Boston. “Xơ dừa là vật liệu hữu cơ, tương đối rẻ và thường bị vứt bỏ. Đây thực sự là dự án tái chế đầy hiệu quả” - cô nói.
Một dự án ở Austin, Texas (Mỹ) giúp ổn định một phần bờ hồ Austin. Dự án được giám sát từ năm 2009 đến 2014 cho thấy tình trạng xói mòn đã giảm và thực vật bản địa ở mép nước phát triển tốt.
Indonesia là nước xuất khẩu dừa lớn nhất thế giới, với hơn 17 triệu tấn vào năm 2021. Các nhà khoa học từ Chương trình Hải dương học của Viện Công nghệ Bandung đã sử dụng vật liệu trấu dừa (xơ dừa) để xây dựng một “bức tường biển” ở làng Karangjaladri của Pangandaran Regency vào năm 2018.
Cư dân của đảo Diogue ở Senegal sử dụng các công trình bằng gỗ, lá dừa và củi để cải tạo những khu vực bãi biển bị xói lở. Hồ Lac des Battures trên đảo Nuns' của Montreal (Canada) cũng sử dụng thảm xơ dừa để hạn chế sự phát triển của lau sậy xâm lấn dọc theo bờ biển.
Khi thời tiết trở thành "kẻ thù"
Những nỗ lực bảo vệ bờ biển đang bị xói mòn tại khu bảo tồn động vật hoang dã Felix Neck đã có một bước tiến quan trọng với việc triển khai dự án “đường bờ biển sống” quy mô đầu tiên vào năm 2016. Mỗi khúc gỗ dài khoảng 3m, làm bằng xơ dừa dày đặc, được giữ cố định bằng các cọc gỗ và các bao bố chứa đầy vỏ dừa đặt quanh cấu trúc dài hơn 30m. Mục đích chính của dự án là ổn định và phục hồi đầm lầy khi đối mặt với bão và nước biển dâng.
Ngoài sự đóng góp của người dân, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cũng cung cấp kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật.
|
Những khúc gỗ xơ dừa được lắp đặt vào ngày 31/1/2023 trên bờ sông Shark ở Neptune, New Jersey - nơi Hiệp hội Bờ biển Mỹ đang thực hiện dự án phục hồi bờ biển kết hợp xơ dừa - Ảnh: Ap/Wayne Parry |
Mặc dù dự án đã giúp giảm xói mòn trong một thời gian nhưng xơ dừa không tồn tại được lâu do tác động của sóng mạnh. Suzan Bellincampi - Giám đốc khu bảo tồn - cho biết: “Dự án đã bị hư hại nhiều lần. Chúng tôi đã triển khai trong vài năm và bây giờ chúng tôi quyết định dừng lại. Dự án này chỉ có thể hoạt động tốt ở một số nơi…”.
Tương tự, gần đây, chính quyền đảo Chapel ở Nova Scotia (Canada) đã sử dụng thảm xơ dừa và khúc gỗ xơ dừa để bảo vệ bờ biển nhưng đa phần đều bị hư hại do thời tiết xấu. Một lần nữa, các nhà khoa học môi trường lại tiếp tục công cuộc nghiên cứu nhằm tăng tuổi thọ cho vật liệu xơ dừa để tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có.
Theo Trung tâm Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường ở Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), “đường bờ biển sống” là phương pháp kiểm soát bờ biển tốt nhất để duy trì và bảo vệ môi trường cũng như cộng đồng ven biển khi được thiết kế, xây dựng và bảo trì phù hợp. Không giống như nhiều dự án khôi phục bờ biển, “đường bờ biển sống” nhằm mục đích bảo tồn sự nguyên vẹn tự nhiên của vùng đất.
Giảm thiểu phá rừng bằng… vỏ dừa
Theo trang Agriculture Monthly, ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 15,3 tỉ cây bị đốn hạ và 46% lượng cây trên thế giới đã bị xóa sổ trong 12.000 năm qua.
CocoPallet (Hà Lan) là một trong những công ty đang hành động để giải quyết vấn đề này, góp phần giảm thiểu các trường hợp phá rừng. Công ty đưa ra giải pháp bằng cách sản xuất pallet (kệ kê hàng) được làm từ gáo dừa để thay thế các pallet gỗ trước đây. Chi phí sản xuất pallet gáo dừa cũng rẻ hơn rất nhiều so với pallet gỗ.
Vỏ dừa chứa lignin - một chất kết dính tự nhiên có trong gỗ - giúp hạn chế việc sử dụng keo nhân tạo trong quá trình sản xuất.
|
Các khúc gỗ xơ dừa là một phần của dự án “đường bờ biển sống” tại khu bảo tồn động vật hoang dã Felix Neck, Massachusetts - Ảnh: Alex Elvin |
Kỹ thuật làm pallet từ xơ dừa được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Wageningen (Hà Lan), trong đó có Jan Van Dam - một nhà khoa học thực vật. Sau đó, công nghệ trên được người sáng lập CocoPallet - Michiel Vos - áp dụng và đưa ra thị trường.
Ở nhiều nước nhiệt đới, vỏ dừa thường bị vứt đi. Tuy nhiên, Van Dam cho rằng vỏ dừa rất hữu ích và có nhiều tiềm năng sử dụng. Theo ông, bằng cách sử dụng xơ dừa như một vật liệu thay thế gỗ, chúng ta có thể tạo thêm thu nhập cho nông dân, giảm ô nhiễm cũng như biến đổi khí hậu đồng thời góp phần ngăn chặn nạn phá rừng.
Năm 2005, Van Dam thực hiện một số dự án thử nghiệm ở Philippines. Tuy nhiên, do một số địa phương thiếu điện, dự án không mang lại kết quả như mong đợi. Sau đó, Michiel Vos đã tìm đến Van Dam để hỏi về các giải pháp thay thế gỗ trong việc sản xuất pallet. Van Dam khuyên ông nên tận dụng vỏ dừa bởi chất liệu này rất dễ tìm, đặc biệt là ở châu Á.
“Pallet xơ dừa mang ưu điểm có khả năng chống cháy, bền, nhẹ và rẻ hơn so với các pallet kiểu cũ. Thiết kế mới giúp chúng dễ dàng xếp chồng lên nhau, tiết kiệm không gian” - Vos cho hay.
Thụy Ngọc