|
Ba mẹ tác giả tay trong tay hạnh phúc trong ngày mẹ tác giả xuất viện |
Mẹ tôi nằm viện 1 tuần vì mấy viên sỏi ở trong thận. Chuyện này chuyện nọ phải lo và dựa trên thể trạng của mẹ mà anh tôi - cũng là bác sĩ điều trị cho mẹ - đã tìm được cách phù hợp để mẹ tôi có thể sống tiếp, sống chung hòa bình với những viên sỏi vô duyên đó.
Ba tôi gọi mỗi ngày vài bận, giọng điệu lúc nào cũng hồi hộp lo lắng. Có khi tôi đưa điện thoại cho mẹ nói nhưng nhiều lần tôi phải trực tiếp kể rõ bệnh tình cho ba nghe. Mỗi lần như thế, mẹ dỏng tai lên nghe tôi kể gì với ba về bệnh trạng của mình.
Rồi đến chiều, khi ba gọi bằng video, mẹ tôi sẽ kể lại lần nữa, y như cũ, rằng hôm nay em đã làm gì, cảm thấy thế nào, ngày mai sẽ ra sao… Toàn những thông tin cũ mà mẹ vẫn cứ kể như là thông tin rất nóng. Ở đầu bên kia, ba tôi nghe như nuốt từng lời, như chưa hề biết gì, thông tin bà kể như xoa dịu cõi lòng nóng hổi của ông. Rồi ông động viên: “Ráng lên mấy ngày nữa thì khỏe, mình về nhà, trái đu đủ của em sẽ vừa chín tới”.
Chúng tôi ngồi nhìn nhau tủm tỉm cười, ăn “cơm chó” riết cũng quen và hay chọc ghẹo nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt như vậy thì chúng tôi không dám. Dứt được cuộc gọi, tôi lấy thuốc cho mẹ uống lần nữa rồi tắt đèn, kêu mẹ ráng ngủ. Mẹ nằm đó nhắm mắt, có ngủ liền hay không tôi không chắc. Tôi nằm trên chiếc giường tạm của người nuôi bệnh cạnh đó, xoay lưng ôm điện thoại… nước mắt ứa ra.
Sáng hôm sau, trước 6g, các cô điều dưỡng đi đo huyết áp để giao ban. Ngay sau đó, ba tôi sẽ gọi. 2 cuộc gọi cách nhau 1 giấc ngủ, vậy mà cũng thật nhiều chuyện để kể. Chuyện cây mướp ra hoa cây cà ra trái, chuyện ốc sên ếch nhái kêu đầy trời sau trận mưa. Ba tôi kể cả những đợt gió mát rượi ở sau nhà thổi tới, rồi sáng nay cô Bảy bạn mẹ bỏ trước nhà một bịch xoài chín cây, chắc là cô chưa hay chuyện mẹ nằm viện.
Còn mẹ, rằng đêm qua em nhắm mắt để đó, chắc phải hơn 10g mới ngủ thiệt, con Bồ Câu chắc lạnh nên nằm co ro, em tự đi tiểu được nên không gọi nó, con nhỏ nằm ngủ mà cái dáng cũng cô đơn…
Tôi đánh răng rửa mặt bước vô, nghe được đoạn cuối như thế thì tròn mắt, hóa ra hồi hôm mẹ dám tự mình vô toilet à, sao không kêu con dậy, dây nhợ lòng thòng rủi té làm sao… Mẹ cười cười khoát tay rồi ráng nói thêm dăm câu kết thúc cuộc họp “giao ban” sáng với ba.
Ngày mẹ xuất viện, em trai tôi chở ba xuống rước. Ba nắm tay dắt mẹ đi dọc hành lang. Mẹ vừa đi vừa giới thiệu cho ba biết phòng này làm gì, phòng bác sĩ ở đâu… Chị em tôi xách giỏ đùm đề theo sau thật chậm, vì “đôi trẻ” vừa đi vừa gọi nhau anh anh em em kể tùm lum chuyện trong… 2 giờ ông ngồi trên xe.
Cô điều dưỡng làm nốt phần việc sau cùng là đưa mẹ tôi tới chân thang máy đã nhìn thấy hết, rồi nhìn sang chị em tôi. Em trai tôi nháy mắt, sáng nay 4g sáng thức dậy kêu đi rồi đó, chắc nhớ lắm rồi. Cô điều dưỡng rút điện thoại chụp 2 bàn tay nhăn nheo đang nắm nhau, 1 tay còn đeo băng bệnh viện chưa kịp gỡ. Cô chụp 2 cái bóng già nua đang tựa vô nhau mà bước. Chụp xong, cô xin được “tự sướng” với ông bà 1 tấm hình để “lấy vía hạnh phúc” vì cô vừa lấy chồng… Ông bà không chút ngại ngần, nghiêng đầu vào nhau như một phản xạ vô điều kiện, nhoẻn miệng cười thật tươi…
Bức tranh về hạnh phúc đã diễn ra như thế trong cuộc đời tôi, gần 50 năm trời. Nhưng chuyện xin vía thì tôi không chắc. Xin mà được hẳn tôi đã có một rổ, một đống hay là cả một cánh đồng. Hạnh phúc là thứ thật khó nắm bắt nhưng vẫn luôn là thứ để khát khao. Ba mẹ tôi cảm ơn cô điều dưỡng rồi bước vô thang máy. Cửa thang máy đóng, mẹ tôi bắt đầu kể: “Con bé điều dưỡng này dễ thương lắm anh, bữa trước em bị chảy máu mà nó xử lý nhanh gọn lẹ rồi trấn an em nữa…”.
Tôi bắt đầu lờ mờ nhìn thấy bí kíp. Hình như, để hạnh phúc, ba mẹ tôi sẽ là người kể chuyện cho nhau. Bất kể chuyện gì xảy ra trước mắt mình, họ kể cho nhau nghe hết. Mẹ tôi có thể không đi đám giỗ, đám cưới, đám tang nhưng không khí, bàn tiệc, thái độ, tinh thần của sự kiện ấy ba tôi kể lại hết cho mẹ nghe. Mẹ tôi có thể không có mặt trong khi ông ngoại dẫn các con đi đo đạc đất đai để “chia của” nhưng từng câu nói, từng thái độ của các ông anh mình, mẹ tôi nắm được hết thông qua ba tôi. Không có một vết gợn nào như kiểu tôi đã từng trải qua trong cuộc hôn nhân của mình.
Có thể các chuyên gia tâm lý tình yêu hôn nhân khuyên rằng cần giữ cho mình một khoảng trời riêng, một sự bí ẩn nào đó để người bạn đời luôn có thứ muốn tìm hiểu. Nhưng ba mẹ tôi thì ngược lại hoàn toàn. Họ trong veo trong mắt nhau, trong tâm trí nhau. Họ là thành trì cuối cùng của nhau, là sức mạnh của nhau. Họ thực sự hòa quyện, chỉ có thể xác là vận hành riêng nên có lúc, 1 người phải ở bệnh viện, còn 1 người “bị bắt” phải ở nhà mà thôi.
Xin vía hạnh phúc, tôi không chắc có được hay không nhưng mà cả bí kíp làm người kể chuyện cho nhau, người trong veo trong mắt nhau của ba mẹ tôi, xem ra cũng khó mà thực hiện quá chừng.
Dù sao, khi nghe mẹ kể về cô điều dưỡng trong thang máy xong, cả nhà tôi đều thầm chúc cô ấy hạnh phúc.
Gia Hoà