PNO - PN - Do quá ít sữa hoặc mới vừa sinh mổ chưa có sữa, nhiều sản phụ đã xin sữa từ các bà mẹ khác cho con. Họ hy vọng, nguồn sữa mẹ có nhiều kháng thể sẽ giúp con chống chọi bệnh tật, nhưng liệu các nguồn sữa này có an toàn...
edf40wrjww2tblPage:Content
Cho nhận vô tư
Sáng 21/5, tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ, chúng tôi theo chân người nhà một sản phụ tên T. vừa sinh mổ bị tắc sữa, phải đi xin sữa từ các bà mẹ khác. Tại Khoa Hậu sản, phòng 317 có hai sản phụ vừa sinh. Sau khi hiểu được tâm tư của chị T., một sản phụ khoảng 25 tuổi nói: “Em vừa sinh mổ, chưa có sữa. Cũng đang tính đi xin sữa cho con bú”. Khi người nhà sản phụ T. gõ cửa phòng 413, một sản phụ tên H. đã tận tình giúp đỡ. Chị H. mới sinh được hai ngày, nhưng sữa tiết nhiều, bị căng tức ngực, phải vắt bỏ bớt. Chị H. còn nhiệt tình kêu chúng tôi nếu được hãy mang bé qua để chị cho bú trực tiếp. Sau hơn 15 phút chờ đợi, chúng tôi đã được chị H. trao cho bình sữa gần 20ml. Việc xin sữa tuy hơi vất vả nhưng không khó tại BV Từ Dũ.
Trước đó hai ngày, vào tối 19/5, tại BV Nguyễn Tri Phương, chúng tôi cùng người nhà sản phụ tên N. (28 tuổi) đi xin sữa. Lúc này Khoa Sản có 18 sản phụ mới sinh. Khi nghe chúng tôi giãi bày, một cụ bà là người nhà của sản phụ “quyết” luôn: “Về phòng ẵm bé qua để cho bú trực tiếp, bú khi nào no mới thôi. Còn nếu bé yếu quá không ẵm qua được, cứ để bình lại đây, đợi khoảng năm phút vắt xong sữa rồi quay lại lấy”. Tương tự, tại nhiều phòng khác của BV Nguyễn Tri Phương, nhiều sản phụ sẵn lòng cho sữa để giúp những bé sơ sinh vừa chào đời bị thiếu sữa mẹ.
Sữa mẹ cần được bảo quản đúng cách. Tại Bệnh viện Hùng Vương, có ngân hàng sữa mẹ dành cho người có con mắc bệnh lý sơ sinh
Việc xin - cho sữa mẹ không chỉ diễn ra trong BV mà nhiều sản phụ khi đã xuất viện cũng sẵn sàng tham gia các câu lạc bộ, trang mạng xã hội để chia sẻ nguồn sữa của mình cho những trẻ thiếu sữa mẹ. Trên diễn đàn của “Hội nuôi con bằng sữa mẹ”, một bà mẹ có nickname Phuong Phung viết: “Mẹ nào có sữa mẹ cho con bú không hết không? Cho mình xin cho bé con ba tuần tuổi ở trại mồ côi. Tội nghiệp con mới sinh vài ngày bị mẹ bỏ ngoài đường nên mọi người mang về trại mồ côi. Mình thấy đau lòng quá”. Ngay lập tức, thông tin này nhận được sự đồng cảm và chia sẻ mạnh mẽ của cộng đồng mạng. Một bà mẹ tên Huỳnh Kim Thoa chia sẻ: “Mình ở quận 9 đang có con nhỏ, nhưng biết bạn ở đâu mà cho bú nhờ”. Hay một bà mẹ có nickname Thanh Huyền viết: “Mình sinh đôi, hiện chỉ đủ sữa cho mỗi con hai bữa/ngày thôi. Mẹ nào có nhiều sữa cho mình xin hoặc mua cho hai bé nhà mình với. Số của mình là 0983…”. Không chỉ có người tìm sữa mẹ mà ngay cả những bà mẹ dư sữa cũng muốn chia sẻ cho cộng đồng. Nickname Ih Ah ở Thái Nguyên viết: “Mình có nhiều sữa, để ngăn đá tủ lạnh. Bé nhà mình còn nhỏ bú không hết, để lâu sữa hỏng, bỏ đi rất phí. Nếu có mẹ nào cần sữa cho con thì liên lạc với mình, mình tặng”.
Nhu cầu tìm sữa mẹ cho con rất lớn, đặc biệt mấy ngày qua dư luận đang xốn xang về trường hợp một ông bố trẻ đơn thân, lặn lội khắp nơi tìm xin sữa mẹ cho con vì vợ mất do tai biến sản khoa. Ý tưởng của ông bố trẻ này được nhiều cư dân mạng đồng tình khi cho rằng nên liên kết một mạng lưới các mẹ dư sữa, có thể chia sẻ cho các bé mà mẹ của chúng không có hoặc mất sữa.
Tuy nhiên...
Xin sữa mẹ ở Bệnh viện Từ Dũ
Cần sàng lọc kỹ
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM khuyến cáo: Việc cho bé uống sữa từ các mẹ khác, nhất là từ những người không quen sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nếu người cho sữa mắc các bệnh như: viêm gan B, C, nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Ngoài ra, nếu người cho sữa đang dùng các loại thuốc hoặc chất độc hại (rượu, bia, thuốc lá hoặc các loại thuốc như: lợi tiểu, morphine, tetracycline, an thần…) thì các chất độc này có thể qua sữa và ảnh hưởng đến bé.
TS-BS Lê Thị Thu Hà, BV Từ Dũ băn khoăn: “Ý tưởng thành lập ngân hàng sữa mẹ để chia sẻ cho những trẻ thiếu sữa mẹ là rất tốt và mô hình này đã có ở một số nước. Tuy nhiên, nếu ngân hàng sữa mẹ chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận nguồn sữa và phân phối mà không kiểm định chất lượng sữa do người lạ gửi đến sẽ khó đảm bảo an toàn. Vì không như sữa công nghiệp, sữa mẹ khi đưa vào ngân hàng chỉ nhằm dự trữ, không được tiệt trùng nên nguồn sữa càng phải đảm bảo sạch”. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ, người cho sữa cần được sàng lọc kỹ càng, cụ thể, phải được xét nghiệm bắt buộc HIV, viêm gan B, viêm gan C và giang mai. Người cho sữa không được hút thuốc hoặc dùng bất kỳ loại thuốc, thảo dược hoặc hoạt chất đặc biệt nào. Nếu bà mẹ bị cảm lạnh sẽ không được cho sữa. Nếu bà mẹ uống rượu thì phải ngừng tối thiểu 12 giờ trước khi cho sữa. Một lượng nhỏ rượu, thuốc men, hoặc các loại thảo mộc trong sữa có thể có vấn đề với sức khỏe của bé. Sau đó, nhà phân phối phải ký vào bản xác nhận người cho sữa khỏe mạnh. Vì vậy, nếu việc cho sữa dựa trên kêu gọi cộng đồng đóng góp tự nguyện mà không có cơ quan y tế kiểm định, điều hành thì sẽ rất khó đảm bảo. Tại Việt Nam, trước sinh, thai phụ chỉ mới được xét nghiệm các bệnh lý cơ bản, chứ ít người xét nghiệm các bệnh lý di truyền hoặc bị viêm vú do lao…; chưa kể có bệnh còn ở trong giai đoạn cửa sổ.
Hiện TP.HCM có BV Hùng Vương lập ngân hàng sữa mẹ nhưng chỉ dành cho những bà mẹ có con mắc bệnh lý sơ sinh và sữa của bà mẹ nào dùng cho con của bà mẹ đó. BS Trần Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Hùng Vương tư vấn: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ sau sinh cần được bú mẹ ít nhất sáu tháng đầu. Tuy nhiên một số trẻ sau sinh có vấn đề về sức khỏe như: suy hô hấp, nhẹ cân, thiếu tháng… nên được chuyển đến điều trị tại khoa nhi sơ sinh. Từ năm 1995, BV Hùng Vương đã thành lập Ngân hàng sữa mẹ. Ngân hàng này sẽ nhận sữa của các bà mẹ có con đang điều trị tại khoa nhi sơ sinh và sữa của mẹ nào chỉ dùng cho con của họ. Hiện nay, mỗi ngày Phòng Sữa - Khoa Dinh dưỡng BV Hùng Vương nhận từ 30-35 lượt bà mẹ gửi sữa, trong đó có trường hợp bà mẹ gửi hai-ba lần/ngày. Trung bình khoảng 15-20 bé nhận sữa mẹ từ ngân hàng.
Hoàng Sa - Tinh Châu
Các bác sĩ sản khoa khuyên, đối với những sản phụ sau sinh bị ít sữa hoặc mất sữa, trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân: do lo âu, mất ngủ, cho bé bú không thường xuyên hoặc cho bú không đúng cách, kiêng ăn làm mẹ ăn kém không đủ năng lượng để tạo sữa. Các bà mẹ sau sinh thường cho rằng chưa có sữa vì chưa ăn được hoặc còn mệt… đã cho trẻ bú sữa bột thay thế ngay từ đầu. Điều này ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú mẹ những ngày sau đó, trẻ sẽ không bú mẹ vì đã quen vị sữa bột, trẻ không bú cũng khiến mẹ mất sữa do tắc sữa. Để kích thích mẹ tiết sữa tốt hơn, các bà mẹ nên ngủ đủ giấc, cho bé bú mẹ hoàn toàn, không xen sữa bột thay thế, uống đủ 3lít nước/ngày, ăn đầy đủ chất, có thể chọn các thức ăn giàu đạm như: thịt bò, heo, tôm, cá, trái cây tươi, và bổ sung một-hai ly sữa/ngày. Chịu khó ăn các món ăn lợi sữa như móng giò hầm đậu phộng, đuôi heo hầm đu đủ, canh thịt heo hoàng kỳ, móng giò hầm đậu đen, gà ác hầm thuốc Bắc, rau lang nấu thịt bò, cơm nếp thịt gà… Cần cân nhắc kỹ trước khi xin sữa người khác cho con.