Hồi bé, tôi không hiểu nhiều về tình làng nghĩa xóm, chỉ nghe mẹ dạy thì gật gật vậy thôi. Mãi sau này lớn lên, tôi mới hiểu thứ tình cảm ấy quý giá nhường nào. Năm nay về ăn tết ở quê, tôi lại nhớ chú Hưng - người vẫn cắt lá dong cho tôi mang về gói bánh thuở lên mười.
Lũ trẻ chúng tôi cứ tết đến là rất quậy phá, vì đã học hành xong hết học kỳ, bài tập cũng vơi đi hẳn. Thời gian tết là thời gian vàng ngọc để chúng tôi quậy đã đời, phá làng phá xóm. Để “kiếm chuyện” cho chúng tôi làm, ba mẹ sẽ sai vặt rất nhiều thứ, đứa thì dọn nhà, đứa đi chợ tết cùng mẹ, đứa qua hàng xóm “giao lưu” đổi chác ít đồ.
Tôi là đứa nằm trong nhóm đi giao lưu như thế. Đơn giản vì tôi không quá bé, cũng không quá lớn. Bé thì không ôm nổi đồ, mà lớn thì biết xấu hổ. Trong mắt ba mẹ, cứ lỡ cỡ như tôi là được việc. Có hôm mẹ sai tôi đi mua chai rượu nhà ông Tư, có hôm thì sang xin nắm rau thơm nhà cô Hoa, có hôm lại sang lấy ít cơm mẻ nhà bà Oanh đầu xóm. Cứ thế, tôi vừa đi vừa ôm mớ đồ xin được, nghêu ngao hát rất vui. Mẹ tôi cũng thường hay bảo tôi sang các nhà kế bên đó mà gửi lại đồ cho họ, khi thì quả bưởi, lúc mấy trái cau, ít tiêu khô mẹ xay sẵn.
|
Trong ký ức của tôi, việc xin lá dong nhà hàng xóm đã thành thông lệ (Ảnh minh họa) |
Hồi ấy tôi đi lê la khắp xóm như thế là vì thích, vì thỏa mãn cái chân đi, chứ nào có biết đó là một cách để ba mẹ giảm bớt cái tính quậy của mình. Bởi ở nhà rảnh thì lũ chúng tôi bày trò, nào là trèo cây, đánh trận giả, đem đồ trang điểm của mẹ ra mà phá.
Công việc đi xin, đi nhờ, đi đổi chác không lần nào giống lần nào. Chỉ có mỗi một việc là năm nào cũng giống nhau, khiến tôi nhớ mãi. Đó là cứ khoảng chiều 28 tết là mẹ sai tôi sang nhà chú Hưng lấy lá dong về gói bánh. Nhà chú Hưng có con chó dữ, nên năm nào tôi cũng ngại sang đó, có sang đến nơi cũng thập thò ở cửa, rồi gọi í ới. Khi người đàn ông râu tóc rậm bước ra mở cửa, tôi mới yên tâm đi nép vào, mắt nhìn con chó đầy ác cảm.
Chú Hưng cao, đậm người, lúc nào cũng râu tóc bù xù. Ở nhà chú chỉ có mỗi chú và bà cụ, nghe đâu chú lấy vợ rồi vợ mất sớm, thành ra chú ở vậy, chưa con chưa cái, càng không tính chuyện đi bước nữa với ai. Chú nuôi con chó làm vui, trồng mai, trồng kiểng giết thì giờ. Còn nghề chính của chú là quanh quẩn làm vườn, làm ruộng.
Nhà chú Hưng có bụi dong lá rất to, hồi đầu tôi không hiểu vì sao chú giữ lại bụi dong ấy, trong khi chưa năm nào tôi thấy chú gói bánh. Sau này lớn lên tôi mới biết, bụi dong ấy là do vợ chú trồng. Người đàn ông thương nhớ vợ, không nỡ phá bỏ. Mà tết đến, cũng chỉ có mình chú với bà, thành ra chú không gói bánh làm chi cho cực. Ai cần lá thì cứ đến, chú cắt cho thoải mái. Cũng chẳng biết từ khi nào, mẹ tôi biết chuyện rồi cứ tối 30, lúc mà nồi bánh chín là tôi lại có nhiệm vụ xách hai đòn, đem qua cho chú.
|
Những chiếc bánh đẹp nhất, gói cẩn thận nhất sẽ được đem biếu lại cho chú (Ảnh minh họa) |
Tôi thích việc đem bánh tét qua nhà chú lắm, bởi vì sau khi đưa bánh và chúc tết theo lời mẹ dặn, thì chú và bà cụ sẽ cho tôi lì xì. Năm nào chú cũng chuẩn bị một phong bao đỏ, chỉ chờ tôi qua. Mà bọn trẻ như tôi, được cho tiền mua quà thì thích lắm. Bụi dong nhà chú tuy trơ trọi sau tết, nhưng trên bàn thờ là mấy đòn bánh tét gói cẩn thận bày lên. Không chỉ có nhà tôi, mà còn mấy nhà hàng xóm, ai sang xin lá dong cũng gửi chú ít quà tết, có khi là cân chả lụa, có khi là mớ mứt dừa sên lá dứa, có khi là một chai rượu ngon. Tết của nhà chú Hưng tuy neo người nhưng cũng đủ đầy như thế.
Sau này bà cụ mất, chú cũng bán mảnh đất về quê. Người mới đến ở, thấy bụi dong vướng víu nên phá bỏ. Tôi vẫn về ăn tết, chỉ khác là không còn lấm lét ở cánh cổng chờ chú ra mở cửa vào cắt cho những lá dong to dày. Nghe mẹ tôi bảo hôm chia tay mọi người, chú Hưng buồn và cảm ơn nhiều lắm. Dù sao mảnh đất này cũng gắn bó với chú suốt thời trẻ, và vợ chú tuy đã mất, nhưng bụi dong cô ấy trồng vẫn đem lại cho chú những cái tết ấm áp, thân thương.
Khu đất nhà chú giờ xây một căn nhà to, nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần qua đó, tôi nhớ vô cùng những chiều sát tết đi giao lưu xin lá, rồi chiều 30 lại hào hứng mang sang đó hai đòn bánh đẹp nhất, véo von hát và nhận lì xì.
T.Quân