Xin một hạt dẻ mùa xuân

07/02/2015 - 08:12

PNO - PN - Nếu được ban tặng một hạt dẻ thần để tung ra và ước điều gì trong mùa xuân này, chắc rằng nhiều phụ nữ sẽ ước ao chồng mình, cha mình, con trai mình không rượu bia mỗi chiều đi làm về, không say xỉn mất lý trí và quậy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Có bao giờ điều ước này thành hiện thực không? Với không ít phụ nữ Indonesia, quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, thì dường như họ đang chạm tay tới khát vọng. Bộ trưởng Thương mại Indonesia vừa ký thông qua quy định cấm bán rượu bia trong các cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc.

Xin mot hat de mua xuan

Ở đất nước có tới 23.000 cửa hàng tiện ích, cứ bước ra cửa là đàn ông có thể mua bia rượu, quy định này ít nhất sẽ như cánh cửa đóng lại trước mắt các “bợm nhậu bình dân”. Đây là thắng lợi tiếp sau quy định hồi đầu năm trước, khi nước này chỉ cho phép cửa hàng tiện lợi, siêu thị bán rượu bia có nồng độ cồn dưới 5%. Muốn uống rượu trên 5% độ cồn, khách phải có tiền nhiều hơn và sải bước xa hơn để vào quán bar, khách sạn, nhà hàng và các câu lạc bộ.

Ở nước ta, số cửa hàng tiện lợi chưa nhiều như xứ bạn, nhưng thay vào đó là hàng vạn đại lý tạp hóa trải từ thành thị tới nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiêu thụ một lượng lớn rượu bia, nước ngọt.

Chủ một đại lý trong khu phố tại Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết, một ngày bình thường chị bán khoảng 40 két bia. Giáp Tết, tiệm phải thuê thêm nhân viên giao hàng vì khách mua tới 200 - 400 két/ngày, chưa tính một lượng lớn rượu mạnh trên 450. Số bia rượu này rời tiệm sẽ về đâu? Đó là những khu dân cư, khi chiều chiều mấy người đàn ông trải chiếu ra mảnh sân chung, bày xoài me cóc ổi và chén chú, chén anh. Là những buổi tụ tập tại gia mà người vợ khốn khổ vừa phải xoay như chong chóng làm mồi nhậu phục vụ chồng và bạn chồng, khi tàn cuộc lại kiêm luôn nhiệm vụ làm bia “đón” chén bát bay.

TP.HCM có những "cung đường ăn nhậu". Đi qua các “thủ phủ” này, người ta có thể thấy những bãi xe cả ngàn chiếc, đủ để hiểu “ngành công nghiệp bia bọt” sôi động ra sao. Nhưng ngoài nỗi lo kẹt xe cửa quán, là nỗi nơm nớp lo chẳng may trúng “củ đậu bay”, “dao bay” của những nhóm khách đánh đuổi, đâm chém nhau.

Một gia đình đi ăn, cô cháu nhỏ bị miểng văng trúng tai do khách say xỉn đập vỡ chai bia làm vũ khí tấn công bạn. Ôm đứa cháu máu chảy ròng ròng, bà ngoại lao theo đám người đang bỏ lại túi xách, giày dép, túa ra cổng. Nhớ lại chuyện này, bà nói chẳng khác gì cảnh chạy giặc ngày trước. Một chị khác thì chua chát kể, cậu con 13 tuổi sau nhiều đêm ôm điện thoại chờ ba tới tuyệt vọng, cháu tức tưởi: “Ba lúc nào cũng bận nhậu, con hết cách nói với ba rồi”.

Mấy hôm nay, trên mạng xã hội, người ta chuyền nhau hình các kiểm sát viên mặc đồng phục bê tha trong quán bia. Cảnh nhân viên những ngành khác túy lúy rồi nói bậy, làm bậy trong tiệc cuối năm cũng không hiếm. Buồn thay, một nước thuộc nhóm nghèo lại tiêu thụ bia rượu hàng đầu châu Á, ăn nhậu lắm khi còn được coi là đẳng cấp, là chất lượng sống...

Ở các nước phương Tây, từ lâu trẻ dưới 18 tuổi bị cấm vào quán bar. Khi mua rượu, phải chứng minh mình đã ở tuổi trưởng thành. Ngay một nước có lượng tiêu thụ rượu bia vào hàng thấp và có nguồn thu lớn từ du lịch dịch vụ như Singapore, cũng vừa ban hành đạo luật cấm bia rượu nơi công cộng từ “nửa đêm về sáng”, áp dụng từ tháng Tư tới.

Hãy nhớ, trung bình một người Singapore chỉ tiêu thụ khoảng 2 lít, trong khi đó, một người Việt tiêu thụ tới 6,6 lít (số liệu năm 2010). Vậy mà khi Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia ở Việt Nam đưa ý kiến cấm bán bia rượu về đêm, vẫn không ít ý kiến phản đối. Nhiều người phản đối vì không tin sự khả thi của luật.

Hình như người ta đã quá ngán những quy định không “ăn rơ” với cái thực tiễn “nhậu rồi khó bỏ”, những hình phạt nhẹ hều, những kiểu kiểm tra bắt cóc bỏ đĩa, làm cho có... của ngành chức năng. Nhưng, thà quy tắc đi trước rồi “làng nước theo sau”, còn hơn tiếp tục chống mắt khoanh tay nhìn cảnh bệnh tật, tai nạn giao thông, băng hoại đạo đức gia đình xã hội vì những hệ lụy từ quán nhậu.

Xin đừng bắt nhau chờ đợi một đạo luật nhân bản, bắt những người phụ nữ tiếp tục mòn mỏi ôm con đợi cửa chờ chồng lúc 2-3 giờ sáng, bắt những bà mẹ già sau 12 giờ đêm hốt hoảng gọi nhờ phòng cấp cứu các bệnh viện rà danh sách nhập viện vì lo con quá chén, chạy xe ẩu bị tai nạn giao thông.

Tôi tin ai cũng ước được “cấm cửa” rượu bia trên đất nước này. Xin cho tôi một hạt dẻ!

 T. MINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI