Ngày 20/3, Đặng Thị Ngọc Ánh, Đinh Lan Phương, Nguyễn Tuấn Anh trở về từ Berlin (Đức) và Nguyễn Văn Hoàng trở về từ Nga đã gặp nhau tại sân bay Nội Bài trong hành trình chạy trốn dịch bệnh viêm phổi cấp. Cả 4 bạn trẻ đã được đưa về khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp để bắt đầu 14 ngày cách ly tập trung, đề phòng bệnh COVID-19.
|
Các bạn trẻ với lời tâm sự chân thành sau khi trở về nước |
Từ khi về nước, nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các cán bộ kiểm dịch, cán bộ sân bay, các bạn trẻ đã nhận thức được tình cảnh của mình và hàng ngàn người khác từ châu Âu trở về nước tránh dịch.
Ngọc Ánh nói: “Khi quyết định về nước, em rất băn khoăn; nhưng ở bên này, mọi thứ đều bị đình trệ, cả công việc lẫn việc học. Thêm vào đó là việc phòng chống dịch bệnh tại châu Âu không sát sao như ở trong nước. Thời gian đầu, mọi người tỏ ra rất thờ ơ, thậm chí nhiều người ra đường còn không đeo khẩu trang”.
Nỗi lo ấy đối với Lan Phương còn lớn hơn, vì trong quãng thời gian ở Đức, Phương có biểu hiện sốt, đau nhức người. Khi liên lạc với cơ quan y tế, cô nhận được khuyến cáo nên ở nhà theo dõi, chỉ gọi điện cho bệnh viện khi cần thiết. Rất may, 2 tuần sau đó, các triệu chứng của Phương đã không còn và cô quyết định phải về lại Việt Nam.
“Nhìn căn phòng vẫn còn hơi bừa bộn, bọn em biết là các bạn sinh viên đã phải chuyển đi vội vàng để nhường chỗ cho những người cách ly. Lúc đó em cảm thấy rất có lỗi, biết ơn các bạn ấy. Chúng em cũng muốn cúi đầu xin lỗi mọi người vì trở về giữa lúc đại dịch đang diễn biến xấu, mang gánh nặng về cho Tổ quốc. Chưa kể đến chuyện bọn em có mang mầm bệnh về Việt Nam hay không”, Ngọc Ánh nói.
|
Khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp |
Khi được đưa đi cách ly tập trung, các bạn trẻ đã xác định ngay từ đầu, việc cách ly chắc chắn không thể tiện nghi như ở nhà nên tâm lý rất thoải mái. Đồ đạc mang theo chủ yếu là đồ ăn nhanh và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Nhưng khi đến nơi cách ly, nhìn khu nhà của các bạn sinh viên từng ở, Ngọc Ánh cùng các bạn cảm thấy điều kiện như vậy đã là quá tốt.
Và sau khi nhận phòng, điều đầu tiên các bạn trẻ làm là bắt tay vào dọn dẹp, hỗ trợ cho các cán bộ chiến sĩ phục vụ trong khu cách ly. Ngay sau đó, mỗi người cũng được đội ngũ hậu cần chuẩn bị cho đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu như ly uống nước, khăn lau mặt, bàn chải đánh răng…
Đó cũng là lời nhắn của Ánh và các bạn cùng phòng đến với tất cả đồng bào đang thực hiện việc cách ly. Ánh nói, để có một chỗ cách ly như hiện tại, đã rất nhiều người phải chuyển đi gấp, việc vệ sinh chưa được như mong muốn đó cũng là điều dễ hiểu. Từng là sinh viên, sống xa nhà nhiều năm nên Ánh, Phương cũng như các bạn khác đều hiểu rõ điều đó.
Hãy cảm thông và chia sẻ
“Khi vào cách ly, người có ý thức sẽ tự dọn dẹp sạch sẽ để ở, còn người không có ý thức thì sẽ chê bai. Nhưng mọi người nên chia sẻ và cảm thông với đất nước, với những bạn sinh viên đã nhường chỗ cho mình. Dọn dẹp chỗ ở của chính mình là điều rất bình thường, sao lại phải phàn nàn”, Ánh nói.
Cũng nhờ nhận thức được sự cảm thông, chia sẻ đó nên khi chứng kiến cảnh một số người đi cách ly to tiếng và có thái độ đòi hỏi không đúng mực với các cán bộ, chiến sĩ hậu cần, các bạn trẻ đã lên tiếng nhắc nhở.
|
Một bữa ăn của các bạn trong khu cách ly |
“Em nhớ một lần, phòng gần em có em nhỏ, khi phát cơm, các anh lính chưa nắm được, nên chưa có cháo cho các cháu. Buổi sau các anh cũng chủ động chuẩn bị đồ riêng cho cháu bé thì bị người ta chê. Khi đó bọn em cũng lên tiếng, nói để cho các anh chị phòng đó hiểu. Nhưng đó chỉ là ngày đầu, bây giờ mọi thứ đều đi vào nền nếp, nên cũng đỡ vất vả cho các anh hơn”, Ngọc Ánh kể lại.
Ánh và các bạn cũng tự nhận mình là “sao đỏ”, để ý những phòng không vứt rác vào khu tập kết theo đúng quy định để nhắc nhở mọi người. Hoặc có những khi, các bạn tự động mang chổi ra quét hành lang, dù không ai yêu cầu. Các bạn xem đó là sự chia sẻ, bớt đi gánh nặng cho những người lính đang hoạt động hết công suất để phục vụ cho hàng ngàn người trong khu cách ly.
Mỗi ngày các anh chỉ ngủ 3 - 4 tiếng
Ngày đầu vào khu cách ly, chứng kiến cảnh một anh dân phòng dáng người nhỏ bé kéo lê thùng cơm đi phát cho mọi người, Ánh cùng các bạn không thể nào quên. Khi đó, vừa trở về từ sân bay, ai cũng uể oải, nhưng anh dân phòng vẫn vào hỏi han từng người để phát cơm. Thay vì trả lời, mọi người chỉ quan tâm đến địa chỉ tòa nhà để nhờ người nhà gửi đồ vào. Rồi người hỏi đồ đạc, hỏi sim điện thoại các thứ, khiến chàng trai trẻ luống cuống...
Sau nhiều ngày sống trong khu cách ly, do độ tuổi khá tương đồng, các bạn trong phòng Ánh đã quen thân với người lính hậu cần phục vụ tại tầng. Mỗi buổi tối, sau khi phát cơm, anh lính trẻ lại đứng lại trò chuyện cùng các bạn để vơi đi sự mệt nhọc sau một ngày làm việc quần quật.
|
Các chiến sĩ phục vụ hậu cần đi phát cơm, đo nhiệt độ cơ thể hàng ngày cho người dân khu cách ly |
“Các anh ấy tốt lắm, tốt thực sự, lúc nào cũng tươi cười, dù ai có đòi hỏi gì đi nữa. Bọn em chỉ dám hỏi chuyện các anh ấy buổi tối, còn buổi trưa thì để các anh ấy nghỉ ngơi. Có anh kể là mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, bởi phải làm bao nhiêu việc, từ phát đồ, chuẩn bị cơm rồi chuẩn bị đón đoàn mới.
Công việc nhiều khi phải đến sáng sớm mới xong, nên giấc ngủ không được mấy. Họ cũng chỉ hơn bọn em vài tuổi, nhưng phải làm bao nhiêu việc nên chúng em cảm thấy rất có lỗi và thương các anh”, Ngọc Ánh xúc động nói.
Không những thế, trong những ngày đầu, đội ngũ hậu cần còn phải thực hiện chuyển đồ của gia đình công dân cách ly gửi vào. Nhiều người không thông cảm, cứ đòi hỏi, giục giã vì sao đồ chưa vào tới nơi. Đáp lại những yêu cầu thái quá đó vẫn chỉ là những cử chỉ thân thiện, nhẫn nại hết mức.
|
Công việc của các cán bộ, chiến sĩ khu cách ly vô cùng vất vả khi nhận và vận chuyển hàng trăm ký đồ gửi từ bên ngoài vào |
Nói về việc dư luận đang lên án nhiều trường hợp du học sinh khi được đưa đi cách ly, đã chê bai cơ sở vật chất của các khu cách ly tập trung, các bạn trẻ này cho rằng, đó là quan điểm và nhận thức cá nhân mỗi người. Có thể những du học sinh đó khi trở về, chưa kịp thích nghi với điều kiện sống mới, nên đã có những phát ngôn không đúng mực. Nhưng chắc chắn rằng, họ sẽ sớm thích nghi với hoàn cảnh trong khu cách ly, bởi sinh viên không nên ngại khó, ngại khổ.
Và để tỏ lòng cảm ơn đến Chính phủ, đất nước đã đón nhận những công dân từ vùng dịch trở về, tạo điều kiện cho các bạn có chỗ ăn, chỗ ở tốt nhất khi phải đi cách ly, Ngọc Ánh cùng các bạn đã chuyển tiền ủng hộ theo lời kêu gọi của Trung ương Mặt trận Tổ quốc với số tiền 6 triệu đồng. Đây cũng là cách để góp phần cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của đất nước sớm thành công.
An Vũ