Xin lỗi con

27/04/2016 - 09:12

PNO - Tôi biết mình đã sai, nhưng không lẽ phải “xuống nước” xin lỗi con? Như vậy còn ra “thể thống” gì…

“Ôi mẹ ơi, cái áo dài của con bị gì thế này? Tay áo nhăn nhúm sắp rách rồi!”. Nghe con gái la toáng, tôi gắt lên để “trấn áp” cơn giận sắp bùng nổ của nó: “Có gì ghê gớm đâu. Mẹ ủi áo dài mà bàn ủi quá nóng nên bị như vậy. Có sao đâu mà ầm ĩ cả lên, cắt bỏ phần tay áo đó là được chứ gì”. Con bé càng hét lớn, nhưng trong giọng nói đã run run sắp khóc: “Bị từ khi nào? Sao mẹ không nói với con?”. Tôi cáu: “Kể để phải chịu đựng con như thế này à? Có gì quan trọng đâu mà con làm lớn chuyện?”.

Vậy là con bé nước mắt ròng ròng. Cháu cứ đứng săm soi cái tay áo nhăn nhúm trước gương rồi thổn thức: “Từ nay mẹ để con tự giặt ủi quần áo của mình”. Vừa thương con, vừa giận bản thân, tôi càng cố lớn tiếng để khỏa lấp: “Ừ, mẹ cũng mong vậy. Hồi mẹ 10 tuổi đã phải lo chuyện giặt ủi cho cả nhà. Con bây giờ sướng quá hóa hư. Có chút chuyện mà hỗn hào…”. Cứ thế, mẹ con tôi nói qua nói lại, càng lúc tông giọng của cả hai càng cao. Nghĩ mình là mẹ mà sao con dám “lớn lối”, tôi bắt đầu lôi những lỗi từ xa xưa của con để trách móc. Con bé bỏ ra khỏi nhà, đi học trong sự giận dữ.

Đã hai ngày rồi, con bé cứ im lặng. Lủi thủi ăn, ngủ, học bài, không nói một lời. Không khí giữa hai mẹ con đông cứng lại. Tôi biết mình đã sai, nhưng không lẽ phải “xuống nước” xin lỗi con? Như vậy còn ra “thể thống” gì…

Trúc Diễm (tiểu thương chợ An Đông, Q.5, TP.HCM)

Xin loi con
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Anh Tấn Lâm (giáo viên Trường PTCS Phú Thọ Q. 11): Có lỗi thì phải xin lỗi

Chị đã nhận ra mình sai trong chuyện này. Đừng vơ chuyện chiếc áo sém bị cháy cùng với việc con gái chị không tự ủi đồ. Vì suy cho cùng, chính chị chưa tạo điều kiện để con tự phục vụ mình kia mà! Vậy thì chúng ta cần rành mạch chuyện gì ra chuyện ấy.

Chị cần thông cảm với con gái, ở độ tuổi đã biết làm đẹp, làm điệu - cháu sẽ mặc cảm biết bao trước cái áo “bị lỗi”. Quan trọng hơn là việc mẹ giấu mình. Chị đã không cho con biết trước sự việc, để cháu chuẩn bị tâm lý tốt hơn. Biết trước chuyện chiếc áo dài bị hư để có sự chuẩn bị khác hẳn với việc phát hiện vào thời điểm sát giờ đến trường. Đã vậy chị lại còn lôi những “chuyện xưa” để dồn mắng con.

Xin lỗi con là việc duy nhất chị có thể làm trước những tổn thương đã gây ra cho cháu. Ở độ tuổi ẩm ương, cháu dễ có xu hướng phóng đại, “đau khổ hóa” mọi chuyện, kể cả những việc bé tí ti. Huống hồ chuyện chiếc áo dài bị hỏng không phải là chuyện nhỏ, chị ạ.

Thịnh Tân (Nhân viên bán xe, Công ty Quang Phương): Cha mẹ không cần phải xin lỗi con

Cha mẹ là bậc bề trên, không việc gì phải xin lỗi con. Nếu chị làm thế, dần dần con cái sẽ “lờn” mặt, được nước lấn tới, không còn tôn ti trật tự.

Chị đã hành xử đúng. Cứ cho con im lặng, thử coi “gan” nó lớn đến đâu, im lặng đến bao giờ. Còn nhỏ, phải sống dựa vào cha mẹ, đã có thái độ như vậy, lớn lên sẽ trở thành đứa trẻ như thế nào. Cần phải hết sức nghiêm khắc, đừng yếu lòng, “xuống nước” trước, chị sẽ “thua”.

Ngọc Hoa (Nhân viên văn phòng): Thể hiện sự biết lỗi bằng hành động

Tôi hết sức thông cảm tâm trạng của chị. Bản thân tôi cũng nhiều lần cậy mình người lớn mà mắng oan các con. Nhưng việc ấy tựa như mình bị trượt dốc, không dừng ngay lại được. Chưa kể, trẻ con khi bị oan ức, sẽ phản ứng lại với thái độ không được lễ phép cho lắm. Vậy là chuyện này “dắt dây” chuyện kia.

Ban đầu tôi cũng kệ, với suy nghĩ trẻ con thường mau quên. Nhưng thật ra không phải như vậy. Từng chuyện nho nhỏ, sẽ bào mòn dần tình cảm, sự kính trọng của con trẻ dành cho cha mẹ. Chúng dần trở nên xa cách, “thủ thế”, lúc nào cũng trong tâm trạng bất an, bất mãn.

Tôi đã tìm đọc khá nhiều sách nuôi dạy trẻ. Tìm đến cả các chuyên gia tư vấn để xin ý kiến. Dần dà, tôi gạt bỏ cái-tôi người-lớn, tuy không trực tiếp nói lời xin lỗi con, nhưng tỏ ra có thiện chí với những hành động chuộc lỗi. Đưa con đến nhà sách, mua cho con ngoài kế hoạch món đồ chơi, quyển sách. Dẫn con đi ăn món chúng thích…

Dần dà, tôi cảm nhận, dường như các con cũng ngầm hiểu, đó là lời xin lỗi mẹ muốn gửi đến chúng. Mối quan hệ giữa mẹ con dần được cải thiện, cởi mở hơn. Và, tôi cũng hết sức cố gắng kiềm chế, thận trọng hơn trước từng lời nói khi “đụng chuyện”, để không là tấm gương xấu trong con. Trẻ sẽ dễ trở thành người cáu giận, nóng nảy, hay xúc phạm người khác từ những lần đã bị cha mẹ đối xử không công bằng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI