Xin là cho?

10/10/2014 - 20:10

PNO - PN - Chị Hạnh Dung kính mến! Vợ chồng tôi lấy nhau được 16 năm, có hai con chung, còn lại số con riêng của ông ấy tôi cũng không biết là ba, bốn đứa hay nhiều hơn!

edf40wrjww2tblPage:Content

Vợ chồng tôi lấy nhau được 16 năm, có hai con chung, còn lại số con riêng của ông ấy tôi cũng không biết là ba, bốn đứa hay nhiều hơn! Lần vợ chồng định ly hôn, tôi phát hiện ông ấy có đứa con riêng thứ hai với một chị lỡ thì ở cơ quan, ông nói không có tình cảm gì với chị kia, vì chị kia xin một đứa con thì ông ấy cho. Ông ấy bảo người ta tốn bạc tỷ làm ngân hàng tinh trùng lạnh, mình không tốn kém gì mà lợi ích nhiều bên, bà có mất mát gì đâu, lương nộp đủ, tình cảm vợ chồng không thay đổi. Ông ấy cam kết chỉ có trách nhiệm với mẹ con tôi - là gia đình chính mà thôi, không mang tiền bạc tài sản đi đâu cả. Chồng tôi không ly hôn, nhưng cũng không sửa đổi tính tình. Hễ ai “xin” là ông ấy đều “cho” cả, chuyện này không phải chỉ ở nhà, mà ở chỗ làm của ông ấy cũng biết (chồng tôi làm nghề xây dựng). Tôi quá mệt mỏi, nhưng vì thương các con, nếu bây giờ tan đàn sẻ nghé thì tương lai con cái bị ảnh hưởng. Nhưng, cái chuyện “cho con” như thế này không biết tiếp diễn đến bao giờ…

Võ Thị Hải (TP.HCM)

Xin là cho?

Chị Hải thân mến,

Làm vợ, làm mẹ đã là những trách nhiệm nặng nề nhưng còn được bù đắp lại bởi hạnh phúc lớn lao, còn làm chủ ngân hàng, như cái “ngân hàng tinh trùng” này - một “ngân hàng di động”, “tự phát sinh giao dịch” mà mình không kiểm soát được, thì quả vất vả khổ sở. Người ta nói nhiều bà vợ phải đếm con, ghi ngày sinh tháng đẻ cho con của chồng, tự thu xếp với các bà vợ hờ kia, để dù gì đi nữa thì đám trẻ sau này còn biết gốc tích mà về… Không phải vì các bà vợ ấy không ghen tuông, không đau khổ, mà vì các bà biết có giữ được mối dây gốc tích ruột rà này mới có thể phần nào còn kiểm soát được, nếu buông, thì coi như dứt. Cũng có nhiều ông, sau một thời gian đã nhận lấy gánh trách nhiệm ấy, bởi thấy nó đã thành hình hài.

Trường hợp của chồng chị, có thể cũng còn do yếu tố nghề nghiệp, thường xuyên xa nhà, vắng vợ, nên mới ai xin gì cho nấy! Chị thử xem có cách nào để giữ chân ông ấy ở nhà, hoặc không thì mình phải đi theo ông ấy một thời gian? Môi trường cũng quan trọng, khi quen với không khí gia đình hơn là không khí tạm bợ của công trường, nhà tạm…, có thể chồng chị sẽ hạn chế được chuyện xin - cho dễ dàng. Mặt khác, nếu không có người “xin” thì biết "cho" ai.

Đó là về khía cạnh “lạt mềm”, song song, mình phải thi hành việc “buộc chặt” tới nơi tới chốn. Chị nói chuyện rõ ràng dứt khoát với chồng, không thể tự cho phép mình làm cái "ngân hàng" kiểu vậy được. Bệnh tật, tệ nạn và bao nhiêu thứ ràng buộc khác sẽ phát sinh. Trách nhiệm với vợ con không phải chỉ là tiền bạc, tài sản, mà còn là trách nhiệm gia đình, làm chồng làm cha nghiêm túc để có thể nuôi dạy con cái nên người. Chị vì thương các con mà cố giữ gia đình nguyên vẹn, nhưng với một người cha như vậy thì cũng chẳng ích lợi gì, nhiều khi còn phản tác dụng.

Chị có thể nhờ cha mẹ chồng tác động thêm với ông ấy. Việc “người ta xin” là việc có khi cũng nói càn vậy thôi, chứ phụ nữ làm gì có đông người đi “xin” như thế, mà lại cứ nhè chồng chị để “xin”! Đó chẳng qua là cách nói năng vô trách nhiệm, đẩy hết mọi thứ cho người ta còn mình thì vô can. Một đứa trẻ ra đời cần bao nhiêu thứ, dù là “xin” hay không “xin”, anh cũng là cha đứa nhỏ, trách nhiệm và cũng là danh dự của người đàn ông lẽ nào chỉ dừng lại ở mức phủi tay như kẻ “ăn bánh trả tiền…”.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI