Xin hãy tin con

04/06/2018 - 11:00

PNO - Nỗi đau và ám ảnh của trẻ sau khi bị xâm hại tình dục rất lớn, bất kể mức độ xâm hại chỉ dừng lại ở lời nói hay hành vi đụng chạm, sờ mó cơ quan sinh dục, các vùng nhạy cảm.

Tháng trước, tôi nhận được lời cầu cứu của em sinh viên sư phạm. Em cầu cứu tôi cố vấn để em trợ giúp cho cô bé học trò lớp Chín ở trường em đang thực tập. Cô bé ấy bị chính giáo viên dạy toán trong trường dâm ô với hành vi luồn tay vào áo em và bóp ngực em ngay tại lớp. Chuyện này xảy ra từ đầu năm học và em đã nói với mẹ nhưng mẹ cho rằng, con ghét học toán nên đặt điều cho thầy. Chuyện xâm hại tình dục này lặp lại và tới thời điểm đó, cô bé khủng hoảng nghiêm trọng. 

Xin hay tin con
 

Cô bé không ngừng khóc, thấy cơ thể mình dơ bẩn, xấu hổ, ấm ức vì bất lực. Đỉnh điểm là cô bé gọi cho cô giáo thực tập và đòi tự tử. Với sự hướng dẫn của tôi, em giáo sinh nhanh chóng điều tra ra sự thật. Các em học sinh khác cũng khẳng định nhìn thấy mà không dám nói. Và cô bé ấy cũng không là nạn nhân duy nhất. 

Em giáo sinh từng là học sinh cũ ở đây, thừa nhận trước đó thầy hay có thói quen vỗ mông, bóp mông học sinh. Đến thời điểm đó, mẹ em vẫn không tin em. Ngày hôm sau, em học sinh vật vã, gào khóc, không chịu đi học. Tới lúc này, người mẹ mới đi đến nhà các bạn của con hỏi thăm và nhận ra con mình đã chịu đựng nỗi đau bị xâm hại tình dục suốt thời gian dài.

Câu chuyện này không phải hiếm gặp trong các trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục. Tôi từng đau đớn khôn cùng khi biết một cô bé bị chính cha ruột xâm hại mà khi nói với mẹ ruột thì mẹ không tin, bé chỉ được giải cứu khi kể cho bà ngoại. Vậy lời nói của trẻ có đáng tin không? Với trẻ bậc tiểu học trở xuống, nhất là các lớp đầu bậc tiểu học, lời khai về xâm hại tình dục hầu như là thật. Trẻ ít có khả năng tưởng tượng ra tội ác này. 

Ở trẻ dậy thì trở lên, với đặc điểm tâm lý lứa tuổi ưa thích “làm quá” sự việc, lời của con cần được xác minh lại nhưng nhất định không được bỏ qua. Bất cứ lời chia sẻ nào của con cũng đều cần được lắng nghe, tin tưởng và hỗ trợ. Sự thiếu tin tưởng của cha mẹ ngoài nguy cơ đẩy con mình vào tuyệt vọng cùng cực, có thể dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân, còn khiến tội phạm không bị trừng phạt, nhiều trẻ khác có thể trở thành nạn nhân. Mối quan hệ của trẻ với cha mẹ cũng có thể gãy đổ khi trẻ không còn tin cha mẹ yêu thương và sẵn sàng bảo vệ mình.

Xin hay tin con
Ảnh minh họa

Tôi có trải nghiệm về cách phản ứng rất khác của cha mẹ người Anh khi con bị xâm hại tình dục. Một ngày hè năm ngoái, vào lúc 5g sáng, chị bạn tôi nhận được điện thoại của cô con gái 14 tuổi gọi để đón bé về từ nhà bạn của cô bé. Chị bạn của tôi rất ngạc nhiên vì bé xin ngủ qua đêm ở nhà bạn thân và thường thì chiều ngày kế tiếp mới về nhà. Nghe giọng hối hả của con, chị đi đón ngay. Về nhà, bé kể lại là đêm đó, bạn trai của bạn cô bé đã dùng tay để bóp cổ bé, ép bé phải quan hệ tình dục với sự đồng thuận của chính bạn gái kia. 

Cô bé nhất quyết từ chối và bỏ sang phòng khác, ngồi chờ gần sáng thì gọi mẹ tới đón. Chị bạn tôi nửa tin nửa ngờ câu chuyện nhưng vẫn trấn an con. Để con gái lên phòng ngủ, chị tới nhà tìm gặp bố mẹ của bạn con mình và cả cô bạn để hỏi chuyện. Hai người lớn bảo họ uống rượu dưới nhà nên không biết nhưng thừa nhận bạn trai của con gái mình có qua đêm ở đây. 

Bạn con gái chị thừa nhận chuyện xảy ra nhưng chỉ xem là vui đùa và quan trọng là “chả có chuyện gì xảy ra”. Không chấp nhận được sự việc trên, chị bạn tôi lập tức tới đồn cảnh sát báo cáo sự việc. Chị nói với tôi, hình thức xử lý của cảnh sát thế nào không quan trọng, quan trọng là con gái chị tin tưởng rằng, nó có thể tin chị và chị sẽ làm tất cả có thể để bảo vệ nó. 

Việc xác minh sự thật là bắt buộc để xử lý đúng người đúng tội nhưng trước hết, cha mẹ cần bày tỏ sự tin tưởng vào lời nói của con mình. Nhờ điều này mà bé đã vượt qua sự ám ảnh của việc suýt nữa trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em.

Nỗi đau và ám ảnh của trẻ sau khi bị xâm hại tình dục rất lớn, bất kể mức độ xâm hại chỉ dừng lại ở lời nói hay hành vi đụng chạm, sờ mó cơ quan sinh dục, các vùng nhạy cảm. Để trẻ vượt qua nỗi đau thì không thể thiếu sự quan tâm tế nhị, đồng hành và chia sẻ của cha mẹ. Nhưng trước hết là sự tin tưởng của cha mẹ dành cho con. 

Nguyễn Thị Thu Huyền
Giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI