Xin em một chút đàn bà

23/11/2015 - 10:53

PNO - Uy quyền của người vợ gợi lên hình ảnh người phụ nữ dữ dằn, lấn lướt chồng, giành quyền tự quyết muốn "lãnh đạo" chồng mình.

Nói uy quyền của đàn bà là nói đến "quyền lực mềm", sự khéo léo, mềm mỏng, dịu dàng của họ. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đời sống hôn nhân lại cho những hình dung hoàn toàn trái ngược: Uy quyền của người vợ gợi lên hình ảnh người phụ nữ dữ dằn, lấn lướt chồng, giành quyền tự quyết muốn "lãnh đạo" chồng mình.

Tiếng nói của lặng im

Ngày nay, hình ảnh người vợ giỏi kiếm tiền, có vị thế xã hội không còn hiếm gặp. Sự thành đạt của người phụ nữ ngoài việc thể hiện tiến bộ xã hội, còn tạo nên hình mẫu đẹp của gia đình hiện đại.

Các bà đã có thể cùng chồng gánh vác nỗi nhọc nhằn kinh tế, thậm chí giữ luôn vai trò trụ cột. Nhưng, chuyển biến này đồng thời cũng mang đến nhiều áp lực cho đời sống lứa đôi; có thể dẫn đến hệ lụy là sự thay đổi thái độ đối với chồng của người vợ, từ phục tùng, nhẫn nhịn như trước đến tự cho mình là tài giỏi, “cao rộng” hơn…

Đánh đồng giữa tiếng nói có trọng lượng với khả năng độc lập và đóng góp kinh tế, không rạch ròi giữa vai trò xã hội với vai trò trong gia đình đã khiến nhiều bà cho phép mình - vô tình hoặc hữu ý - bộc phát quyền uy. Khi đó, các ông sẽ “tồn tại” thế nào dưới trướng uy quyền của vợ?

Anh Tuấn - nhân viên một nhà sách than: “Giờ tôi chỉ được tự quyết những thứ thuộc cá nhân mình. Tôi mất tiếng nói trước vợ từ lâu!”. Vợ anh, chị An, là con một. Ba năm trước chị thay cha tiếp quản công ty mỹ nghệ của gia đình sau khi ông qua đời.

Nghỉ việc ở văn phòng luật, chị thành sếp của hơn bốn chục nhân viên. Từ đó, cuộc sống gia đình chị cũng đảo lộn. Cảm thông với những áp lực công việc khiến vợ mệt mỏi, không còn thời gian cho gia đình nhưng anh Tuấn khó chấp nhận được thái độ ngày càng coi thường chồng của vợ.

Xin em mot chut dan ba
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Một lần cùng ghé xưởng xem nhân viên làm việc, anh Tuấn - chị An thấy nhân viên đang… đánh bài. Chị lao đến giật những con bài xé nát, chỉ mặt các nhân viên: “Tôi đuổi việc hết!”. Kéo tay vợ lại, anh Tuấn khuyên: “Em bình tĩnh, từ từ nói!”. Chị An vùng khỏi tay chồng: “Không từ từ gì hết, để em giải quyết họ”. Sợ chuyện không đáng mà ầm ĩ, anh Tuấn bảo mọi người về làm việc, không ngờ chị An hét: “Đứng lại hết. Không trị mấy người tôi không yên được!”. Anh Tuấn quay sang vợ, nghiêm giọng: “Em sao vậy? Sao phải làm lớn chuyện?”. “Đây là việc của tôi”. Anh nén giận, nói với các nhân viên: “Thôi đi đi”. Chị An vẫn không dừng, tiếp tục hét: “Tôi bảo đứng yên đó!”. Sững người, anh nhận ra “xung đột” đã đổi chiều, kẻ “tham chiến” giờ là anh với vợ chứ không còn giữa vợ với nhân viên.

Anh Tuấn tâm sự, thành công của vợ ngày càng tỷ lệ thuận với quyền uy chị thể hiện trước chồng. “Giá trị” của anh trong mắt vợ đang giảm theo chiều thẳng đứng! Anh kể, trước ngày gia đình có đám giỗ vài hôm, chiều đi làm về, thấy vợ loay hoay chỉnh sửa bộ salon mới, anh trố mắt, chưa kịp hỏi thì chị An nói ngay: “Giỗ ba, khách đến nhiều. Họ sẽ biết sản phẩm em làm”. “Sao em không bàn với anh?”. “Nó được tính là công việc của em!”. Anh im lặng “bỏ qua” thêm cho vợ lần nữa và tự hỏi mình là ai trong cái giang sơn nhỏ bé được gọi là nhà mình?

Chỉ trong vòng mấy tháng, chị An liên tục thay mới bộ bàn ăn, kệ ti vi, rồi cả giá sách treo tường; vẫn cùng lý lẽ: “Trong kinh doanh, dùng sản phẩm của chính mình là một thủ thuật tiếp thị”. Vấn đề ở chỗ, chị luôn đặt mọi thứ thành chuyện đã rồi, anh Tuấn muốn có ý kiến đều không kịp.

Bây giờ, đối với anh, bất kỳ thay đổi nào trong gia đình đều là mệnh lệnh buộc phải chấp nhận. Anh không có cơ hội để đồng ý, huống gì phản kháng. Im lặng, chấp nhận là chuyện duy nhất anh còn có thể làm.

Uy quyền, nếu được xem là hậu quả của việc người đàn bà thành công trong xã hội, mang con người xã hội của mình về áp vào khuôn khổ gia đình; thì đồng thời cũng là nguyên nhân khiến quan hệ lứa đôi khó tròn vẹn. Trong hình mẫu gia đình hiện đại, phụ nữ được bày tỏ quan điểm, thảo luận cùng chồng để đạt sự thống nhất, nhưng không thể tự quyết một vấn đề thuộc về cả hai. Đàn ông, với đặc tính giới của mình, sẽ không thể chấp nhận điều đó.

Cánh cổng - ranh giới phân định giữa tổ ấm với “lao xao” bên ngoài, ngày càng mong manh, dễ đổ. Không ít người vợ đã bước chệch bởi nhầm lẫn, “ảo tưởng”, đánh đồng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI