Xin đừng xem sự bất an của số đông là “bình thường”

17/03/2014 - 08:27

PNO - PN - Sau hai vụ bắt cóc các em Lưu Vĩnh Đạt và N.H.A.T. xảy ra ở TP.HCM không được lực lượng công an (CA) quan tâm đúng mực, chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Xin dung xem su bat an cua so dong la “binh thuong”

Phụ huynh đến tận lớp đón học sinh từ giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu (Ảnh chụp tại Trường Kỳ Đồng chiều ngày 13/3/2014) - Ảnh: Phùng Huy.

Hoang mang, lo lắng, bất an là cảm giác khi chúng tôi biết thông tin về một học sinh tiểu học mới bị bắt cóc, may mắn tự trốn thoát ở Q.3. Vụ việc còn đang được điều tra, nhưng sự bất an thì không cần đợi thêm tình tiết mới, bởi mỗi ngày con cái chúng ta vẫn phải đến trường. Chợt rùng mình trước câu hỏi: Nếu đứa trẻ bị bắt cóc lại chính là con mình thì sẽ thế nào?

Phản ứng thông thường của cơ quan CA sau vụ bắt cóc có lẽ cũng sẽ chỉ như mọi lần. CA các phường sẽ tăng cường tuần tra, trấn an trường học thuộc địa bàn quản lý. CA cấp quận sẽ được lệnh rà soát, nắm nguồn tin tội phạm. CA thành phố sẽ làm chủ công đánh án, bóc gỡ đường dây tội phạm nếu có… Một vài người có chức trách liên can sẽ phải kiểm điểm, bị kỷ luật. Và, khi tình hình lắng xuống, mọi thứ sẽ y như cũ, cho đến khi có sự việc tồi tệ mới xảy ra.

Sẽ không có gì đáng nói nếu cơ quan CA chu toàn nhiệm vụ giữ an toàn cho dân. Nhưng, nếu họ không chu toàn như trong hai trường hợp học sinh bị bắt cóc gần đây thì sao? Người ta luôn có thể so sự an toàn của gia đình mình, của xã hội hiện giờ với tuần trước, tháng trước, năm ngoái, năm kia. Nếu sự an toàn đang giảm đi, chắc chắn mọi giải thích đều không có sức thuyết phục.

Người đóng thuế để nhà nước trả lương cho CA chỉ mong chờ đơn giản: sự mẫn cán, có trách nhiệm. Với những chuyện vừa cấp thiết vừa thường xuyên như an toàn của từng cá nhân trong xã hội, người dân không chấp nhận sự thờ ơ, tắc trách của những người có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho xã hội nhưng lại xem sự bất an của số đông là “bình thường thôi”!

 VŨ BÁCH (Q.5, TP.HCM)

 Sao lại dửng dưng như thế?

Trước đây, chị em chúng tôi có lúc tự đặt cho mình câu hỏi: “Khi gặp tình huống xấu như con bị bắt cóc, nhà bị trộm, nếu trông cậy vào sự trợ giúp của chính quyền, anh/chị sẽ lập tức nghĩ đến cơ quan chức năng nào?”. Hầu hết chị em chúng tôi luôn có câu trả lời chung: “công an”. Vâng, đó chính là nơi chúng tôi đặt nhiều sự tin cậy nhất.

Thế nhưng những ngày này, thật sự lòng tôi bất an ghê gớm. Đã có nhiều vụ việc xảy ra, cả xã hội hoang mang nhưng chính nơi cộng đồng tin cậy nhất lại có những biểu hiện vô cảm. Cụ thể là ở hai vụ bắt cóc trẻ em gần đây. Có nỗi đau nào bằng lúc con mình bị bắt cóc, tính mạng bị đe dọa? Thế nhưng khi kêu cứu, người tiếp nhận thông tin lại hờ hững bàng quan, cuối cùng là một kết thúc nghiệt ngã cho một đứa trẻ. Đau lòng quá! Chưa bàn đến những quy định, nguyên tắc, ở đây tôi chỉ muốn bày tỏ nỗi lòng của một bà mẹ khi rơi vào những tình huống thiếu sự quan tâm từ cơ quan chức năng.

Thử đặt trường hợp, là người trong cuộc của tình huống đó, thái độ và hành động của các anh sẽ thế nào?

Nếu cơ quan chức năng tiếp cận thông tin đau lòng này bằng sự vô cảm thì người dân còn biết tin cậy vào đâu?

Xin hãy đặt mình là người trong cuộc để có hành động và thái độ tích cực hơn. Có như thế mới hy vọng cái ác, cái xấu bị đẩy lùi.

 VĨNH NGUYÊN (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI