Xin đừng nhắc chuyện “thưởng” tết của người thầy

30/01/2021 - 11:02

PNO - Nghề giáo vốn không có cái gọi là lương tháng 13 hay thưởng tết một cách chính danh.

Tôi không hiểu vì sao lại có một thông lệ, cứ cuối năm, người ta lại nhắc nhiều đến chuyện thưởng tết của giáo viên. Là người công tác trong ngành giáo dục đã nhiều năm, tôi nghĩ đó không phải là hoạt động gì nổi bật của ngành giáo dục để nói nhiều như thế. 

Bởi thật ra, giáo viên cũng là viên chức như cả triệu viên chức đang công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ nhiều năm nay, mỗi năm, UBND TP.HCM đều có chỉ đạo việc thưởng tết cho cán bộ, công chức, viên chức như nhau (năm nay là 1,5 triệu đồng/người).

Giáo viên sẽ có cái
Giáo viên vốn không có lương tháng 13 hay thưởng tết một cách chính danh (Ảnh minh hoạ)

Như các viên chức ở các ngành nghề khác, nghề giáo vốn không có cái gọi là lương tháng 13 hay thưởng tết một cách chính danh (ngoài khoản do UBND TP.HCM thưởng).

Khoản tiền cuối năm mà các thầy cô được nhận thực chất là việc cộng gộp nhiều khoản tạm gọi là chăm lo tết: đó là tiền thu nhập tăng thêm quý IV năm trước sẽ được chia vào tháng Một năm sau, đúng ngay dịp trước tết Nguyên đán; rồi tiền tăng thu nhập từ kết dư cũng rơi đúng dịp này… mà những khoản tiền này không phải trường nào, địa phương nào cũng có. 

Thế nên, giáo viên trường được “thưởng” nhiều cũng chỉ dám mừng trong bụng, không dám khoe với đồng nghiệp trường bạn. Giáo viên trường bạn nhìn qua lại rơi vào cảnh chạnh lòng “đi dạy bao năm nào biết thưởng tết”. Thầy cô ở vùng sâu vùng xa thậm chí chỉ có chai dầu, gói mứt… đón tết.

Kết quả, dù “thưởng” ít hay nhiều thì trước những thông tin đó, xã hội cũng chỉ có thể nhìn thầy cô bằng hai cách: người tích cực thì thấy tội nghiệp, nếu tiêu cực lại suy diễn chắc tiền nhiều trích từ tổ chức dạy thêm, lạm thu... Dù chọn nhìn câu chuyện thưởng tết bằng lăng kính nào thì rõ ràng niềm tin vào giáo dục cũng giảm sút theo từng cái “thưởng” cuối năm.

Cũng chính từ những khoản “thưởng” này làm cho câu chuyện tết ở một số nơi không thể yên ả. Các đơn vị được quyền “chia” số tiền kết dư sau một năm gói ghém, thì lại xảy ra chuyện dòm ngó nhau, so bì, kiện tụng về việc chia khoản tiền này như thế nào…

Khoản tiền này ở mỗi đơn vị không giống nhau, có trường vài chục triệu nhưng cũng có nơi chỉ được vài trăm ngàn đồng. Lao động hợp đồng nhìn “thưởng tết” của lao động biên chế cũng cám cảnh.

Chính sự chênh lệch của cái gọi là khoản “thưởng tết” này đã dẫn đến những cuộc so bì không hồi kết giữa giáo viên các trường; trở thành cuộc kỳ kèo giữa những người thầy trong cùng một ngôi trường… Có lẽ, cuộc kỳ kèo tiền nong ở nghề nào cũng đều dễ được cảm thông hơn nghề giáo. 

Vì vậy, năm hết tết đến, chỉ mong đừng nhắc nhiều đến những chuyện thưởng tết của nghề giáo, đừng để chúng tôi hoặc tủi thân hoặc nhận về lời xì xầm. Xin đừng khoét sâu thêm nữa vào niềm tin mà xã hội mong chờ ở người thầy. 

Lộc Đỗ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI