Xin đừng lập “phố” kiểu phong trào

27/12/2023 - 05:52

PNO - Nhiều địa phương cấp quận của TPHCM đã cho ra mắt nhiều phố chuyên doanh. Thế nhưng, các phố này chưa thể thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch bởi chúng thiếu sức sống lẫn sức hút.

Sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, thị trường trầm lắng. Nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo điểm nhấn cho hoạt động thương mại, du lịch, chính quyền nhiều địa phương cấp quận của TPHCM đã cho ra mắt nhiều phố chuyên doanh. Hầu như quận nào cũng có 1 hoặc nhiều phố chuyên doanh.

Thế nhưng, các phố này chưa thể thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch bởi chúng thiếu sức sống lẫn sức hút. Các phố chưa có không gian buôn bán đặc trưng, chưa văn minh, sạch đẹp, tiện lợi. Phố chuyên doanh vẫn chỉ là tập hợp những cơ sở kinh doanh cũ với những sản phẩm cũ mà tuyến đường nào cũng có bán, chỉ tấm bảng hiệu “phố chuyên doanh” là mới. 

Phố chuyên daonh
Phố chuyên doanh trang trí nội thất, quận 10

Tôi từng hỏi người thân, bạn bè có biết gì về những phố chuyên doanh ẩm thực, thời trang vừa được thành lập hay không, họ đều lắc đầu. Ngay như tôi, nhiều lần đi ngang các phố ẩm thực mà chưa từng ghé ăn bởi nơi đó đường luôn kẹt xe, lề đường không có chỗ đậu xe, không có chỗ ngồi, quán xá thì nhếch nhác, mất vệ sinh. Đặt tên phố chuyên doanh mà ngay cả người ở TPHCM cũng không biết, không muốn ghé ăn thì làm sao du khách biết, du khách ghé?

Phố chuyên doanh là sự kết hợp độc đáo giữa phố và chợ, giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, giữa cư dân và tiểu thương… Tính đến năm 2021, toàn TPHCM có khoảng 130 phố chuyên doanh tự phát, nhiều phố có lịch sử hàng trăm năm, hội tụ nhiều yếu tố để vừa phát triển du lịch, vừa phát triển thương mại, như phố bán thuốc Bắc ở đường Hải Thượng Lãn Ông, phố bán đồ trang trí trên đường Triệu Quang Phục (quận 5), phố kinh doanh đồ cổ trên đường Lê Công Kiều (quận 1). Theo thời gian, có phố vẫn hoạt động và phát triển, có phố xuống cấp, mờ nhạt dần và có nguy cơ chìm vào quên lãng. 

Thay vì thành lập phố chuyên doanh mới toanh không có gì rõ nét, nên bảo tồn và phát triển phố trên những gì đã có. Ở Nhật Bản, cũng có hàng chục khu phố chuyên doanh đặc biệt với lịch sử cả trăm năm, như phố điện tử, phố bán trang phục các nhân vật trong truyện tranh, phố đồ ăn nhựa, phố truyện tranh, phố sách cũ, phố võ đài, phố trung tâm văn hóa, phố phụ kiện, phố vải, phố thánh địa mua sắm… Nhật Bản đã bảo tồn và phát triển các phố tự phát này để thu hút khách du lịch thay vì lập ra những phố chuyên doanh mới và dựng bảng tên. 

Nếu muốn xây dựng, hình thành các phố chuyên doanh mới để khẳng định văn minh thương mại của một thành phố phát triển thì tôi ủng hộ, nhưng tôi nghĩ rằng, cần phải có một “nhạc trưởng” là sở, ban, ngành nào đó cấp thành phố thay vì để cấp quận tự làm theo kiểu “mạnh ai nấy lập phố” như hiện nay. “Nhạc trưởng” này sẽ phân tích thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, quy hoạch cụ thể từng khu vực với sản phẩm cụ thể và kêu gọi các doanh nghiệp, người dân cùng tham gia, có các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, cũng như có những chiến lược truyền thông quảng bá bài bản...  

Nếu là phố chuyên doanh ăn uống, phải kinh doanh các món ăn tạo nên tên tuổi cho ẩm thực Việt Nam, được “ghi điểm” trên bản đồ ẩm thực thế giới. Nếu là phố chuyên doanh thời trang thì phải kinh doanh sản phẩm của các công ty may mặc nổi tiếng trong nước, có mặt các cửa hàng chuyên thiết kế, may phục trang truyền thống, vùng miền, kinh doanh sản phẩm thời trang theo xu hướng xanh. Hoặc có thể tạo ra cụm chuyên doanh có liên kết với nhau, vừa ẩm thực, vừa bán sản phẩm để thực khách mua sắm kết hợp đi bộ, giải trí, vừa có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe… để phục vụ mọi nhu cầu của khách. 

Dù là phố chuyên doanh truyền thống (sẵn có) hay được thành lập mới, “phố” phải đáp ứng nhu cầu về bến bãi, phương tiện vận chuyển, dịch vụ, nhân sự, tạo thành một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ với nhau. Việc nâng cấp, chỉnh trang “phố” phải phù hợp với đô thị văn minh nhưng vẫn bảo tồn những giá trị truyền thống. Đừng thành lập phố chuyên doanh kiểu phong trào, để làm đẹp các bản báo cáo thành tích. Đừng đặt tên phố này phố nọ rồi bỏ mặc. 

Nguyễn Hữu Nam

(Phó giám đốc Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI