Xin đừng làm tổn thương người khó!

12/07/2021 - 09:29

PNO - Những ngày giãn cách, rất nhiều người lao động cần sự chung tay giúp đỡ... nhưng cách chúng ta đưa tay dìu họ cũng phải thể hiện tấm lòng của mình chứ không để khoe khoang lòng tốt hay câu view trên mạng xã hội, hoặc xúc phạm người khác.

Đã quá nhiều lời than phiền về những trò câu view phản cảm của đội ngũ YouTuber, TikToker, thậm chí đã có những người bị xử phạt, nhưng họ vẫn bất chấp, ngày càng gia tăng mức độ điên rồ, thậm chí bất chấp tình người trong cuộc đua lượt xem.

YouTuber Tuấn Dương sỉ nhục người nhận cơm từ thiện

Câu chuyện YouTuber Tuấn Dương vừa phát cơm từ thiện vừa có những lời lẽ xúc phạm người nghèo đã khiến cộng đồng một phen dậy sóng. Quả thật, người ta không thể hình dung nổi kiểu vừa làm từ thiện vừa chửi mắng, vặn vẹo, vu cáo người khác như cách Dương đã làm. Trên TikTok, một cô gái phát khẩu trang và bánh đi kèm lời mắng người mẹ “không biết dạy con”.

Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 tàn phá Sài Gòn - TPHCM, khiến đời sống đình trệ, rất nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Từ chính quyền cho đến các doanh nghiệp, người dân đã đưa tay ra dìu đỡ nhau qua cơn khốn ngặt. Thế nên những sự đóng góp, san sẻ là vô cùng đáng quý. Từ những “siêu thị 0 đồng” đến những túi thực phẩm đã được trao đi bằng tấm lòng tương ái và đều được trân trọng. Không có ai trong số đó nói và làm như Tuấn Dương hay cô gái trẻ kia, bởi một khi đã bước trên con đường hành thiện, người ta đã bỏ đi những toan tính tầm thường, những sân si vụn vặt.

Trao số tiền 100.000 đồng cho người khó, chị tế nhị để tiền vào phong bì, để tránh cảm giác “ban ơn”
Trao số tiền 100.000 đồng cho người khó, chị tế nhị để tiền vào phong bì, để tránh cảm giác “ban ơn”

Một người chị tôi quen, nghe tin thành phố giãn cách, đã bật lên câu hỏi: “Những người vô gia cư sẽ ăn gì, khi các nhà hảo tâm phải ở nhà phòng dịch?”. Ngay trong buổi trưa hôm ấy, chị gọi cho bạn bè và phóng xe đi. Thay vì phải chuẩn bị thức ăn, lỉnh kỉnh gói quà, chị cho tiền, “để họ cần cái gì thì mua cái đó, hơn là mình cho thứ họ chưa cần”. 100.000 đồng cho mỗi người nghèo, chị cẩn thận tìm phong bì bỏ vào, “cho lịch sự” và để tránh cảm giác ban ơn, để người nhận đỡ ngại ngùng. Tuấn Dương không hiểu được điều ấy chăng?

Những trái khóm Tân Phước từ Tiền Giang vừa đến TPHCM tối 11/7
Những trái khóm Tân Phước từ Tiền Giang vừa đến TPHCM tối 11/7

Khóm Tân Phước nổi danh khắp chốn. Anh bạn ở Tiền Giang báo sẽ gởi 3 tấn khóm loại 1 lên Sài Gòn chia sẻ với các khu cách ly. Tìm được người thay mặt trao đi, anh mới vào vườn cắt khóm, “để khóm tươi ngon nhất có thể”. Người nhận khóm trao đi cũng lạ, nhất định phải mua thêm một ít để chia lại cho bạn bè, để có một khoản dư tặng cho người lái xe chở khóm. Chị bảo: “Dạo này đường xá khó khăn, lại còn tốn phí xét nghiệm”. Chỉ vậy thôi đủ thấy cách những tấm lòng nghĩ cho nhau và san sẻ với nhau.

Đội trao quà được trang bị bảo hộ để đến với những hoàn cảnh khó khăn tại Gò Vấp trước ngày giãn cách
Đội trao quà được trang bị bảo hộ để đến với những hoàn cảnh khó khăn tại Gò Vấp trước ngày giãn cách

Nghe tôi kể về những mảnh đời rất khó ở quận Gò Vấp trong những ngày giãn cách, cô bạn Facebook chưa từng gặp mặt nói gọn: “Để em phụ anh”. Trong một ngày, cô chạy đi mượn xe, điều hết nhân viên công ty mình ngồi chia thịt tươi vào từng túi “để bà con có ít thịt, chứ ăn mì hoài sao chịu nổi”. Rồi bạn đi, trang bị bảo hộ cho từng nhân viên, dặn dò người nhận quà cố gắng giữ sức khỏe, động viên họ rồi khó khăn sẽ qua.
Trên Facebook, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TPHCM, ngay trong ngày đầu TPHCM giãn cách xã hội, đã có một status “xin cơm”. Ông xin các học trò của mình, để chia sẻ với những người khốn khó. Ngay lập tức, những nghệ sĩ trẻ đã hưởng ứng. Người góp rau, người góp gạo và cứ thế trao đi, không hề xét nét xem ai mập hay ốm, có sơn móng tay hay không. Nói như người chị trong cơ quan tôi - “Người ta cần mới xin. Đừng nghĩ người ta nghèo mà thiếu lòng tự trọng”.
Những cư dân thành phố này từ lâu đã quen với việc mở lòng chia sẻ và đã học được “cách cho”. Nhiều lần theo chân các bạn trẻ đi phát quà từ thiện, nhìn cách các em hai tay trao những phần cơm, ân cần nhắn: “Ông/bà/cô/chú ăn cho khỏe”, tôi tin vào một thế hệ tương lai biết nghĩ và biết sống. Tôi cũng tin rằng những người như Tuấn Dương, như cô gái trẻ kia chỉ là một thiểu số rất nhỏ và cần học lại bài học làm người thiện trước khi hành thiện. Miếng cơm khi đói là quý, nhưng chớ để miếng cơm là miếng nhục, bởi quanh ta vẫn còn nhiều lắm tình người.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI