Xin đừng làm khổ học trò thêm nữa

13/07/2022 - 06:22

PNO - Trong tháng 6/2022, nhiều tỉnh, thành lần lượt tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ai cũng thấy cuộc thi này là vô lý, bởi học sinh đã tốt nghiệp THCS thì hẳn nhiên đã đủ chuẩn để vào lớp đầu cấp tiếp theo.

Thiệt ra, lý do để tổ chức kỳ thi này là vì các trường THPT công lập chỉ đủ sức tiếp nhận 70 - 80% số học sinh đã xong lớp Chín. Số còn lại có thể vào trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề. 

Cuộc thi vào lớp 10 năm 2022
Cuộc thi vào lớp 10 năm 2022 có nhiều học sinh giỏi 9 năm liền vẫn rớt vào lớp 10 công lập (ảnh minh họa)

Điều đáng nói là cuộc thi càng ngày càng căng thẳng, tạo áp lực nặng nề cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Còn dư luận xã hội thì không đồng tình. Mức độ căng thẳng nằm ở chỗ, học sinh đăng ký vào một trường cụ thể nhưng không biết mình phải “đấu” với bao nhiêu thí sinh, khả năng của các “đối thủ” đó ra sao. Các em có cảm giác như phải đối mặt với ma trận chọn trường. Thành ra, có nhiều trường hợp điểm rất cao mà vẫn rớt đau. 

Do đã đưa ra “luật chơi” từ trước nên sau khi có kết quả, ngành giáo dục tuyên bố “không giải quyết đổi nguyện vọng, không hạ điểm chuẩn”. Điều này là quá nghiệt ngã cho các em ở độ tuổi 15.

Từ Hà Nội đến TPHCM, Cần Thơ, đâu đâu cũng thấy cảnh học sinh căng thẳng thi lớp 10, rồi đủ chuyện đau lòng xảy ra đối với những học sinh bị loại. 

Nhưng kỳ lạ là có một địa phương mà ở đó, học sinh không phải chịu cảnh căng thẳng này, dù tỷ lệ được vào trường công cũng chỉ 70% số học sinh tốt nghiệp THCS. Đó là tỉnh Đồng Tháp - địa phương hiếm hoi chỉ tổ chức thi cho những ai muốn vào lớp 10 trường chuyên, còn lại đều xét tuyển. Việc xét tuyển dựa vào điểm trung bình các năm học lớp Sáu, Bảy, Tám, Chín nhân hệ số 2, cộng với điểm ưu tiên và tổng điểm hạnh kiểm bốn năm học bậc THCS. 

Ưu điểm của việc xét tuyển là không phải tập trung đông giáo viên, học sinh, không tạo ra những áp lực không đáng có, không lãng phí tiền bạc và công sức như khi tổ chức kỳ thi. Hơn nữa, việc xét tuyển dựa vào kết quả rèn luyện, học tập bốn năm học cũng giúp đánh giá được cả quá trình học của học sinh. 

Tuy nhiên, mặt hạn chế (nếu có) của cách thức này là nó có thể không công bằng với mọi học sinh, bởi mỗi trường THCS có cách đánh giá kết quả học tập, rèn luyện khác nhau. Một lãnh đạo ngành giáo dục đã về hưu cho rằng, trong nhiều cái dở, ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã chọn cái ít dở nhất, sau đó hoàn thiện dần, trong đó có việc bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các trường THCS. Đây có thể không chỉ là giải pháp tốt để loại bỏ một kỳ thi tốn kém, căng thẳng, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Còn nhớ, năm 2021, do dịch COVID-19, ngành giáo dục TPHCM chỉ xét tuyển vào lớp 10. Hiệu trưởng một trường ở quận ven cho hay, qua một thời gian dạy và học, đã “lộ” ra nhiều học sinh yếu mà nếu thi tuyển, các em không thể vào được trường này. Nghĩa là, đã có chênh lệch trong đánh giá của các trường THCS. 

Lại có người lo rằng, không thi, học sinh sẽ lười học. Như nhiều năm trước, các huyện ngoại thành TPHCM chỉ xét tuyển, nhưng được vài năm thì quay lại thi tuyển do chất lượng học sinh đi xuống. Tuy nhiên, như đã nói, rất khó có một giải pháp hoàn hảo cho vấn đề tuyển sinh lớp 10. Giải pháp tốt nhất là chọn cách nào ít dở nhất rồi hoàn thiện dần. 

Xây thêm trường cũng là giải pháp tốt, nhưng số trường mới, lớp mới không thể “đuổi kịp” số lượng học sinh. Như năm nay, TP.Hà Nội tăng chỉ tiêu vào trường công lập khoảng 10.000 học sinh so với năm học 2021 - 2022, chỉ tiêu vào trường tư thục tăng khoảng 4.000. Tuy nhiên, con số này vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. 

Thời gian qua, hệ thống trường tư và trường nghề đã thực sự chia sẻ áp lực tuyển sinh lớp 10 với trường công lập. Thực tế, trường tư nào được đầu tư tốt thì thu hút đông học sinh. Nhưng do chưa được đầu tư nên nhiều trường tư vẫn cứ thụ động chờ số học sinh “lọt sàng xuống nia”. Do đó, chính các trường tư cũng phải đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên để học sinh chủ động đến với mình, qua đó góp phần giảm áp lực sĩ số lên hệ thống trường công lập.

Đến nay, các trường nghề hầu như vẫn cứ dạy cái mình có, không dạy cái mà xã hội cần. Do đó, sau một thời gian dài hô hào, tỷ lệ học sinh sau THCS chọn trường nghề chẳng đáng là bao. Nếu trường nghề đào tạo tốt, người ra trường có việc làm, thu nhập tốt thì học sinh tự khắc sẽ đổ xô học nghề.

Có nhiều giải pháp cho vấn đề tuyển sinh lớp 10, nhưng xin hãy chọn cách ít dở nhất, ít gây áp lực cho học sinh nhất. Đó mới chính là giáo dục. 

Diệu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI