Xin đừng đánh thầy thuốc

27/02/2018 - 06:00

PNO - Trong khi xã hội yêu cầu ngành y phải luôn tìm ra bệnh, chữa hết bệnh, luôn tươi cười, chào hỏi, ân cần... thì người ta lại cho rằng nhân viên y tế phải nín lặng khi bị phỉ báng, bị sỉ nhục, bị đánh...

Hôm nay 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam. Cá nhân tôi, cũng như nhiều bác sĩ khác, rất cám ơn ai đó, người đã có ý tưởng, và tạo ra một ngày để vinh danh các thầy thuốc.

Nhưng trên thực tế, các thầy thuốc của chúng ta có thực sự được vinh danh hay không? Hoàn toàn không. Nạn bạo hành y tế đang diễn tiến một cách thần tốc, gia tăng một cách thần kỳ.

Xin dung danh thay thuoc

Chỉ mấy ngày tết vừa qua, hàng loạt vụ hành hung nhân viên y tế, đập phá bệnh viện xảy ra, với mật độ dày đặc, tính chất ngày càng manh động. Thôi thì cứ cho những kẻ bạo hành nhân viên y tế là bọn côn đồ, bọn cặn bã của xã hội. Nhưng, không chỉ có kẻ xấu trấn áp nhân viên y tế.

Khi một nhân viên hàng không bị hành hung, kẻ hành hung lập tức bị cấm bay, Thủ tướng lên tiếng ngay lập tức. Khi một nhân viên vệ sinh bị đánh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trực tiếp đến thăm và giải quyết.

Còn khi một kẻ tát liên tiếp vào mặt một nữ bác sĩ, kẻ khác cầm ghế truy đuổi bác sĩ, thì chúng chỉ bị phạt hành chính. Hoặc khi hai bác sĩ ở Yên Bái bị hơn chục kẻ đánh hội đồng một cách dã man, vỡ đầu, rách mặt, thì cả tuần rồi vẫn chưa có kẻ nào bị bắt, dù chúng có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng...

Không chỉ những kẻ xấu của xã hội vùi dập nhân viên y tế. Chính sự thờ ơ đối với nạn bạo hành trong ngành y tế của những người có trách nhiệm tạo ra môi trường sống an bình, những người có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự của xã hội, đã "đồng lõa" với bọn côn đồ, trong việc ức hiếp người trong ngành y tế.

Xin dung danh thay thuoc

Trong khi cả xã hội yêu cầu ngành y phải luôn tìm ra bệnh, luôn chữa hết bệnh, luôn tươi cười, chào hỏi, ân cần... thì người ta lại cho rằng nhân viên y tế phải nín lặng khi bị phỉ báng, bị sỉ nhục, bị đánh, thậm chí bị đâm chết.

Không có bất cứ cơ chế nào cho nhân viên y tế phản kháng nạn bạo hành. Công đoàn, một tổ chức chăm chỉ thu tiền hàng tháng của nhân viên y tế, thường "vô hình" trong các vụ bạo hành như thế.

Những tiếng nói bảo vệ nhân viên y tế rất yếu ớt, và luôn chìm vào thinh không. Ngược lại, nhiều vị lãnh đạo có xu hướng đổ lỗi cho nhân viên y tế khi họ bị hành hung.

Nếu Nhà nước thực sự xem nhân viên y tế là người bình thường, hẳn sẽ phải có những cuộc điều tra nghiêm túc, những biện pháp quyết liệt để bảo vệ sự an toàn tính mạng, chưa nói đến việc bảo vệ phẩm giá cho họ. Nhưng chẳng có cuộc điều tra nào, cũng chưa thấy biện pháp nào.

Xin dung danh thay thuoc

Xin thưa, nhân viên y tế không phải là "nô lệ". Trong một chừng mực nào đó, họ là những người được chọn lọc kỹ càng, đứng hàng đầu trong các cuộc chọn lọc. Họ được đào tạo bài bản trong thời gian dài. Ở những xã hội không có ngày dành riêng cho họ, họ được nể trọng, có thu nhập cao, được bảo vệ để có môi trường làm việc an toàn.

Nhân viên y tế sẵn sàng đánh đổi ngày vinh danh, cùng những danh hiệu chỉ để có một môi trường làm việc an toàn. Họ muốn được toàn tâm toàn ý với công việc cứu người, tránh những sai sót y khoa do phân tâm, vì phải lo đối phó với nạn bạo hành và tìm cách tự bảo vệ tính mạng của mình.

Các thầy thuốc không cần được vinh danh. Họ chỉ muốn được đối xử công bằng, như những tiếp viên hàng không, như những công nhân vệ sinh, như những công dân bình thường khác.

Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Sơn
Phòng khám Exson, TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI