Xin đừng chém... thái hậu!

12/09/2018 - 06:38

PNO - Phục dựng một vở diễn, tái diễn một vai tuồng là điều rất đáng trân trọng. Nhưng yêu thôi chưa đủ, thậm chí, “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”.

Một sàn diễn có của ăn của để, đèn giăng tứ phía, phục trang lộng lẫy. Một tư duy dàn dựng biết chiều chuộng thời thượng, quăng thêm nào màn đấu kiếm, nào cảnh người làm giáo làm gươm. Và còn gì nữa ở vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga (sân khấu Lê Hoàng, tham gia Liên hoan cải lương toàn quốc 2018)?

Xin dung chem... thai hau!
Phục trang cầu kỳ, hay động tác hình thể thiếu thuần thục đã khiến sự di chuyển của diễn viên Kim Ngân khá nặng nề - Ảnh: THẢO VÂN

Thôi thì ghi nhận tình yêu, lòng say mê và ước mong nối nghiệp người đi trước của diễn viên Kim Ngân - đảm nhận vai thái hậu Dương Vân Nga. Ghi nhận tâm huyết và cách thức chào đón sự kiện 100 năm sân khấu cải lương của NSƯT Hoa Hạ - đạo diễn. Ghi nhận trách nhiệm, sự tận tụy, hết lòng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhất là những diễn viên nhà nghề trong đại gia đình tuồng cổ Minh Tơ đã tạo một “cốt nền” vững chắc cho vai diễn trung tâm - thái hậu Dương Vân Nga tập tễnh mà đi, chập chững mà bước.

Tôi không so sánh Kim Ngân với bất kỳ nghệ sĩ đáng kính nào của “chiến dịch ra trận” năm 1979 trong vai diễn thái hậu Dương Vân Nga, cũng sẽ không đặt cô cạnh hai nghệ sĩ bậc thầy đã từng đảm nhận vai diễn này (NSND Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết) của kịch bản này (tác giả: Hoa Phượng, Chi Lăng, Hoàng Việt, Thể Hà Vân), bản dựng này (đạo diễn: Chi Lăng). Bởi điều đó sẽ không công bằng cho cô, thế thôi!

Nhưng vai diễn thái hậu Dương Vân Nga là một sự quá tải đối với Kim Ngân, vì quá tải nên quá sức - sức cảm để cô hiểu nhân vật, hiểu hoàn cảnh lịch sử, hiểu thông điệp mà vở diễn đặt ra; sức ca để chuyển tải hồn vía, thần thái của bài bản, cho đến từng trường đoạn nói lối hay thoại kịch; sức diễn để cô giao đãi với bạn diễn, để biểu đạt sức nặng nội tâm của một bà hoàng đang chèo chống vận nước - mệnh nhà, từng hồi từng bước mà đặt lợi ích dân tộc lên trên quyền lợi gia tộc.

Tất cả đều căng cứng trong xử lý đài từ, nhiều chỗ ca chênh; vụng về, tùy tiện trong trình thức, điệu bộ, đôi chỗ rơi vào “tự nhiên chủ nghĩa”. Sự di chuyển của nhân vật, do không thuần thục vũ đạo, trình thức hay xử lý động tác hình thể vụng về, hoặc do phục trang quá nặng nề, luộm thuộm mà bà thái hậu trông còn… khó nhọc hơn cả cố mẫu (NSƯT Quỳnh Hương).

Đó là chưa nói đến sự giao lưu, tương tác với bạn diễn, Kim Ngân hầu như... lạc lõng. Những màn đối đáp “sống còn” giữa bà thái hậu với quan Ngoại giáp Đinh Điền, Quốc công Nguyễn Bặc, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cứ như thể… ai nói nấy nghe. Một NSƯT Trường Sơn điêu luyện về trình thức, kỹ lưỡng trong từng đường nét; một NSƯT Lê Tứ đĩnh đạc, dày dạn trong ca diễn vẫn không thể “nâng đỡ” cho bạn diễn, nói đúng hơn là “đỡ không nổi”!

Rõ nhất là cảnh cố mẫu và thái hậu. Một Quỳnh Hương vốn rất tinh anh với vai đào mụ, bỗng dưng lơ đễnh và cẩu thả tới mức khi xuất hiện thì đôi tay run lẩy bẩy, vào diễn một hồi thì tay chân, đài từ cứ thẳng băng tráng kiện. Màn gặp gỡ, trò chuyện của hai bậc mẫu nghi, cũng là hai người mẹ góa nuôi con côi mà thành nghiệp cả, thay vì hào sảng xen lẫn tự tình, lay động lại rời rạc, lê thê.

Nên nhớ, kịch bản của Hoa Phượng là sự cân đo đong đếm từng chữ từng từ; chưa tính hợp cùng ông là các tên tuổi Chi Lăng, Hoàng Việt, Thể Hà Vân nên đã thiết kế đường nét diễn xuất trong mỗi tình huống, ca từ.

Tình tiết đổ ly nước và lời giáo huấn của cố mẫu với con dâu thái hậu vốn chứa đựng sức nặng, song cả hai diễn viên đều diễn như kiểu trả bài. Chưa kể, sau đó, Kim Ngân còn thoại sai trong phần nói lối (trên nền bài Văn Thiên Tường - lớp dựng) - “Trống trường thành rời rạc, nhặt khoan”, chứ không phải “rời rã”.

Một “cách tân” của Hoa Hạ là thay màn giáo gươm bằng dàn diễn viên. Hẳn là chị có ý đồ riêng của mình. Nhưng tôi lại chưa đọc được ý đồ ấy. Lòng yêu nước, lòng căm thù kẻ cướp nước đã tạo nên sức mạnh cho người đàn bà “dẫu phận quần thoa, cam bề góa bụa” mà cật vấn, mà truyền linh hồn và ý chí chiến đấu vào trong giáo gươm, cung nỏ. Chứ không phải tìm cách nhân hóa giáo gươm để khi diễn viên không đủ nội lực biểu diễn thì sự nhân hóa ấy lại bị vật thể hóa, thô thiển đến buồn cười.

Tôi đọc báo thấy Kim Ngân chia sẻ, cô nghĩ mình sẽ đóng vai Hiệu úy Kỳ Hoa chứ không thể vươn tới vai thái hậu Dương Vân Nga. Có lẽ, vai Kỳ Hoa sẽ vừa sức với cô chăng, mà cũng trọn vẹn khi đó chính là vai diễn của mẹ cô - NSƯT Kim Ngọc.

Tôi đọc trên bảng giới thiệu của ban tổ chức, ghi tên đạo diễn là NSƯT Hoa Hạ. Có lẽ, cần thể hiện sự kính trọng cố đạo diễn Lưu Chi Lăng và tôn trọng bản quyền dàn dựng của ông, bởi khi xem bản dựng Thái hậu Dương Vân Nga của sân khấu Lê Hoàng, sẽ thấy rõ đường dây chủ đạo, cách xử lý các tình huống, tình tiết đều lọt lòng từ bản dựng năm 1979 trên sân khấu của Nhà hát ca kịch cải lương Trần Hữu Trang. Đôi chỗ thêm vào, làm khác, không chứng minh được sự khác biệt về ngôn ngữ, phong cách dàn dựng.

Phục dựng một vở diễn, tái diễn một vai tuồng là điều rất đáng trân trọng. Nhưng yêu thôi chưa đủ, thậm chí, “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI