Xin đừng bóp méo trăng rằm của trẻ

14/09/2015 - 15:31

PNO - Hãy để cho Trung thu mãi mãi là tết của trẻ con. Người lớn đừng mượn dịp này mà bóp méo trăng rằm trong con mắt tuổi thơ...

Xin dung bop meo trang ram cua tre
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn Internet

1. Tôi lớn lên ở một vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Tuổi thơ tôi đi qua những Trung thu vằng vặc ánh trăng rằm, ngạt ngào hương lúa và râm ran tiếng trống, lung linh ánh đèn...

Tôi còn nhớ, mới cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám âm lịch, lũ trẻ chúng tôi đã háo hức tìm vật liệu làm trống. Rồi chúng tôi chọn những đoạn tre hí hoáy chẻ chẻ, vót vót làm đèn ông sao, đèn lồng... chuẩn bị đón trăng rằm tháng Tám.

Buổi tối, chúng tôi tụ ra sân đình tập đội ngũ. Tiếng trống, tiếng còi náo nức tận khuya mà chẳng đứa nào thấy buồn ngủ.

Trung thu của lũ trẻ nhà quê chúng tôi mấy mươi năm trước là tết chơi, chứ ăn uống thì hầu như chẳng có gì. Mâm cỗ đón trăng là hoa quả trong vườn, nhà đứa nào có quả gì thì đem góp quả ấy.

Trong xóm được vài đứa có bố làm việc trên huyện, trên tỉnh gửi về cho cái bánh nướng, bánh dẻo bèn đem ra chia cho bạn, mỗi đứa chỉ được một miếng nho nhỏ, ngon ơi là ngon.

Tết Trung thu những năm gần đây, trẻ thường được người lớn mua cho cái đèn, cái bánh. Chẳng bù cho tuổi thơ tôi xưa, nhiều đứa phải bắt gom đom đóm từ mấy đêm trước, để đêm rằm có thứ ánh sáng lập lòe thay nến.

Đủ đầy thế, nhưng tôi thấy lũ trẻ hôm nay đến với đêm Trung thu buồn hơn tuổi thơ tôi nhiều lắm. Các em chẳng có niềm vui làm trống, làm đèn tham dự hội thi.

Đêm rằm, lãnh đạo khu phố có tổ chức cho lũ trẻ đón trăng, nhưng chỉ có các cháu ở lứa tuổi mẫu giáo, nhi đồng đến nhận bánh và hát nghêu ngao một lát rồi giải tán. Còn các em ở tuổi thiếu niên thì như chưa hề có đêm Trung thu.

Mấy năm nay, xuất hiện đèn lồng thắp sáng bằng pin, đám trẻ tung tẩy, không còn sợ gió thổi tắt lửa, nhưng mất hẳn cái lung linh, huyền ảo. Lồng đèn, ánh trăng bỗng trở nên nhạt thếch...

2. Mới đầu tháng Tám âm lịch, đến thăm cậu em họ là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà cậu mua về đến mấy chục hộp bánh Trung thu loại cao cấp, xếp ở một góc cao ngồn ngộn, cứ như đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng này.

Cậu em giải thích, đó là bánh mua về biếu ông nọ, bà kia ở phường, ở quận để tạo sự quen biết lẫn nhau, để đến lúc mình có việc gì cần giải quyết, họ sẽ nhanh tay, nhanh bút. Cái lệ là thế, mình mà không theo thì thế nào cũng có lúc bị trách cứ.

 Nghe đến chữ “lệ”, tôi cảm thấy nhột nhạt thế nào. Ai lại lấy ngày tết của trẻ con để làm dịp biếu xén, mua bán tình cảm kia chứ?

3. Tôi bần thần nhớ lại, đây đó tôi đã nghe, đã đọc về chuyện cái bánh Trung thu có nhân bằng... vàng, bằng đô của cấp dưới biếu cấp trên, đích là hối lộ rồi còn gì.

 Trong cuộc đời này, tham nhũng, hối lộ từ thời nảo thời nào đến giờ vẫn có, nhưng tại sao người ta không chọn một dịp nào khác, lại nhằm vào ngày tết Trung thu, tết của trẻ con để thực hiện cái công việc của người lớn? Thế thì còn mong gì dạy dỗ cho con cái thành người trung thực, giỏi giang được, hỡi cả người đi biếu lẫn người sẽ nhận?

Tôi thật lòng mong mỏi, hãy để cho Trung thu mãi mãi là tết của trẻ con. Người lớn đừng mượn dịp này mà bóp méo trăng rằm trong con mắt tuổi thơ...

Thanh Xuyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI