Hai mươi sáu năm dõi theo cuộc hôn nhân của con, khởi từ khó nghèo, vượt bao biến cố, hơn ai hết, người mẹ chồng hiểu rõ tính cách và thật tâm yêu quý cô con dâu. Bởi thế, khi các con đưa nhau ra tòa, bà nằng nặc đi theo, nức nở khuyên con trai đừng bỏ vợ, xin tòa tuyên không cho họ ly hôn.
“Dù thế nào, con vẫn là dâu của mẹ”
Trước hôm Tòa Gia đình và người chưa thành niên - TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ ly hôn của các con, ngày nào người mẹ chồng cũng tìm gặp con dâu, căn dặn: “Nhớ hôm đó cho mẹ đi theo”.
Cố thuyết phục rằng bà đã lớn tuổi, sức khỏe kém, đường từ huyện Bình Chánh lên trung tâm thành phố xa xôi… nhưng mọi lý lẽ của con dâu đều không lay chuyển được mẹ chồng. Bà cương quyết: “Để mẹ lên xin tòa, xin chồng con, xem có cứu vãn được gì không”.
Như để “chắc ăn”, 5 giờ sáng ngày phiên xử diễn ra, bà đã lọ mọ xuất hiện trước nhà chị. Thấy vẻ ngại ngần của chị, bà ứa nước mắt: “Cố lên con, còn nước còn tát. Dù có thế nào, mẹ vẫn rất thương và chỉ coi con là con dâu của mẹ”.
Tấm lòng ấy tiếp tục được bà khẳng định khi phát biểu trước tòa: “Tôi mong tòa đừng chấp nhận cho tụi nó ly hôn. Con dâu tôi tốt vô cùng, hiếm có ai được như nó”. Bà kể, kết hôn xong, người con dâu đã chấp nhận thiệt thòi, từ bỏ công việc ở cơ quan nhà nước, ra chợ mở sạp hàng lo kinh tế gia đình để con trai bà - một công chức không phải nặng lòng.
Quay sang con trai, bà khẩn thiết: “Đừng làm mẹ buồn nữa, về với gia đình mình đi con”. Người con trai khẽ nhếch mép khi thấy vợ đứng lên dìu mẹ về chỗ ngồi, ân cần lấy khăn lau nước mắt cho bà. “Con mạnh mẽ lên! Đừng buồn, rồi chồng con nghĩ lại” - bà chưa kịp dứt lời thì người con trai bĩu môi: “Mẹ bị nó dụ rồi, làm gì mà tốt đẹp như thế!”.
Hướng về vị chủ tọa, anh dõng dạc: “Mẹ tôi bị cô ta dụ rồi. Tôi vẫn quyết ly hôn. Nếu tòa không cho, năm sau tôi nộp đơn tiếp. Nếu ngày mai tôi chết đi, hôm nay tôi vẫn ly hôn cho bằng được”. Mặc kệ người mẹ già nấc lên sau câu nói của mình, anh con trai chậm rãi thuật lại những khổ tâm, tủi nhục khi sống chung với vợ.
Theo anh ta, chính chị là người đã phá tan hạnh phúc gia đình. Có chồng là đảng viên, công chức mà chị cứ nghi ngờ anh ngoại tình, hết diễn kịch mình đáng thương đến nói xấu, gửi đơn nặc danh tố cáo chồng. Hậu quả là nhiều lần anh bị lãnh đạo lẫn công an mời làm việc chỉ vì không thu xếp được chuyện gia đình. “Tôi mất mặt lắm! Nhục nhã lắm! Tôi hết yêu vợ cũng vì thế. Vợ chồng giờ chỉ còn trên danh nghĩa mà thôi” - anh vung mạnh tay.
|
Phiên phúc thẩm diễn ra tại Tòa Gia đình và người chưa thành niên - TAND TP.HCM |
Chị nghẹn ngào trình bày, bao nhiêu năm vợ chồng hạnh phúc, giờ chỉ có chút sóng gió mà anh đã vội buông tay. Chưa bao giờ chị hết yêu anh nên điều “hành hạ” chị không phải là cú sốc anh ngoại tình, mà là những ngọt ngào bao năm tháng cho nhau.
Chị nhớ ngày mang thai đứa con trai đầu, chị đi xe bị té, anh xót xa trách chị: “Đi đứng phải cẩn thận chứ em! Mà thôi, từ nay đi đâu anh sẽ chở”. Từ khi đó cho đến ngày nổi lên sóng gió, chưa bao giờ chị phải đi xe một mình. “Thôi thì anh cứ làm những gì mình thích, khi nào chồn chân mỏi gối hãy trở về với mẹ con em” - chị sụt sùi, nhìn anh van lơn.
Sóng gió
Chị bày tỏ, người đàn ông nào chẳng có phút lạc lòng. Chị đã tha thứ, mong anh quay về nhưng anh ngày càng mù quáng chạy theo người phụ nữ khác, vô tình như thể anh chưa từng cùng chị trải qua những ngày tháng mặn nồng, nắm tay nhau vượt qua bao khó khăn.
Khó khăn lớn nhất của hai vợ chồng là cách đây mấy năm, con trai chị yêu cô gái cùng xóm, mới 16 tuổi. Bị khởi tố tội “giao cấu với trẻ vị thành niên”, con trai chị phải chịu án 2,5 năm tù giam (nhờ có nhiều tình tiết giảm nhẹ). Dẫu biến cố ấy khiến hàng đêm vợ chồng phải thức trắng lo lắng cho con; phải thăm nuôi con đang bị giam giữ nhưng biến cố đi qua, anh chị đã nhận ra tình vợ chồng càng đậm đà, khắng khít.
Vậy mà, chị lặp lại, chỉ có chút sóng gió nữa thôi, anh đã vội buông tay. Đó là lần chị phát hiện trong điện thoại của anh những tin nhắn mùi mẫn yêu thương với người phụ nữ khác. Phát hiện đó giải thích cho việc nhiều ngày trước đó, anh bỗng dưng lạnh nhạt với chị, về đến nhà cứ ôm lấy điện thoại, lại thường đi sớm về khuya.
Nhỏ to khuyên nhủ không làm anh thay đổi, chị tìm người phụ nữ kia - vốn chẳng xa lạ với chị, còn là chỗ họ hàng, để xin buông tha cho anh. Không ngờ, anh mượn lý do đó quy kết chị “bôi tro trét trấu”, hạ uy tín, làm xấu mặt chồng. Anh còn lớn tiếng thách thức chị: “Cô cung cấp bằng chứng đi rồi hẵng nói chuyện”. Chị không muốn làm mọi chuyện bung bét nhưng anh cứ dồn đuổi mãi.
Bức bối, chị âm thầm theo dõi và sau đó là bắt quả tang anh trong nhà của tình nhân. Cứ ngỡ mình có chứng cứ, hai người sẽ hết đường chối cãi, nhưng chị không ngờ, anh lại dựa vào đó để làm đậm thêm hình ảnh ghen tuông của chị.
Không khí cuộc chung sống ngày càng nặng nề; những cuộc giải trình với lãnh đạo, với cơ quan công an vì nhiều lá thư nặc danh đã khiến anh vượt quá ngưỡng chịu đựng. Anh cương quyết ly hôn, sẵn sàng ra đi tay trắng, miễn sao thoát khỏi chị.
Buồn chuyện gia đình, sức khỏe sa sút, trước ngày TAND huyện Bình Chánh mở phiên xét xử, chị đi lấy hàng chẳng may choáng váng, ngất xỉu, phải nhập viện. Dù chị đã có đơn xin hoãn xử chờ bình phục nhưng phiên tòa vẫn diễn ra, vắng mặt chị, tuyên cho hai người ly hôn.
Ấm ức vì không có cơ hội nói lên những suy nghĩ của mình, với tòa và cả với anh sau nhiều tháng vợ chồng chìm trong im lặng, chị kháng cáo. “Hôm nay, được đứng trước tòa phúc thẩm, em muốn nói, tình nghĩa vợ chồng tạo dựng đâu chỉ ngày một ngày hai. Bao khó khăn mình đã vượt qua hết. Là người vợ, em không muốn gia đình tan vỡ. Em xin lỗi nếu đã gây ra những tổn thương cho anh, xin anh cho em một cơ hội sửa sai, làm lại từ đầu” - chị nức nở. Anh lạnh lùng quay đi. …
Cấp phúc thẩm tuyên hủy án, trả hồ sơ xét xử lại từ đầu vì phiên sơ thẩm do TAND huyện Bình Chánh xử đã không xem xét đến tình tiết bất khả kháng chị nhập viện, không tham dự được. Chủ tọa vừa dứt lời, anh giận dữ: “Không thắng được tôi đâu, cứ chờ đi”. Chị im lặng. Mẹ anh nhìn con, buồn bã lắc đầu.
***
Người con dâu dìu mẹ chồng xuống từng bậc tam cấp, người chồng nhanh chân ra về...
Tuyết Dân