Con gái chị năm nay học mười một, đó là một cô bé xinh xắn, ngoan ngoãn và rất nghe lời, chỉ cần bố mẹ tỏ ý không thích là con bé sẽ thôi không ý kiến hay đòi hỏi gì.
Lúc chị sinh con bé bị biến chứng nên dù sau này cố đủ mọi cách cũng không thể có thêm con, mọi tình thương yêu anh chị dồn hết cho con bé. Được cái con bé cũng dễ chịu, chị cho học gì con học nấy, còn học khá tốt. Mười bảy tuổi mà con bé chỉ biết học và học, sáng không bố thì mẹ chở đến trường, chiều đón về đưa tới lớp học thêm, áo dài quần tây có mẹ ủi thẳng nếp, cơm nước chỉ khi bày biện xong xuôi mới gọi ra ăn, ăn xong lại vào phòng học bài, chơi đàn hay đọc sách, bát đũa đã có mẹ lo, nhà cửa có mẹ dọn vì con bé đâu biết làm, mà có làm chị cũng không cho, nói nhìn chân tay lóng ngóng bắt ngứa mắt, để chị làm luôn cho nhanh.
|
Hình minh họa |
Công nhận, chị làm nhanh thật, sáng chị dậy từ năm giờ nấu cơm cho chồng con ăn sáng, còn kịp làm “hộp cơm tình yêu” cho hai bố con mang đi ăn trưa. Chiều chị về trước ghé qua chợ mua thức ăn rồi về lau nhà nấu cơm, đợi hai bố con về ăn. Tất nhiên ăn xong chị lại là người lau dọn bàn ghế, rửa chén đũa và phơi đồ máy giặt mới giặt xong. Tôi hỏi chị không biết mệt sao, chị cau mày “sao mà mệt, phục vụ chồng con mình chứ ai mà mệt. Nấu ra chỉ mong bố con nó ăn nhiều một tí là vui rồi, có bữa dư một nửa mới mệt!”
Tôi nói chị biết “ngứa mắt” khi thấy con gái lóng ngóng khi phụ mẹ, sao chị không “ngứa mắt” khi chồng nằm dài gác chân lên thành ghế, con gái ôm sách trong khi mình tay năm tay mười, cả ngày mài sức ở cơ quan, tối về lại tiếp tục công cuộc phục vụ? Một tháng ba mươi ngày ngoài thời gian ngủ chị chẳng có phút nào dành riêng cho mình, lỡ chị ốm đau nằm đó thì sao? Chị lườm, nói toàn là người nhà, là chồng là con mình chứ ai mà tính toán thiệt hơn?
Tôi không biết thiệt hay hơn, tôi có phải là người tính toán không khi hỏi con bé có mấy bộ áo dài, có mấy đôi giày con bé cũng không biết, nói “mẹ con đưa đôi nào con đi đôi ấy, có bữa mẹ đưa nhầm đôi giày rách làm con xấu hổ với bạn trên lớp” tôi hỏi sao con không tự lấy, tự chọn, con bé lụng bụng “mẹ nói cứ lo học giỏi là được!”. Tôi hỏi một vài sự kiện nóng hổi đài báo đưa tin rầm rầm, con bé nói không nghe vì tivi bố mẹ không cho xem, một tuần chỉ được xem tivi chừng một tiếng đồng hồ và coi phim hoạt hình có bố mẹ ngồi bên, máy tính với điện thoại thì làm ơn tránh xa, toàn lên mạng linh tinh chứ mới lớp mười một cứ theo sách giáo khoa là đủ. Câu nào con bé cũng “bố con không cho, mẹ con bảo…”, tôi nói “con đang sống cho con hay cho bố mẹ con?”, con bé im lặng không nói. Tôi chỉ biết thở dài khi biết con bé còn không cả dọn dẹp phòng riêng, đến tháng chị còn dán hộ băng vệ sinh cho con vì sợ nó không biết làm.
|
Hình minh họa |
Hỏi rồi mai kia con vào đại học xa nhà thì sao, chị nói cho con thi sư phạm gần nhà, có gì ù về với bố mẹ. Sau này có chồng con thì thuê osin, đâu cứ phải biết làm việc nhà mới được đi lấy chồng. Trời đất, thời này thời nào rồi còn nhắm cột mốc “lấy chồng” mà tiến tới?
Có lẽ tôi “gở mồm” khi mới nói hôm trước, hai hôm sau chị bị sốt xuất huyết, anh lại đi công tác xa nên con bé hoàn toàn bất lực bó tay trước bà mẹ sốt mê man, cũng may là con bé còn biết giặt khăn ấm lau cho mẹ và gọi điện cho tôi cầu cứu. Nghe bảo chị sốt từ sáng nhưng vẫn cố chở con đi học, chiều đón con về, hai mẹ con ăn tạm cơm quán, quần áo con bé thay ra để trong góc phòng giặt. Khi chị bị nặng cần phải vào viện nội trú còn ráng quay lại dặn tôi đưa con bé về ở cùng, chứ một mình nó biết xoay trở làm sao?
|
Hình minh họa |
Tôi lắc đầu, mười bảy tuổi ngày xưa đã làm mẹ trẻ con rồi, thế mà ngày nay đến nấu mì gói, bấm máy giặt cũng không biết, là hạnh phúc vì có mẹ che chở hay bất hạnh vì không được dạy dỗ hướng dẫn? Chị luôn bảo vệ con, nói tụi nó giờ học nặng lắm, mình làm ù một tí có sao, cho con nó nghỉ ngơi, nó lại là con một, anh ấy cưng lắm.
Con một thì sao, con gái thì sao, con nào chẳng phải ăn học, làm việc và cố gắng? Bây giờ chị có thể làm hộ con, từ công việc nhà đến các bài thủ công để con mang nộp cô, nhưng một hai năm nữa con bé vào đại học, môi trường năng động rèn luyện tính tự lập thì con bé biết làm gì? Tôi kể chị nghe thằng nhóc nhà hàng xóm, mới lớp ba đã biết cơm nước, lau nhà, phơi đồ, chị lắc đầu, tự lập để con cái không cần cha mẹ, không coi nhà mình là thân thuộc, lúc nào cũng muốn ly khai?
Ai bảo tự lập là không cần cha mẹ, muốn ly khai? Tôi tá hỏa với ý nghĩ của chị, hóa ra vì không muốn xa con nên chị áp dụng biện pháp “phong tỏa” với con, để con luôn luôn cần mẹ, cần gia đình? Nhưng xin thưa, đó là chị đang tập cho con dựa dẫm lười biếng yếm thế chứ không phải là “cần”!
Chị thiêm thiếp ngủ, thi thoảng lại cau mày, không biết trong giấc ngủ chị nghĩ gì, chị mệt mỏi vì bệnh tật hay lo cho con gái vắng tay mẹ sẽ… bơ vơ?
|
Hình minh họa |
Tôi gọi điện cho con gái tối nay hai chị em ăn tạm mì gói, con sẽ ủ mì trước, ủ cho riêng mình con rồi hướng dẫn chị tự làm, ăn xong hai chị em sẽ rửa bát rồi học bài, con hướng dẫn chị chuẩn bị nệm gối cho mình…. Học không bao giờ là quá muộn, có thể con bé sẽ để vương vãi, có thể làm vỡ bát, có thể sẽ bị nước sôi văng trúng khiến bị phỏng nhẹ, có thể đứt tay, có thể…, ừ, có thể là tôi tàn nhẫn khi đối xử thô bạo với “cục vàng” của chị. Con bé cần phải lớn, có sự trưởng thành nào mà không phải trả giá?
Quỳnh Như