“Xin chỉ có hoa thơm chứ đừng là cỏ úa…”

09/07/2020 - 11:08

PNO - Anh sẵn sàng chơi đàn và sẵn sàng hát giữa làng quê của tôi, bên những ngọn tháp Chàm hoang tàn, đổ nát để anh chị, bà con của tôi - những người nông dân chân lấm tay bùn - nghe suốt đêm.

Đà Lạt, trời se lạnh, dã quỳ tả tơi dưới những cơn mưa trái mùa. Mỗi lần ở đâu trên đất nước có bão là Đà Lạt lại mưa, người Đà Lạt tự hào về điều ấy, họ bảo Đà Lạt luôn khóc cho cả nước. “Đà Lạt tình, Đà Lạt mưa. Tôi giờ ướt áo xin thưa bạn bè”. Chợt nhớ hai câu thơ của Nguyễn Tấn On.

Vẳng tiếng ghi-ta, tiếng đàn khắc khoải cay đắng như thể nhân loại đọa đày khổ ải hàng triệu năm qua. Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn thì thầm: “Chương hai bài La Catedral của Agustín Barrios Mangoré”.

Trong căn nhà nhỏ như ngôi nhà của bảy chú lùn trong truyện cổ tích, lọt thỏm dưới lũng sâu, bên cạnh cây thông cổ thụ đầy u bướu cô độc góc đường Hàn Thuyên, rít từng cơn mộng mị trong gió chiều, người đàn ông gầy gò ngồi đánh đàn, gương mặt khắc khổ như tiếng đàn của ông.

Vì sao nhạc sĩ Cao Hồng Sơn rủ tôi lặn lội đi tìm người đàn ông này. Sự xuất hiện của tay ghi-ta cổ điển nổi tiếng Đồng Nai, khiến ông Giang Văn Thân - nghệ sĩ làm đàn - buông cây đàn bật dậy, một hành động nhanh nhẹn khác thường so với sự chậm rãi cố hữu của xứ sương mù.

Nghệ sĩ đã thực hiện trọn vẹn được mong muốn của mình
 Tiếng đàn trầm lắng, len qua sương lạnh Đà Lạt rót vào tai người nghe...

Cao Hồng Sơn trịnh trọng nâng cây đàn lên ngắm nghía ôm vào lòng và bắt đầu nhập, tiếng đàn trầm lắng, len qua sương lạnh Đà Lạt rót vào tai người nghe, như hương thơm hoang dại của hoa dã quỳ, tôi khẽ rùng mình… Không hiểu sao tôi lại rùng mình, không phải vì tiếng đàn.

Vốn xuất thân từ vùng quê “chém to kho mặn” nên tôi không đủ khả năng thẩm âm dòng nhạc thính phòng quá xa lạ với gốc gác “bần cố nông”, tôi chơi với anh vì con người của anh, chứ không phải vì tài năng của anh.

Tôi rùng mình vì nhìn cách anh ôm đàn, tôi nhớ lại cách mà anh ôm chiếc áo anh mua cho cậu con trai yêu quý Cao Hồng Hà của mình, trong chuyến đi Hội An với tôi. Tình yêu con người không phải là những biểu hiện lớn lao mà đôi khi chỉ hành động nhỏ, một ánh mắt, một vòng tay đủ để bao hàm tình yêu lớn. Cao Hồng Sơn yêu cây đàn như đứa con của mình. Anh yêu quý cây đàn và yêu quý người làm đàn, vì anh cũng là người từng làm đàn.

Thật khiếm nhã khi bắt đầu kể về cuộc đời của một nghệ sĩ chơi đàn bằng câu chuyện người làm ra cây đàn, nhưng tôi biết nhiệm vụ của người viết là phải mang đến cho người đọc một “âm bản” của cuộc đời nghệ sĩ, khác với những gì mà ai cũng biết về họ.

Cao Hồng Sơn đã từng làm đàn để bán, để chạy kiếm thêm vài chục ký lương thực bổ sung cho mười ba ký bắp xay mà một giáo viên như anh đã nhận được trong thời bao cấp. Không biết các con anh có nhớ không nhưng chắc chắn vợ anh, chị Nguyễn Thị Hiên, một cô giáo, một người phụ nữ thuần hậu, một người vợ, một người chị, một người tình và là nguồn năng lượng ủ ấm trái tim thơ trẻ, trái tính, trái nết như Cao Hồng Sơn, nhớ rất rõ.

Chị không thể quên, bởi chị đã từng ôm bàn tay dính đầy véc-ni của chồng để khóc. Đôi bàn tay mà cha mẹ gia đình chồng chị và cả chị đã nâng niu gìn giữ cho anh mấy chục năm qua. Chị đã quyết định học đánh véc-ni để giữ đôi bàn tay cho chồng…

Sinh ra trong gia đình quý tộc cuối mùa vẫn cố giữ chút phong lưu xưa cũ, Cao Hồng Sơn nhớ như in, ông cụ vẫn đội mũ phớt, chống ba-toong như công chức của Pháp. Trong thời chiến tranh “thóc cao gạo kém”, ông cụ vẫn quyết định cho con trai theo học nhạc viện, một quyết định không có ở những gia đình nông dân thuần túy.

Giã từ xứ vải thiều Hải Dương lên Hà Nội, Cao Hồng Sơn tự hứa với lòng: “Nếu suy nghĩ của con là cánh đồng bao la, xin chỉ có hoa thơm chứ đừng là cỏ úa…”. Lời hứa đó, mấy chục năm sau đã thành ca khúc nổi tiếng Cho con.

Tốt nghiệp nhạc viện loại ưu, Cao Hồng Sơn hăm hở mang “hoa thơm” vào cuộc đời. Yêu cô giáo, chọn nghề dạy học, anh lặn lội Tây Nguyên với trẻ em dân tộc, rồi lưu lạc và trụ lại bên miền đất Đồng Nai bao dung và độ lượng. Chấp nhận “an bần lạc đạo”, Cao Hồng Sơn quyết định nuôi sống gia đình bằng nghề phụ, nghề làm đàn.

Đôi tay mỏng manh, chỉ quen âu yếm với con người, với cây đàn, tập làm quen với cưa, bào, đục, đẽo… cho đến công đoạn đánh véc-ni thì đôi tay mất cảm giác và người phụ nữ của Sơn đã giữ lại đôi tay ấy cho anh. Khi nghe tiếng đàn của anh giữa trời lạnh Đà Lạt, tôi khẽ thầm: “Ngàn lần cám ơn chị, chị Hiên!”.

Tôi và anh đã có những chuyến đi đến nhiều miền trên đất nước. Chúng tôi gắn kết với nhau không chỉ bởi cùng chung sở thích đam mê phiêu bạt mà còn được gắn kết bởi sợi dây vô hình: tình bạn của anh với cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ, người anh, người thầy của tôi. Trong chuyến rong chơi miền Trung, chúng tôi ngồi bên bờ biển của bán đảo Sơn Trà, mây trắng như từ ngàn năm trước và mãi đến ngàn năm sau, mây tràn từ đỉnh núi xuống mặt biển, Sơn Trà đẹp và buồn như thiên thai.

Nhấp chén rượu giữa lãng đãng mây nước, Cao Hồng Sơn ôm đàn hát: “Bạn đến rồi đi như mây trắng, trời buồn rơi rụng một vì sao”, anh hát bài Đối ẩm với người xa - một sáng tác anh viết tặng hương hồn nhà văn Nguyễn Đức Thọ. Anh hát trong giàn giụa nước mắt. Kết thúc bài hát, anh rót ly rượu vào biển khơi.

Anh kể: “Trước ngày Thọ ra đi, Thọ muốn nghe đàn, tôi đã ôm đàn đến bệnh viện để đàn cho Thọ nghe. Hôm ấy, tôi đã chơi hàng chục bài, chơi tím tái mười đầu ngón tay, vừa chơi vừa khóc. Hôm sau, Thọ ra đi, đó là lần chơi đàn đáng nhớ trong cuộc đời của tôi”.

 Anh không nhớ những lần biểu diễn giữa ánh đèn rực rỡ của sân khấu mà nhớ những lần chơi đàn cho bạn bè. Không điệu đàng, anh sẵn sàng chơi đàn và sẵn sàng hát giữa làng quê của tôi, bên những ngọn tháp Chàm hoang tàn, đổ nát để anh chị, bà con của tôi - những người nông dân chân lấm tay bùn - nghe suốt đêm.

Chị tôi mang ra cho anh một nồi cháo gà nấu đậu đen. Chị lúng túng không biết phải đối xử như thế nào với một người nghệ sĩ. Vì cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của chị chưa được gặp nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt ngoài đời. Hình ảnh chân chất, thật thà ấy của chị tôi, của những người nông dân quê tôi giúp anh yêu âm nhạc hơn, yêu cây đàn hơn - anh cảm nhận được cái tình của người quê.

Anh chơi đàn giữa bàn rượu nhỏ bên vệ đường để phục vụ bạn bè. Trong những cuộc chơi của mình, anh không phân biệt sang hèn, không phân biệt nông dân hay trí thức, anh chỉ cần người đến với nghệ thuật có chút tình.

Không phải anh không ước ao có những cống hiến ở tầm “vĩ mô” trên con đường nghệ thuật nhưng anh sinh bất phùng thời. Anh sinh giữa cái thời cả nước hừng hực đánh Mỹ. Anh lớn lên giữa cái thời cả nước hừng hực xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, cơm còn chưa đủ ăn, có thời gian đâu để mọi người hiểu được giá trị của Mozart, Beethoven…

Không hằn học, không chán đời, không làm được vườn hoa, thì anh làm bông hoa thơm để dâng tặng cho bạn bè. Những ước vọng đời mình anh dồn cho thế hệ sau. Con trai của anh - Cao Hồng Hà - là một tài năng ghi-ta Việt Nam. Năm 1997, lúc mới 11 tuổi, Hồng Hà đã đoạt giải nhất trong cuộc thi ghi-ta TP.HCM mở rộng lần 3.

Năm 2000, Hồng Hà lại giành giải nhất ở lứa tuổi 12-16. Năm 2002, Hồng Hà vượt lên hàng chục thí sinh cả nước giành giải nhất lứa tuổi 12-18 trong đại nhạc hội ghi-ta toàn quốc ở Hà Nội và năm 2004, khi thi thố với các đàn anh lớn tuổi, Hồng Hà đã vinh dự lọt vào top 3 trong đại nhạc hội ghi-ta toàn quốc tại Nha Trang và mới nhất là giải tư ghi-ta quốc tế tại Thái Lan.

Hà tâm sự: “Thú thật không phải tôi, mà chính bố tôi chọn ghi-ta cho tôi. Bố tôi thời trẻ đã tốt nghiệp môn ghi-ta tại Nhạc viện Hà Nội, hiện đang giảng dạy môn này ở Trường Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Khi tôi mới chập chững biết đi, bố đã tập cho tôi làm quen với đàn. 

Suốt những năm tuổi nhỏ, tôi học ghi-ta chỉ để bố khỏi đánh đòn. Cho đến khi đoạt được giải thưởng đầu tiên năm 11 tuổi, tôi mới bắt đầu hứng khởi với cây đàn này. Những giải thưởng gặt hái được liên tiếp sau đó đã cuốn tôi đi theo con đường của ghi-ta. Ngẫm lại, tôi thấy mình với ghi-ta như có duyên tiền định, muốn cưỡng lại cũng không được”.

Nghệ sĩ đã thực hiện được mong muốn của cha. Ảnh minh họa
Nghệ sĩ Cao Hồng Hà đã thực hiện được ước vọng của cha. Ảnh minh họa

Đến hôm nay, Cao Hồng Hà đã thực hiện trọn vẹn ước vọng của cha mình. Không biết có phải duyên tiền định như anh nói không nhưng có điều chắc chắn là anh được sinh ra vào cái thời mà cha anh không có được, anh đã làm được điều mà thời cuộc đã không dành cho cha anh.

Khi tôi viết bài này, Cao Hồng Sơn tìm đến tặng tôi một dĩa ca khúc của anh mới được thu nhờ sự giúp đỡ tài chánh của vợ anh và của bạn bè, trong đó có bài hát Cho con mà tôi rất thích. “Nếu suy nghĩ của con là cánh đồng bao la, xin chỉ có hoa thơm chứ đừng là cỏ úa” - câu hát vang lên giữa những ngày “cỏ úa” đang tràn ngập trong trái tim tôi bởi những tham vọng của đời thường. Xin cảm ơn “hoa thơm” của Cao Hồng Sơn dâng tặng cho bạn bè và cuộc đời. 

Nguyễn Một

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.