Xin chào, quý ông kệch cỡm!

14/12/2017 - 19:17

PNO - Ba người đàn ông đội vương miện trên đầu vẫy chào khán giả, há có thể để ông bà ta xem, chắc họ cũng giật mình.

Cuộc đua “giành” vương miện gần đây xôn xao không khác gì cái chợ trời. Lắm lúc, công chúng còn chưa kịp nhớ tên cô hoa hậu ngày trước thì ngay hôm sau đã có thêm cô mới. Thời đại gì mà vương miện “rẻ”. Rẻ không phải vì giá trị hiện vật mà rẻ do tính chất cuộc thi ao làng và đặt để “danh hiệu” lên đầu những người chưa xứng đáng. Công chúng “ngợp” trong biển trời hoa hậu thì đùng ở đâu, cánh mày râu cũng chen chân vào cuộc đua tranh, với Quý ông lịch lãm.     

Đây được cho là cuộc thi dành cho quý ông lần đầu tiên ở Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp ngoại hình, sức khoẻ, tài năng, khí chất phong độ, bản lĩnh trên thương trường… Nói chung, có gì đáng tôn vinh ở người đàn ông, Quý ông lịch lãm sẽ hội tụ đủ những yếu tố đó.  

Xin chao, quy ong kech com!
Quý ông đội vương miện, cầm kiếm

Các quý ông cũng phải trải qua 3 phần thi: Trang phục áo dài truyền thống, Trang phục thể thao và Trang phục veston công sở. Ngoài ra, các anh còn phải thể hiện tài năng trong phần thi năng khiếu, tham gia hoạt động nhân ái – đúng như thủ tục mà chị em muốn giành vương miện phải trải qua.

Đêm chung kết, Quý ông lịch lãm của mùa đầu tiên, đầu đội vương miện, tay cầm… kiếm. 3 á quân còn lại cũng được đội 3 vương miện xinh xinh trên đầu. Một hình ảnh mới lạ và đầy sáng tạo dành cho vẻ đẹp nam tính, phong độ thường thấy của đàn ông. Mới lạ vì từ trước đến nay ở xứ Việt này, chưa cuộc thi nào quý ông được đội vương miện. Còn sáng tạo thì nhìn vào thấy ngay cây kiếm được trao cho người ưu tú nhất, ngoài chiếc cúp quen thuộc, dễ gì được chứng kiến cảnh trao kiếm trong các cuộc thi.

Xin chao, quy ong kech com!
Quý ông rút kiếm thể hiện... sự nam tính

Phụ nữ lụa là đam mê danh hiệu, có người dành cả thanh xuân để lao vào những cuộc thi nhan sắc. Nam nhân thì ít sân chơi sắc đẹp hơn nên Quý ông lịch lãm xuất hiện như chiếc phao  cho nhu cầu thể hiện mình của phái mạnh. Vui làm sao hơn khi tiếng nói bình đẳng giới bấy lâu nay đã, đang và sẽ được tiếp nối khi sân chơi nhan sắc cũng đã quân bình cho nam – cho nữ. Nhưng than ôi, chiếc vương miện- biểu tượng của sắc đẹp phụ nữ lại nằm trên đầu các "quý ông". Thật kệch cỡm làm sao, lố bịch làm sao!

Và, vui làm sao, khi người ta không thể nào nén tiếng cười chua chát và bật ngửa cho kiểu tôn vinh lạ đời, thì các "quý ông" ấy vẫn hãnh diện quá xá, xem sự cười chê ấy như một món quà, để hết gửi những biểu tượng yêu thích, thích thú cho người chê,  đến chia sẻ về trang cá nhân của mình. Các quý ông ấy thật lịch lãm, cái lịch lãm mà từ điển bao đời nay bỏ sót, cần phải định nghĩa lại.

Đặt trong tâm thế những thí sinh, chắc phải lấy làm hào hứng và vui mừng lắm với danh hiệu được trao nên quán quân, á quân cứ thay nhau chia sẻ tin vui trên mạng xã hội. Mặc ngoài kia, công chúng đang cười khinh khi chiếc vương miện xinh xinh anh đang đội trên đầu. 

Đám đông không luôn luôn đúng nhưng ngó Đông dòm Tây, có ở đâu, chiếc vương miện nhỏ bé, lấp lánh kia lại đại diện cho sự nam tính, phong độ của một quý ông để mà trao tặng. Dư luận dội “đá” cuộc thi, cười chiếc vương miện hao hao dành cho… quý bà, thì á quân 2 trong một bài trả lời phỏng vấn vẫn cảm thấy tự hào và cho đó là điều bình thường. 

Xin chao, quy ong kech com!
1, 2, 3, 4 quý ông... lịch lãm

Nghĩ xa hơn chiếc vương miện, cây kiếm – vốn những vật vô tri, vô giác, chúng không sai trong trường hợp này. Có sai thì sai ở cách nhìn nhận của BTC, thí sinh từ đầu cho đến khi dư luận phản ứng vẫn một mực trung thành với ý nghĩ nam nhân đội vương miện thì có gì lạ. Lạ quá đi chứ, lạ cho quan niệm thẩm mỹ xưa nay chẳng giống ai.

Thằng Tí cháu ông Bảy đang chơi kiếm nhựa ngoài sân. Một hồi chạy vào nhà thấy ông đang xem Quý ông lịch lãm. Sau vài thắc mắc kiểu con nít quý ông là gì, lịch lãm là gì, Tí bèn nói: "Con cũng muốn trở thành Quý ông lịch lãm". Ông Bảy trố mắt, Tí nhanh nhảu: "Vì con muốn có cây kiếm sắt, chơi kiếm nhựa chán rồi".

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI